Thách thức lương thực cho 9 tỷ người
(VOV) -Phát triển nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực và đối phó hiệu quả với biến đổi khí hậu là những bài toán khó thế giới đang đối mặt.
Sau 3 ngày họp trù bị, ngày 6/9, phiên họp cấp cao Hội nghị lần thứ 2 về Nông nghiệp, An ninh lương thực và Biến đổi khí hậu chính thức diễn ra tại thủ đô Hà Nội. Hội nghị tập trung vào ba vấn đề chính là phát triển nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực và đối phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Những bài toán khó này một lần nữa lại được các đại biểu đến từ khắp thế giới đặt ra.
Dư luận đặc biệt mong chờ những giải pháp thực tế, hiệu quả sẽ được kiến thiết trong Hội nghị lần này. Riêng với Việt Nam, việc đăng cai tổ chức Hội nghị toàn cầu này càng khẳng định vai trò của nước ta trong việc giải quyết các vấn đề chung của thế giới.
Có lẽ hơn lúc nào hết, thế giới đã nhận thức rõ ràng một mối lo mới ngày càng hiện hữu, bên cạnh mối lo khủng hoảng tài chính đang hoành hành trên toàn cầu. Thậm chí, loài người còn đang tự dự báo một “cú sốc” cho chính mình. Đó là một cuộc khủng hoảng hệ thống lương thực toàn cầu trong tương lai không xa.
Nỗi lo sợ của loài người với sự thiếu hụt lương thực hay nói cách khác là “cuộc chiến đói nghèo” là hoàn toàn có căn cứ, với những con số thực tế chính là “điềm báo” không thể rõ ràng hơn.
Theo Tổ chức Nông - lương LHQ (FAO), hiện nay thế giới vẫn còn khoảng 1 tỷ người thường xuyên không đủ ăn. Trong đó nỗi đau lớn nhất là cứ mỗi năm lại có khoảng 6 triệu trẻ em chết vì đói, có nghĩa là cứ mỗi ngày lại có khoảng 17.000 trẻ em phải chịu chết trong cơn đói.
Tổng Giám đốc FAO đã khẳng định rằng, việc cứ mỗi 6 giây lại có 1 trẻ em tử vong do các vấn đề lien quan đến thiếu ăn hay nạn đói là một bi kịch và là bê bối lớn nhất của thế giới.
Có thể thấy rằng, vấn đề đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm đang trở nên vô cùng cấp bách trong những năm trở lại đây. Trong đó, nguyên nhân gây nên tình trạng này là vấn đề khai thác quá mức, sử dụng lãng phí các nguồn tài nguyên thiên nhiên như đất, nước, rừng…
Một nguyên nhân nữa là các hiện tượng thời tiết cực đoan, như hạn hán và lũ lụt ngày càng khắc nghiệt, bắt nguồn từ biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó là một nền nông nghiệp toàn cầu vốn đã bị “bỏ rơi”, không được đầu tư trong nhiều năm. Những vấn đề cấp bách này tạo tiền đề cho sự ra đời Hội nghị toàn cầu về Nông nghiệp, An ninh lương thực và Biến đổi khí hậu mà chúng ta đang bàn tới.
Điểm lại có thể thấy đã có rất nhiều hội nghị, hội thảo toàn cầu được tổ chức để bàn thảo những vấn đề này. Nhưng một hội nghị mà tất cả ngồi lại cân đong đo đếm cả ba vấn đề cùng một lúc thì có lẽ chỉ có ở hội nghị này. Tiếp nối lộ trình hành động của Hội nghị toàn cầu về Nông nghiệp, An ninh lương thực và Biến đổi khí hậu lần thứ nhất tổ chức tại Hà Lan năm 2010, Hội nghị lần thứ 2 tại Hà Nội đã thể hiện cái nhìn tổng quát và toàn diện của toàn cầu với ba bài toán của thế giới hiện nay. Rõ ràng, nông nghiệp - an ninh lương thực và biến đổi khí hậu là những vấn đề không thể tách rời, chúng tác động lẫn nhau và liên đới, ảnh hưởng trực tiếp đến nhau.
Có thể mô tả sơ bộ mối liên quan như thế này: Tình trạng biến đổi khí hậu trên toàn cầu với nước biển dâng, nhiệt độ tăng cao sẽ tác động xấu đến cây trồng, làm leo thang giá cả lương thực. Một khi giá cả leo thang, nguồn cung lương thực bấp bênh, người nghèo sẽ càng bị đói, điều này khiến an ninh lương thực không thể đảm bảo. Bởi an ninh lương thực chính là đảm bảo đủ lương thực cho xã hội để không một ai bị đói, người làm ra lương thực không bị nghèo đi so với mặt bằng chung của xã hội.
Biến đổi khí hậu cũng tác động xấu đến đất dự trữ nông nghiệp, vốn đã đang bị xói mòn, cạn kiệt trong nhiều năm qua. Giá cả lương thực leo thang, nhưng cán cân giàu nghèo giữa người sản xuất và người hưởng thụ không thể cân bằng, cũng sẽ tác động ngược trở lại đội ngũ sản xuất theo hướng tiêu cực. Như thế, vòng tròn khép kín này đang đòi hỏi một cái nhìn tổng quát, cũng chính là nhiệm vụ mà Hội nghị lần này đặt ra, nhằm kết nối giải pháp cho cả ba mắt xích quan trọng.
Vì vậy, để phát huy được thế mạnh của Hội nghị, các hoạt động ưu tiên được đặt ra rất cụ thể và xác đáng. Đó là xác định các nguồn tài chính mới, mở rộng nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, tăng cường đầu tư của khu vực tư nhân thông qua đối tác công tư - PPP, tăng cường quản lý rủi ro và đưa ra các giải pháp thích hợp… Qua đó sẽ phát triển một nền nông nghiệp thân thiện với môi trường, làm động lực cho tăng trưởng xanh trên toàn cầu.
Với những trọng tâm bàn thảo đưa ra như vậy, cùng rất nhiều Hội nghị quan trọng của toàn cầu đã từng đăng cai, chủ nhà Việt Nam tại Hội nghị lần này một lần nữa khẳng định quyết tâm và vai trò của mình trong việc giải quyết các vấn đề chung của thế giới./.