Tăng cường giám sát ngân sách Nhà nước đầu tư cho miền núi
VOV.VN-Những vấn đề liên quan đến hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử được các đại biểu tập trung thảo luận tại Hội thảo.
Sáng 23/11, tại thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo “Hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử đối với ngân sách nhà nước đầu tư cho miền núi-Thực trạng và giải pháp”.
Tại Hội thảo, nhiều đại biểu khẳng định, ngân sách nhà nước đầu tư cho miền núi, vùng dân tộc thiểu số đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống, dân trí vùng dân tộc thiểu số; tuy nhiên, còn nhiều hạn chế.
Các đại biểu tham dự Hội thảo |
Cùng với sự phát triển của đất nước, cơ chế chính sách cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi đang có sự thay đổi căn bản, ngày càng sát thực tế hơn; từ chỗ chính sách chủ yếu hỗ trợ trực tiếp cho người dân, chuyển sang chính sách vừa đầu tư phát triển, vừa hỗ trợ trực tiếp. Địa bàn và đối tượng trong hệ thống chính sách cũng có sự thay đổi quan trọng; từ chỗ “dễ làm trước, khó làm sau”, chuyển sang ưu tiên đầu tư và hỗ trợ cho những vùng khó khăn nhất.
Giai đoạn 2010-2015, chính sách đã tập trung vào giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc nhất của vùng dân tộc thiểu số và miền núi, tạo đà cho khu vực này phát triển như: Đầu tư cơ sở hạ tầng các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt và giải quyết việc làm cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn; chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất; chính sách đầu tư hỗ trợ định canh định cư, chính sách người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số...
Tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách cũng còn nhiều bất cập mà theo ông Trịnh Công Khanh, Vụ trưởng Vụ chính sách dân tộc (Ủy ban Dân tộc của Chính phủ) thì nguyên nhân chủ quan chính là các cấp, các ngành chưa thực sự quan tâm sâu sát.
Ông Trịnh Công Khanh nói: “Nhận thức về công tác dân tộc, vị trí vai trò của vùng dân tộc miền núi trong phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của một số bộ ngành trung ương, địa phương chưa thực sự sâu sát. Việc tổ chức chỉ đạo thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách dân tộc có mặt còn hạn chế, cơ chế thực hiện chính sách chưa phù hợp. Các mặt hạn chế yếu kém của chính sách chậm được sửa đổi, thay thế; việc chỉ đạo điều hành một số chương trình chính sách còn lúng túng, tổ chức thực hiện lan tràn, không trọng tâm, không tập trung nguồn lực; việc tổ chức thực hiện chính sách sử dụng nguồn lực kém hiệu quả; Hệ thống công tác dân tộc từ trung ương đến địa phương có nơi chưa hoàn chỉnh”.
Từ thực tế còn nhiều bất cập trong thực hiện chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi, những vấn đề liên quan đến hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử cũng là vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận tại hội thảo.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Hòa, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Mộc Châu (Sơn La), hiện nay việc giám sát của cơ quan dân cử đã được cải thiện đáng kể nhưng kết quả kiến nghị sau giám sát, nhiều lúc, nhiều việc chưa được các cấp quan tâm xử lý kịp thời.
Bà Nguyễn Thị Bích Hòa cho rằng, thành viên của đoàn giám sát nhiều khi không đủ năng lực để thực hiện giám sát nếu không chọn thêm các thành viên bên ngoài. Ví dụ như giám sát về các công trình xây dựng, các chế độ chính sách liên quan đến tài chính, nếu người cán bộ dân cử không có kiến thức sâu thì không nắm được tình hình. Còn kiến nghị sau giám sát thì có vấn đề được giải quyết ngay nhưng cũng có cái còn kéo dài, người ta không giải quyết mà mình lại không có một cơ chế gì để bắt người ta phái giải quyết. Trong khi đó có những ý kiến mà qua thực tế giám sát thì đấy là những bức xúc của người dân.
Để nâng cao hiệu quả giám sát, theo ông Lò Văn Muôn, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên, yếu tố quan trọng nhất để đạt kết quả là bản lĩnh và năng lực của người giám sát: “Thực ra ở mỗi cấp thì có hình thức tiếp thu nó khác nhau nhưng vấn đề là các kiến nghị của người giám sát, chất lượng của cuộc giám sát, người giám sát có nhìn được đúng bản chất của vấn đề hay không và mình kiến nghị có xác đáng, chất lượng hay không. Thực tế ở Điện Biên thì cũng tương tự như vậy. Vấn đề là chỉ sợ rằng đoàn giám sát không có đủ năng lực, bản lĩnh, trí tuệ”.