Thừa Thiên Huế: Nâng cấp hạ tầng giao thông để tạo động lực phát triển
VOV.VN - Tỉnh Thừa Thiên Huế đang chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cấp hệ thống giao thông, tạo diện mạo mới đô thị, thu hút đầu tư và phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
Năm 2011 đến nay, từ nguồn vốn ngân sách và nguồn vốn xã hội hóa, tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai nhiều công trình, dự án, kế hoạch, quy hoạch, dần hoàn chỉnh hệ thống giao thông đối nội, giao thông đối ngoại, tạo sự kết nối liên hoàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, đáng chú ý như: Nhà ga T2 - Cảng hàng không quốc tế Phú Bài với công suất 5 triệu hành khách/năm, cảng nước sâu tự nhiên Chân Mây đã đưa vào sử dụng 3 bến với cỡ tàu hàng 50-70 ngàn tấn, tàu khách đến 3.500 khách đang mở ra cơ hội lớn cho phát triển ngành dịch vụ vận tải logistic, phục vụ vận chuyển hàng hóa và khách du lịch…
Bên cạnh đó, hệ thống đường giao thông ven đầm phá, ven biển cũng được đầu tư như: Quốc lộ 49B từ Mỹ Chánh - Quảng Trị đến Phú Lộc, các cầu Hòa Xuân, Tam Giang, Thuận An, Trường Hà, Tư Hiền… Các công trình giao thông này đang và sẽ góp phần tích cực vào phát triển kinh tế biển, du lịch nghỉ dưỡng, hình thành các đô thị ven biển như Điền Lộc, Thuận An, Vinh Thanh, Vinh Hiền, Cảnh Dương, Lăng Cô, phát triển lan tỏa, kết nối với các địa phương trong khu vực.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng: “Một số dự án, công trình đưa vào hoạt động và tạo sự kết nối lớn như Nhà ga T2, cảng Châ Mây, hệ thống đường giao thông ven biển phát triển và vừa qua có thêm cầu nối biển. Đây là những công trình góp phần tích cực phát triển kinh tế biển, du lịch nghỉ dường khu vực ven biển Thừa Thiên Huế”.
Đường ven biển và cầu vượt cửa biển Thuận An là dự án giao thông trọng điểm của ThừaThiên Huế đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Cầu vượt cửa biển Thuận An là cây cầu dài nhất miền Trung có tổng vốn đầu tư 2.400 tỉ đồng dự kiến sẽ hoàn thành đầu năm 2025. Đây là điểm nhấn của đô thị biển thành phố Huế trong tương lai.
Ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Trưởng Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Thời gian đến, chúng tôi tham vấn, tư vấn khẩn trương hoàn thành các dự án trọng điểm. Các dự án đầu tư trung hạn giai đoạn 2026-2030, chúng tôi phân ra, ưu tiên bố trí vốn. Chúng tôi cũng đã trình lãnh đạo các sở, ngành, lãnh đạo tỉnh. Hy vọng trong thời gian đến, mạng lưới giao thông của tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ được đầu tư mạnh hơn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và thu hút đầu tư”.
Từ nay đến đầu năm 2025, Thừa Thiên Huế tập trung đôn đốc các nhà thầu, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm: Dự án Đường Nguyễn Hoàng và cầu Vượt sông Hương, Tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An, Đê chắn sóng cảng Chân Mây - giai đoạn 2, Đường cứu hộ cứu nạn thị trấn Phong Điền - Điền Lộc, Tuyến đường kết nối từ khu B - An Vân Dương về trung tâm thị trấn Phú Đa, các dự án chỉnh trang đô thị, dự án đầu tư phát triển hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp....
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo các đơn vị, địa phương khẩn trương chuẩn bị đầu tư các dự án dự kiến khởi công mới cuối năm 2024 và đầu năm 2025 như: Quảng trường Văn hóa Thể thao tỉnh, Đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài, Đường Vành đai 3. Đồng thời, phối hợp Bộ Giao thông Vận tải hoàn thành hồ sơ thủ tục sớm khởi công Dự án đầu tư xây dựng mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cam Lộ - La Sơn. Các đơn vị, địa phương rà soát, tổng hợp nhu cầu vốn, lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030, trong đó, ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư công cho các dự án có tính kết nối, lan tỏa cao, tạo động lực tăng trưởng kinh tế, xã hội.
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thừa Thiên Huế nhìn nhận: “Các công trình giao thông quan trọng đang tiếp tục hình thành và hoàn thiện, tạo động lực quan trọng đi lại, giao thương hàng hóa, mở ra không gian phát triển mới, diện mạo mới đô thị. Đặc biệt, khai thác quỹ đất lớn, tiềm năng, tạo diện mạo mới, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Từ đó, góp phần tích cực trong tiến trình đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tiếp theo”.