Thái Nguyên: Đầu tư cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số
VOV.VN - Xóm Lân Đăm, xã Quang Sơn, ở huyện Đồng Hỷ có trên 100 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Cùng với việc đầu tư về điện, đường, trường, trạm thì công trình cấp nước sinh hoạt tập trung đã giúp người dân nơi đây bớt đi cái khổ vì thiếu nước
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 nhằm phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị (Dự án 3) đang mang lại hiệu quả rõ rệt.
Là một trong những địa phương ở tỉnh Thái Nguyên có trên 50% đông đồng bào dân tộc thiểu số gồm đồng bào Mông, Dao, Tày, Nùng, Sán Chay, Sán Dìu.. huyện Đồng Hỷ tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng qua đó góp phần nâng cao đời sống cho người dân nơi đây.
Xóm Lân Đăm, xã Quang Sơn, ở huyện Đồng Hỷ có trên 100 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Cùng với việc đầu tư về điện, đường, trường, trạm thì công trình cấp nước sinh hoạt tập trung đã giúp người dân nơi đây bớt đi cái khổ vì thiếu nước. Ông Dương Văn Vạn, Trưởng xóm Lân Đăm, xã Quang Sơn, cho hay: Công trình công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được đầu tư xây dựng với kinh phí trên 200 triệu đồng, cấp nước cho hơn 20 hộ dân.
Về đích chương trình xây dựng nông thôn mới từ năm 2017, đến nay xã Khe Mo, huyện Đồng Hỷ đang tiếp tục thi đua xây dựng nông thôn mới nâng cao. Theo đó, người dân xóm La Nưa, xã Khe Mo đã triển khai xây mới nhà văn hóa theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, với trị giá trên 600 triệu đồng.
Ông Tạ Văn Bùi, Trưởng Xóm La Nưa, Xã Khe Mo, huyện Đồng Hỷ nói: "Xóm có 40 hộ, 200 dân nhà văn hóa có 40 chỗ ngồi hơi bí. Cuối năm 2022, được Nhà nước quan tâm xây dựng nhà văn hóa mới giúp bà con sinh hoạt ổn định".
Văn Lăng là xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, đặc biệt là xóm Khe Hai và xóm Văn Khánh. Mới đây, được sự quan tâm hỗ trợ từ chương trình mục tiêu quốc gia, xã Văn Lăng đã đầu tư tuyến đường giao thông dài trên 6km, với tổng mức đầu tư trên 14 tỷ đồng. Tuyến đường hoàn thành đã thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống của người dân nơi đây.
Ông Trương Công Hiền, Chủ tịch UBND xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, cho biết: "Được sự quan tâm xã Văn Lăng đã đầu tư nhiều cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông. Khi có đường sẽ tạo điều kiện cho địa phương và người dân trong bản rất nhiều".
Những năm qua, huyện Đồng Hỷ luôn coi nhiệm vụ phát triển nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số có tầm quan trọng đặc biệt. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Đồng Hỷ đang triển khai 10 dự án, với 11 tiểu dự án, trong đó tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trên 35 tỷ đồng.
Để nâng cao hiệu quả chương trình, theo ông Vũ Xuân Thái, Trưởng phòng Dân tộc huyện Đồng Hỷ: "Trong thời gian tới để tiếp tục đẩy mạnh các dự án của chương trình mục tiêu quốc gia, theo tôi cần nghiên cứu kỹ các văn bản của trung ương, bộ ban ngành, để hướng dẫn địa phương thực hiện dự án theo đúng quy định pháp luật, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong các chủ dự án, tiểu dự án".
Những năm qua, nhờ vào những chính sách của Đảng và Nhà nước, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc ở tỉnh Thái Nguyên ngày được nâng cao, bộ mặt nông thôn nhiều khởi sắc. Người dân được hưởng lợi từ chính sách vì thế cũng phấn khởi, có thêm cơ hội mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo, góp sức xây dựng nông thôn mới tại địa phương.