Tây Nguyên- vì đâu sông lở cát bay: Câu trả lời của nhà quản lý
VOV.VN - Các đơn vị khai thác cát phớt lờ các quy định của pháp luật và các cơ quan quản lý thả nổi cho sai phạm để các tàu cát tồn tại.
Sau những chỉ đạo của Chính phủ, yêu cầu các địa phương đẩy mạnh chấn chỉnh hoạt động khai thác cát trên các sông, ngăn chặn những hệ lụy về trật tự, trị an, đời sống, sản xuất và môi trường, những con sông ở khu vực Tây Nguyên vẫn hàng ngày quằn quại vì bị các tàu cát hoành hành.
Trong các bài trước, chúng tôi đã đề cập tình trạng sạt nghiêm trọng đang diễn ra, các đơn vị khai thác cát phớt lờ các quy định của pháp luật và các cơ quan quản lý thả nổi cho sai phạm, để các tàu cát được tồn tại trong vùng tối của công tác quản lý.
Trong khi đó, ông Lê Đức Trung, Trưởng phòng Khoáng sản và Tài nguyên nước (Sở TN&MT Đắk Nông) khẳng định: Đắk Lắk và Đắk Nông đã có quy chế phối hợp, xử lý các tàu cát khai thác chồng chéo và quy chế này đang được thực hiện rất tốt.
Từ năm 2015, Đắk Lắk và Đắk Nông đã ký quy chế phối hợp, đó là nếu Đắk Lắk phát hiện ra tàu của Đắk Nông sang khai thác cát sai địa bàn sẽ giao cho phía Đắk Nông xử lý và ngược lại. Quy chế này đang được thực hiện rất tốt và nạn khai thác bừa bãi không còn xảy ra từ mấy năm nay.
Tại Sở Tài nguyên Môi trường Đắk Lắk, ông Nguyễn Văn Thiềm, Trưởng phòng Khoáng sản cho rằng, việc hàng chục tàu tụ tập khai thác trên sông Krông Nô, đoạn tiếp giáp giữa xã Ea RBin, tỉnh Đắk Lắk và xã Nâm N’Đir, tỉnh Đắk Nông là không thể xảy ra.
Lý do là trên sông có nhiều đoạn có đá ngầm, tàu cát từ hạ nguồn không thể lên thượng nguồn. Chỉ đến khi phóng viên đưa ra ảnh chụp cùng những đoạn phim, ông Thiềm mới nhận ra thực trạng và phỏng đoán rằng, có lẽ các doanh nghiệp đã dùng mìn phá đá để thông dòng mà Sở không biết.
Ông Thiềm cũng thừa nhận luôn một thực trạng, đó là có không ít doanh nghiệp khai thác cát sai với giấy phép được cấp. Họ thường giúp nhau “cuốn chiếu” trên các dòng sông, đúng như những gì chúng tôi đã chứng kiến.
Còn về các công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý sai phạm, ông Nguyễn Văn Thiềm cho biết: “Chúng tôi chỉ quản lý về hành chính và hoạt động thanh tra, kiểm tra tham gia chủ yếu là kiểm tra sau cấp phép. Phòng chỉ có 2 người nên chúng tôi không thể kiểm tra toàn tỉnh. Việc kiểm tra đột xuất là do huyện, xã và công an, như cảnh sát môi trường, cảnh sát đường thủy thực hiện".
Theo phân tích của ông Thiềm, chúng tôi tìm đến Phòng cảnh sát Giao thông công an tỉnh Đắk Lắk.
Thiếu tá Nguyễn Huy Thành, Phó trưởng Phòng cho biết, lực lượng cảnh sát đường thủy của tỉnh hiện có 2 ca nô và 16 chiến sĩ, phụ trách 180 km đường sông. Công việc nhẹ nhàng nhưng việc kiểm tra và xử lý các tàu cát vi phạm vẫn không đạt yêu cầu, đó là vì những đặc thù riêng.
“Các đối tượng khai thác trái phép thường hoạt động về ban đêm, thường có người cảnh giới nên việc tuần tra, kiểm soát của cảnh sát đường sông gặp khó khăn. Các tuyến sông của Đắk Lắk, về mùa mưa, nước xiết, tuần tra rất nguy hiểm. Còn mùa khô, nước cạn, nhiều đoạn không đi được…” – ông Thành cho biết.
Riêng ông Y Poắt Tơr, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk khẳng định, ông không đổ lỗi cho chính quyền các huyện, thành phố trong việc để các tàu cát nghênh ngang tàn phá các dòng sông.
Ông thừa nhận việc để các tàu cát không đăng ký đăng kiểm vẫn được hoạt động là bất cập của đơn vị mình. Nhưng ông Y Poăt Tơr cũng phân trần rằng, lĩnh vực quản lý tàu thuyền và hoạt động khai thác cát liên quan đến nhiều ngành và địa phương, như: Công thương, Giao thông Vận tải, Công an và các huyện, các xã... Việc thiếu phối hợp, kém hiệu quả là điều dễ hiểu vì sở ngành này không thể chỉ đạo sở ngành khác, không thể chỉ đạo các huyện, các xã trong tỉnh.
Ông Y Poắt Tơr cho rằng, chỉ khi có sự quyết liệt từ Chủ tịch UBND các tỉnh, các Bí thư Tỉnh ủy, lĩnh vực khai thác cát mới có những chuyển biến đích thực. Ông Tơr nhấn mạnh: “Chúng ta phải quyết tâm và sự chung tay của tất cả các ngành, các cấp, trong đó có sự chỉ đạo quyết liệt của Chủ tịch UBND tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy mới có thể chuyển biến được.
Phân tích của người đứng đầu một Sở ở Đắk Lắk rõ ràng đúng với thực tế. Ở nhiều địa phương trong cả nước, lĩnh vực khai thác cát đang có những chuyển biến lớn, khi những người đứng đầu các tỉnh thể hiện sự quyết liệt trong thực tế. Nhưng ở Tây Nguyên vẫn thiếu điều này, các sở, ngành, địa phương ở các tỉnh trong khu vực vẫn chỉ quyết tâm bằng khẩu hiệu, không trả được sự yên bình cho những dòng sông./.
Phó Thủ tướng: Làm rõ đứng sau "cát tặc" là tổ chức tội phạm nào?
Vụ cát tặc lộng hành ở Bắc Ninh: Đình chỉ 3 thanh tra giao thông thủy