Tết Nguyên đán cận kề, lao động nghèo chỉ thấy nỗi lo
VOV.VN - Tết Nhâm Dần năm 2022 đang cận kề, nhưng đối với những lao động nghèo, lao động tự do xa xứ vẫn bộn bề với bao lo toan.
Xoay xở thu nhập, không dám mơ Tết
Chị Trần Thị Diệu, quê Nam Định mỗi ngày đạp xe hàng chục cây số khắp ngõ ngách khu vực Hà Đông, Cầu Giấy, Thanh Xuân (Hà Nội) để thu mua đồng nát. Thế nhưng khác mọi năm, những ngày cận Tết Nguyên đán 2022 này chị hầu như không thu mua được nhiều. Cùng với thông báo từ quê có thể phải cách ly sau khi từ vùng dịch về, ngày nào chị cũng cấn cá giữa việc ở hay về.
“Bà nội ở quê mới gọi điện lên bảo phải về trước ngày 15 (rằm tháng 12 âm lịch), chứ về sau ngày 15 là bị đưa đi cách ly tập trung, còn mất 300.000 tiền xét nghiệm PCR nữa. Mọi khi tôi phải làm đến 26-27 Tết mới về, có năm cũng phải 28-29 Tết tranh thủ có việc kiếm thêm chút tiền mới về. Năm nay tình hình dịch thế này chắc phải về sớm nhưng tiền thì chưa kiếm được mấy nên lo lắng lắm. Chẳng có tiền ăn Tết”, chị Diệu kể.
“Giờ chỉ mong kiếm chút tiền mua được bộ quần áo mới cho con chứ sửa nhà còn đang nợ, gần Tết họ đến đòi. Mình cố xoay sở kiếm tiền trả hết nợ, chưa dám nghĩ đến sắm Tết. Giờ mà về sớm không biết xoay tiền ở đâu ra mà trả nợ”, chị Diệu buồn bã nói.
Mọi năm, ngoài đi thu mua đồng nát, một số chị còn được thuê dọn dẹp nhà cửa. Dọn nhà vừa được tiền, vừa được cho đồ cũ và giấy bìa bỏ đi.
“Tầm này mọi năm người ta gọi vào dọn nhà, dọn cửa hàng không hết việc. Năm nay đến giờ chẳng ai gọi. Họ sợ dịch Covid-19, không cho người lạ vào nhà. Các hàng quán đóng cửa hết, buôn bán kinh doanh không được nên chẳng có gì bán cho mình. Mọi năm còn thu mua được nhiều, lon bia, hộp bìa nhà hàng còn cho luôn vì gần Tết người ta ăn uống nhiều. Năm nay người ta không ăn hàng nên chẳng có gì”, chị Nguyễn Thị Huyền, quê ở Nam Định cũng chuyên đi thu mua đồng nát chia sẻ.
Với chị Huyền, tiền nhà trọ với tiền ăn bình quân mỗi ngày của hai vợ chồng ở Hà Nội là 70.000 đồng, chưa kể tiền điện, nước… Chồng chị làm xe ôm chở quất, đào cho các vườn, nhưng năm nay đến giờ vẫn ít việc.
“Tầm này đi làm mới đủ trang trải hàng ngày thôi, chưa để ra đồng nào cho ngày Tết. Vợ chồng tôi chỉ trông mong mấy ngày giáp Tết thôi. Nhưng ở quê báo ra phải về trước ngày 15 không phải cách ly 7 ngày rồi về nhà cách ly thêm 7 ngày nữa. Nhưng giờ chưa kiếm được tiền để lo Tết làm sao về được. Tôi dự định phải tầm 25 Tết mới về. Mong sao ở quê cho về nhà để gia đình bố mẹ, con cái được vui vẻ, chứ ngày Tết mà mỗi người một nơi thì khổ lắm”, chị Huyền cho biết.
Tết còn rất xa với người lao động nghèo
Chị Đỗ Thị Mỹ Quyên, quê Hưng Yên vẫn còn may mắn hơn. Tuy dịch Covid-19 khiến chị không đủ tiền thuê kiot ở chợ, buộc phải chuyển sang xe đẩy rong bán hoa quả, nhưng vẫn đủ trang trải tiền cuộc sống. Điều mong ước lớn nhất của chị lúc này là tình hình dịch ổn định và cả gia đình được khỏe mạnh.
“Tôi đang ở trọ trên này cùng thằng con lớn đi làm rồi. Dịch bệnh vất vả chung, chỉ đủ ăn thôi nhưng tằn tiện có mẹ, có con cũng không quá khó khăn như nhiều người. Ở nhà còn thằng nhỏ đang đi học và chồng thì trồng cây cảnh. Cây cảnh năm nay làm cũng khó khăn. Bây giờ cả nhà chỉ mong có sức khỏe để kiếm được đồng ra đồng vào trang trải cuộc sống là tốt rồi”, chị Quyên bày tỏ.
Trước thông tin có thể không được về quê ăn Tết hoặc phải cách ly qua cả ngày Tết nếu về muộn, chị Quyên cho biết, gia đình có thể phải tách ra ăn tết cả ở Hà Nội và Hưng Yên.
“Con tôi phải làm việc đến 27 Tết. Tôi cũng phải chờ con làm xong mới về quê. Nếu chính quyền địa phương không cho ăn Tết tập trung ở nhà, chúng tôi cũng phải nghiêm chỉnh chấp hành. Dịch bệnh là khó khăn chung, quan trọng nhất bây giờ là sức khỏe chứ Tết thì còn năm này năm khác. Năm nay tạm gác lại Tết cũng không sao”, chị Quyên cho biết thêm.
Đồng cảnh ngộ có thể phải “ăn Tết” xa quê, chị Lê Thị Nụ, quê Thanh Hóa rong ruổi với xe đẩy quần áo khắp Hà Nội chỉ mong đủ tiền chữa bệnh còn chưa dám nghĩ gì đến Tết. Việc về quê bây giờ của chị chỉ nhằm mua thêm bảo hiểm y tế dành cho hộ nghèo, hỗ trợ chị chữa căn bệnh ung thư đeo đẳng suốt 2 năm nay.
“Năm nay dịch bệnh chẳng ai mua sắm gì cả. Quần áo bán chậm lắm. Tiền kiếm được bao nhiêu chỉ đủ chữa bệnh mà bảo hiểm dành cho hộ nghèo tôi vừa bị hết hạn cuối tháng 12 vừa rồi. Bây giờ chỉ cố gắng bán kiếm đủ tiền vé xe về quê thôi. Về quê để còn được chính quyền xã chứng nhận mua bảo hiểm y tế dành cho hộ nghèo là 250.000 đồng/năm chứ không thì không đủ tiền để chữa bệnh”, chị Nụ mệt mỏi nói.
Với việc tỉnh Thanh Hóa có thư ngỏ khuyến cáo người dân làm ăn xa không về quê dịp Tết nếu không thực sự cần thiết, chị Nụ cho hay, chị về quê chủ yếu để mua được bảo hiểm hỗ trợ chữa bệnh, nên nếu không được về, chị sẽ ở lại Hà Nội.
“Đến đầu tháng 4 mới tiếp tục đợt điều trị của tôi, nên để qua Tết tháng 3 về mua bảo hiểm cho hộ nghèo cũng được, cũng đỡ khó khăn cho địa phương. Bây giờ trong đầu chỉ nghĩ đến tiền. Làm sao kiếm đủ tiền chữa bệnh thôi còn chẳng nghĩ gì đến Tết cả”, chị Nụ chia sẻ.
Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến cuộc sống của những người lao động nghèo đã khó lại càng thêm khó. Với họ, Tết thật xa bởi năm nay có thể họ không thể trở về cùng gia đình ăn Tết./.