Thách thức giải quyết việc làm cho người già đô thị

VOV.VN - Việt Nam đã bước vào giai đoạn “già hóa” dân số từ năm 2011 và là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh. Số người cao tuổi càng tăng, áp lực an sinh càng lớn, làm thế nào để họ có thu nhập ổn định nơi đô thị sinh hoạt đắt đỏ?

Bà Lương Thị Sáu, 65 tuổi, ở Kiến Xương, Thái Bình, lên Hà Nội trông cháu được 2 năm nay. Bà tranh thủ thời gian, làm nhiều công việc để có thêm thu nhập khoảng 4 triệu đồng/tháng phụ giúp các con:

"Tôi làm đủ mọi thứ, ai mướn gì tôi cũng làm: rửa bát, dọn nhà theo giờ,… Lúc đông khách thì bưng bê, không thì rửa bát, tôi đi từ 2 - 3h sáng đến 9 - 10h rửa bát xong là tôi về. Năm ngoái có việc thì tôi làm được hơn 40 triệu đấy, nhưng năm nay không có việc đều. Sức khỏe tôi không mệt nhọc gì, mỗi tội cái tay nó bị tê này".

Theo thống kê, tại Việt Nam, số người trên 65 tuổi là khoảng 11,4 triệu, nhưng chỉ 1/3 trong số đó được hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội hằng tháng. Khoảng 70% người cao tuổi Việt Nam sống tại khu vực nông thôn và làm nông nghiệp.

Còn ở đô thị, đồng ruộng không còn, nhiều người cao tuổi không có lương hưu phải làm đủ nghề: xe ôm, bán nước, giúp việc,… để có thêm tiền sinh hoạt:

"Làm thế này thứ nhất là không hiệu quả, thứ hai là vất vả, nắng mưa. Ngày được trăm bạc, rồi tiền xăng dầu các thứ, không ăn thua. Thật sự là bác muốn tìm công việc ổn định nhưng tình hình nó không được theo ý muốn".

"Tuổi này ông chẳng biết kiếm kế sinh nhai gì nữa, bây giờ chỉ mong cấp trên tạo điều kiện cho bà con, những người không có lương, mà đồng ruộng thì thu hồi hết".

Ông Lê Quang Trung, nguyên Phó cục trưởng phụ trách Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá, việc làm cho người cao tuổi, đặc biệt tại các đô thị, là vấn đề cấp bách trong bối cảnh Việt Nam nằm trong 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh.

Giải quyết việc làm cho người cao tuổi như “một mũi tên trúng nhiều đích”, vừa đảm bảo an sinh xã hội, giúp người già duy trì sức khỏe cả thể lực và trí lực, vừa góp phần giảm thiểu thiếu hụt nguồn nhân lực quốc gia.

Theo Bộ luật Lao động và Luật Việc làm, người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, không giới hạn cận trên về độ tuổi, miễn là có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc. Nhà nước đã có chủ trương nhưng việc tổ chức thực hiện chưa thực sự được quan tâm, dẫn đến nguồn lao động người cao tuổi có kiến thức, kinh nghiệm, trách nhiệm như một “kho báu” đang bị lãng quên.

Ông Lê Quang Trung cho biết: "Chúng ta chưa có những động thái để chuyển đổi nhận thức xã hội; chưa có sàn giao dịch việc làm cho người cao tuổi; chưa cung cấp thông tin về nhu cầu của người cao tuổi trong quá trình làm việc.

Chúng ta chưa có gói hỗ trợ cho người cao tuổi, người sử dụng lao động nhận người cao tuổi vào làm việc; chưa tổ chức đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho người cao tuổi. Với đối tượng khởi sự doanh nghiệp, chúng ta cũng chưa có chương trình đào tạo, hỗ trợ, chính sách vay vốn người cao tuổi chưa được tiếp cận.

Đối với lao động tự do khu vực thành thị, họ thiếu thốn rất nhiều bề: thiếu kiến thức, thông tin, thiếu được bảo vệ".

Đồng tình với quan điểm này, PGS. TS. Cao Văn Sâm, Chủ tịch Hội đồng cố vấn, Viện Đào tạo và Phát triển nhân lực, chuyên gia cao cấp về đào tạo, việc làm cho biết, ngoài Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, một số địa phương hay hiệp hội cũng đã có những đề án đào tạo ngắn hạn, nâng cao kiến thức, kỹ năng, chuyển đổi nghề nghiệp, hay thậm chí khởi nghiệp cho người cao tuổi.

Tuy nhiên, việc áp dụng gặp khó ở cả 3 khâu: chính sách việc làm; hướng nghiệp, đào tạo, tuyển dụng, chuyển đổi nghề nghiệp; và vay vốn. Do vậy, cần nhiều giải pháp đồng bộ, tránh viễn cảnh Việt Nam có thể thiếu lao động trong 20 năm tới như một số dự báo:

"Đầu tiên là tạo ra thị trường lao động cung - cầu cho người lao động cao tuổi. Tăng cường công tác truyền thông, bỏ rào cản tâm lý tự ti khi mình nhiều tuổi. Thứ ba, tăng cường các giải pháp hướng nghiệp, đào tạo và giải pháp về vốn.

Phát huy những mô hình, ví dụ tự thành lập quỹ phát triển sản xuất của người cao tuổi đóng góp từ các hội viên; hoặc là sử dụng nguồn nhân lực đã nghỉ hưu để tiếp tục đóng góp cho nhà máy, xí nghiệp. Môi trường đô thị, chúng ta cần trang bị cho họ thêm kỹ năng chuyển đổi số, kỹ năng hội nhập và thích ứng.

Người cao tuổi trí thức trong lĩnh vực giáo dục, y tế; các nghề khác như bán hàng, bảo vệ, tạp vụ, bảo mẫu, công tác bảo hiểm,… có thể sử dụng lao động thời gian ngắn, theo vụ việc. Đối với quốc gia cũng phải có chiến lược sớm thích ứng với già hóa dân số".

Cũng nhấn mạnh vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, việc làm và các luật khác có liên quan người cao tuổi, cùng những chương trình hỗ trợ đặc thù, ông Lê Quang Trung, nguyên Phó cục trưởng phụ trách Cục Việc làm dẫn thêm kinh nghiệm của một số quốc gia phát triển mà Việt Nam có thể học tập.

Như Hàn Quốc có chương trình “màn hai cuộc đời”, hỗ trợ người lao động ngay từ khi họ còn đang làm việc và chuẩn bị bước vào độ tuổi người cao tuổi. Chương trình này dành hàng tỷ USD mỗi năm để cung cấp thông tin, tư vấn, tổ chức đào tạo; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhận lao động người cao tuổi; hỗ trợ người lao động học tập suốt đời và chuyển đổi nghề nghiệp; hỗ trợ cả vốn và kiến thức nếu người cao tuổi muốn khởi sự doanh nghiệp.

Xã hội lâu nay có quan niệm, người cao tuổi cần được nghỉ ngơi, không phải là đối tượng đào tạo nghề. Do đó, chính sách, chế độ cho người lao động cao tuổi còn thiếu, dù nhiều người vẫn còn khả năng và mong muốn làm việc, cống hiến.

Trong bối cảnh mặt bằng chăm sóc sức khỏe được cải thiện, tuổi thọ được nâng lên, vấn đề việc làm phù hợp cho người cao tuổi cần sớm được nhìn nhận với cách tiếp cận tích cực từ chính sách lao động và việc làm.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hỗ trợ, giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động
Hỗ trợ, giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động

VOV.VN - Hà Nội và các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi đang có nhu cầu tuyển dụng hàng trăm nghìn lao động làm việc trong nước và đi làm việc tại nước ngoài.

Hỗ trợ, giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động

Hỗ trợ, giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động

VOV.VN - Hà Nội và các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi đang có nhu cầu tuyển dụng hàng trăm nghìn lao động làm việc trong nước và đi làm việc tại nước ngoài.

Giải quyết việc làm cho 162.000 lao động ở Hà Nội
Giải quyết việc làm cho 162.000 lao động ở Hà Nội

VOV.VN - Năm 2023, Hà Nội đặt mục tiêu giải quyết việc làm mới cho 162.000 lao động; giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị ở mức dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt hơn 73%.

Giải quyết việc làm cho 162.000 lao động ở Hà Nội

Giải quyết việc làm cho 162.000 lao động ở Hà Nội

VOV.VN - Năm 2023, Hà Nội đặt mục tiêu giải quyết việc làm mới cho 162.000 lao động; giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị ở mức dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt hơn 73%.

Thừa Thiên Huế kết nối cung cầu giải quyết việc làm cho lao động sau Tết
Thừa Thiên Huế kết nối cung cầu giải quyết việc làm cho lao động sau Tết

VOV.VN - Nhiều doanh nghiệp tại tỉnh Thừa Thiên Huế đang có nhu cầu tuyển dụng nhiều vị trí việc làm, mở ra nhiều cơ hội cho lao động tại chỗ. Bên cạnh đó, địa phương vận dụng các cơ chế, chính sách để hỗ trợ người lao động học nghề, chuyển đổi việc làm phù hợp, bảo đảm ổn định đời sống.

Thừa Thiên Huế kết nối cung cầu giải quyết việc làm cho lao động sau Tết

Thừa Thiên Huế kết nối cung cầu giải quyết việc làm cho lao động sau Tết

VOV.VN - Nhiều doanh nghiệp tại tỉnh Thừa Thiên Huế đang có nhu cầu tuyển dụng nhiều vị trí việc làm, mở ra nhiều cơ hội cho lao động tại chỗ. Bên cạnh đó, địa phương vận dụng các cơ chế, chính sách để hỗ trợ người lao động học nghề, chuyển đổi việc làm phù hợp, bảo đảm ổn định đời sống.