Thanh Hóa bổ sung 1.681 chỉ tiêu biên chế giáo viên
VOV.VN - Năm học 2022 - 2023, tỉnh Thanh Hóa được giao bổ sung 1.681 biên chế giáo viên. Trong đó, cấp mầm non là 818 biên chế, tiểu học 695 biên chế, trung học cơ sở 137 biên chế và trung học phổ thông là 31 biên chế.
Số giáo viên được giao bổ sung sẽ được phân bổ cho các địa phương kịp phục vụ năm học mới 2022 - 2023. Theo đó, việc phân bổ sẽ được thực hiện theo hướng. Đối với mầm non, ưu tiên phân bổ cho các huyện, thị xã, thành phố đang còn giáo viên mầm non đã hợp đồng lao động theo Nghị định 06/2018 của Chính phủ, hiện nay đang tạm thời hợp đồng lao động hoặc hợp đồng lao động theo Nghị quyết 102 của Chính phủ. Đối với khối phổ thông, ưu tiên cho các đơn vị khó khăn, thiếu nhiều giáo viên. Nếu còn chỉ tiêu, thực hiện việc phân bổ theo tỷ lệ chung, bảo đảm công bằng, khách quan.
Trước đó, lãnh đạo Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Thanh Hóa cho biết, tình trạng thiếu giáo viên ở tỉnh này là nghiêm trọng nhất cả nước khi toàn ngành thiếu khoảng 8.968 giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý so với quy định của trung ương
Trả lời PV VOV, ông Tạ Hồng Lựu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hoá cho biết; Để giải bài toán thiếu giáo viên, tỉnh Thanh Hoá đã và đang đẩy nhanh việc xoá điểm trường lẻ, dồn học sinh về điểm chính và tăng ca, tăng tiết, điều động, sắp xếp, luân chuyển giữa các cấp học, bậc học, giữa các địa phương với nhau.
"Nếu khâu đào tạo mà cân đối giữa các vùng miền thì nó sẽ giải quyết căn cơ vấn đề này. Còn trước mắt thì vẫn phải thực hiện nghĩa vụ điều động, khi tuyển dụng lên miền núi thì phải công tác và thời gian nhất định nào đó. Và hiện nay vẫn còn theo phương án điều động đi vụ, tức là giáo viên miền xuôi, nhưng nếu mà dôi dư giáo viên thì phải đi nghĩa vụ 2 năm 3 năm thì sẽ được quay về, hiện nay vẫn là áp dụng mô hình này. Nhưng tôi cho rằng, bài toán đó để giải quyết tính tạm thời, còn về lâu dài chúng tôi vẫn muốn xử lý bài toán cân đối về đào tạo", ông Tạ Hồng Lựu cho biết./.