Thủ tục hành chính vẫn là rào cản người dân, doanh nghiệp

Thống kê chưa chính thức, chỉ có 10-15% người dân hài lòng về thủ thục hành chính hiện tại.

Cải cách thủ tục hành chính được coi là một trong những mục tiêu quan trọng của Chính phủ trong 10 năm tới. Định lượng cho mục tiêu này sẽ có 80% người dân hài lòng với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước.

Hành chính theo kiểu “truyền miệng”

Vụ trưởng Vụ cải cách hành chính, Bộ Nội Vụ ông Đinh Duy Hoà thừa nhận, hiện chất lượng dịch vụ hành chính công còn rất thấp. Nhưng, thấp như thế nào và thấp đến đâu? Đây là một câu hỏi cho đến nay vẫn chưa được xác định chính xác bằng văn bản. Dựa trên mục tiêu tổng thể của Nghị quyết 30C về chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, đến năm 2015 sẽ có 60% người dân hài lòng về sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước.

Cá nhân ông Đinh Duy Hoà cho rằng, chỉ số gốc hiện tại dao động ở mức 15-20%. Nhưng, đó vẫn chưa phải là con số chính xác để đo về chỉ số hài lòng của người dân. Khi bộ chỉ số đánh giá về chất lượng cải cách hành chính chưa được áp dụng trong thực tế.  

10 năm trước đây, chương trình cải cách hành chính nói chung có rất nhiều mục tiêu đề ra, mang tính nhân bản và chứa đựng nhiều kì vọng. Nhưng cũng chính vì sự hoàn thiện, hoàn mĩ đó mà một thập kỉ qua, khi nhìn nhận lại, tham vọng vẫn chỉ là tham vọng, nhiều nhiệm vụ chưa được thực hiện trọn vẹn.

PGS. TS Nguyễn Thu Linh, Phó Viện trưởng Viện Những vấn đề phát triển, người có nhiều tâm huyết và ý kiến đóng góp trong công cuộc cải cách hành chính băn khoăn về con số 80% người dân hài lòng khi đến các cơ quan công quyền. Bởi, theo bà Linh, hiện thủ tục hành chính vẫn là rào cản của người dân và doanh nghiệp.

Bà Linh đưa ra ví dụ về 4 mức thực thi các thủ tục hành chính, trong đó ở các nước tiên tiến chủ yếu giao dịch qua Internet. Và mức thấp nhất, người dân phải tìm kiếm công chức để hỏi, nếu không được chỉ dẫn hoặc chỉ dẫn không rõ thì quay về hỏi bạn bè, hàng xóm. “Đây là kiểu thông tin “truyền miệng” khiến dân mất thời gian, vất vả lo lắng vì thông tin không rõ ràng. Nước ta khá phổ biến là cách thức này”- bà Linh nói.

Theo bà Linh, ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, nơi mà trong một gia đình ít nhất có một người biết sử dụng máy tính thì có thể giải quyết các thủ tục hành chính qua mạng. Còn cách thức “truyền miệng” chỉ nên áp dụng cho vùng cao, vùng xa”.

Để đạt được mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 80% người dân hài lòng khi tiếp cận với các cơ quan hành chính nhà nước trở thành hiện thực, hàng năm cần tiến hành khảo sát về đánh giá của người dân và doanh nghiệp đối với kết quả của các cơ quan hành chính trong thực hiện TTHC cũng như cung cấp các dịch vụ công như giáo dục, y tế và công ích như điện, nước, giao thông, môi trường…

“Việc xếp hạng này sẽ góp phần giúp các cơ quan công quyền chuyển mình theo mong đợi của xã hội” - bà Linh nói.

Tuyển dụng chưa đúng người?

Để có một đội ngũ công chức thạo việc, tâm huyết và làm đúng trọng trách của mình, việc khen thưởng, đề bạt, trả lương theo kết quả được thực hiện thuộc loại việc trồng cây, tưới nước thì thanh tra, giám sát việc thực thi thủ tục hành chính là việc bắt sâu, nhổ cỏ.

Hiện, đang tồn tại một thực trạng, tại các cơ quan công quyền, thủ tục tiếp dân theo quy định, công chức phải đeo biển ghi rõ họ tên, chức danh và  phải có giấy biên nhận hồ sơ của dân, song công chức thường bỏ qua khâu này, nếu người dân có đòi hỏi họ cũng từ chối.

Tại sao có hiện tượng khá phổ biến này? Theo phân tích của PGS. TS Nguyễn Thu Linh, nguyên nhân trước hết, do một bộ phận công chức không biết mình phải làm gì, làm như thế nào. Có tình trạng này, bởi công tác tuyển dụng chưa đúng người. Giao việc còn chung chung, thiếu sự kèm nghề, dẫn dắt của công chức có kinh nghiệm. Và còn một nguyên nhân nữa là công chức chưa được học đúng cái họ cần cho công việc.

Trường hợp thứ hai là do dòng chảy công việc trong cơ quan, giữa các bộ phận với nhau bị ngưng trệ vì phân công không rõ ràng hoặc chồng chéo dẫn đến đùn đẩy, hoặc bỏ qua. Tình trạng này hay xảy ra trong quản lý đất đai, xây dựng.

Trường hợp thứ ba, có thể do công chức cố tình gây khó khăn để nhũng nhiễu.

Mới đây nhất, trong một cuộc kiểm tra về cải cách thủ tục hành chính tại Hà Nội, Cục kiểm soát thủ tục hành chính đã phát hiện nhiều cơ quan công quyền không có giấy hẹn trả kết quả thực hiện thủ tục hành chính cho nguời dân. Hoặc nếu có thời hạn trả kết quả các thủ tục hành chính vẫn chưa đúng với giấy hẹn mà không có lí do trả chậm trong sổ tiếp nhận trả kết quả.

Còn theo Tiến sĩ Hoàng Mai, Trưởng bộ môn hành chính, Học viện hành chính quốc gia, việc đánh giá công chức ở Việt Nam chưa được thực hiện một cách thực chất và khách quan, vẫn còn mang tính hình thức và cào bằng do chưa có hệ thống tiêu chí đánh giá rõ ràng. Hàng năm công chức thường được đánh giá hoàn thành tốt hoặc xuất sắc nhiệm vụ được giao, số lượng công chức được đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong các cơ quan hành chính nhà nước.

Đây cũng cũng chính là những hạn chế về đội ngũ cán bộ công chức hiện nay.

Nhìn kĩ, chương trình tổng thể cải cách thủ tục hành chính 10 năm qua và 10 năm tới luôn có tên gọi là Chương trình tổng thể. Phải tổng thể, vì muốn có kết quả trong nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính lại phụ thuộc nhiều vào việc thực hiện các nhiệm vụ khác như: cơ cấu lại bộ máy hành chính, rà soát lại chức năng nhiệm vụ để tránh trùng chéo hoặc bỏ sót việc.

Chính vì vậy, theo PGS. TS Nguyễn Thu Linh, để thực hiện mục tiêu cải cách thủ tục hành chính cần có sự thay đổi lớn trong bộ máy. Bởi, sẽ không thể có thủ tục hành chính tốt, công chức tốt trong một hệ thống hành chính xộc xệch. Bộ máy với sự phân chia thẩm quyền hợp lý mới có cơ sở xây dựng bản mô tả công việc cho các vị trí công chức. Đặc biệt là chế độ trách nhiệm của người đứng đầu. Những việc cần làm trong củng cố bộ máy, nhân sự sẽ giúp cho dòng chảy công việc không bị ách tắc hoặc sai lệch và cũng dễ phát hiện để khắc phục, khi trách nhiệm đã rõ ràng.

“Lâu nay, có thể nói, việc giám sát trong nhiều cơ quan hành chính bị xem nhẹ, nếu không nói là làm cho có vì. Tiếc rằng, do các nhiệm vụ của CCHC các năm qua chưa được như mong muốn” - bà Linh nói.

Cùng chung quan điểm ấy, Tiến sĩ Hoàng Mai, cho rằng, công chức cần nâng cao năng lực chuyên môn, hiểu rõ các thủ tục hành chính để có thể giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp một cách chính xác và hiệu quả nhất. Bên cạnh đó cần thay đổi thái độ phục vụ công dân, coi người dân như khách hàng của nhà nước.

PGS. TS Nguyễn Thu Linh đưa ra quan điểm: “Theo tôi, trong hoàn cảnh của Việt Nam, để công chức tôn trọng đạo đức nghề nghiệp, trước hết cấp trên phải gương mẫu. Bởi ảnh hưởng từ hành vi thực tế mạnh hơn lời nói, sách vở. Công chức cấp dưới thường nhìn lên cấp trên để noi theo. Đồng thời các quy định Quản lý công chức phải được thực thi đúng mới không biến các quy định thành khẩu hiệu”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên