Thương binh Tám Giữ: Tui cụt 2 chân, nhưng vẫn còn 2 tay để lao động
VOV.VN - Ông Tám Giữ tham gia bộ đội, đi chiến trường Campuchia rồi bị thương, cụt mất 2 chân. Dù là thương binh hạng 1/4 nhưng ông không ỉ lại mà luôn nhớ lời Bác Hồ: “Thương binh tàn nhưng không phế”, mất 2 chân nhưng vẫn còn 2 bàn tay và ông Tám Giữ vẫn hăng say lao động, góp phần phát triển kinh tế gia đình.
Chúng tôi ghé nhà ông Nguyễn Văn Giữ (thường gọi Tám Giữ) khi ông đang chia những cuộn dây nhựa lớn thành những bó nhỏ, kiếm thêm thu nhập. Tuy đi lại bằng đôi bàn tay nhưng khi thấy có khách, ông Tám nhanh chóng đi ra, đẩy cửa xếp qua bên để khách vào nhà.
Người hội viên Hội Cựu chiến binh Phường 5, TP.Cà Mau mở đầu câu chuyện trong quá khứ. Ông kể, năm 1983 khi vừa tròn 18 tuổi nhập ngũ Sư đoàn 330 (Quân khu 9) làm nhiệm vụ Quốc tế ở Campuchia. Đến năm 1985, trên cương vị Tiểu đội trưởng, ông đi đầu trong đội hình chiến đấu, không may vướng phải mìn do quân địch cài nhằm chặn đường tiến công. Ông Tám Giữ bị mất cả 2 chân và thật khó để người lính tuổi đôi mươi, chấp nhận được thực tế như vậy.
"Khi bị thương tôi thấy cuộc đời mình cũng như xong rồi, không muôn sống nữa. Bác sĩ, với các đồng đội động viên, giúp đỡ. Chứ lúc tôi tỉnh lại, tôi thấy hai cái chân không còn, lúc đó tôi không muốn sống nữa. Sau này về cuộc sống đời thường cũng rất khó khăn", ông Tám Giữ nhớ lại.
Ông Tám Giữ cho biết, thời gian dài sau đó, ông từng rất tủi thân vì tàn phế sẽ chẳng được ích gì mà sẽ trở thành ghánh nặng cho gia đình và xã hội. Thấu hiểu nỗi lòng của ông, đồng đội xung quanh dành tình cảm yêu thương, chia sẻ, trao cho ông thêm động lực, vượt lên nghịch cảnh.
Về với cuộc sống đời thường, người thương binh hạng 1/4 ở trại an dưỡng dành cho cựu chiến binh. Tại đây, ông quen một cô y sĩ sau này là vợ mình. Ban đầu, gia đình vợ không chịu gả, bởi lo con gái mình ở bên người tàn tật sẽ khổ. Giám đốc Trại an dưỡng khi đó đã phải 3 lần tìm tới nhà nói chuyện, ông Tám mới cưới được vợ.
Có vợ, ông ra ở riêng, nhà nước hỗ trợ đất và xây cất căn nhà ở phường 5 cho gia đình ông. Những năm sau đó, cuộc sống vẫn rất khó khăn. Vợ ông làm viên chức cùng với đồng lương thương binh khi đó không giúp đảm bảo cuộc sống gia đình.
Ngày ngày, ông Tám Giữ lăn xe khoảng khoảng 4km, từ nhà qua lại chợ phường 7, phường 8 lấy rau củ về bán. Trên đoạn đường đi còn phải qua những cây cầu lớn, những giọt mồ hôi chảy dài khi lăn xe lên dốc đầy nhọc nhằn nhưng người cựu chiến binh chưa bao giờ nghĩ đến từ bỏ.
“Con dốc lớn nhất cuộc đời” là mất đi 2 chân ông đã vượt qua thì dốc cầu không bao giờ làm khó được. Ông Tám Giữ còn luôn mang theo liều thuốc tinh thần rất mạnh, đó là lời Bác Hồ dạy để vượt qua mọi khó khăn.
"Mình sống cần tự tin vào bản thân. Muốn mình vươn lên thì phải quyết tâm, chứ đừng chán nản thì sẽ làm được. Chú bây giờ không cần làm cũng được nhưng mình còn làm được thì cứ làm. Bác Hồ đã nói rồi, thương binh có thể tàn nhưng không phế, mình còn làm được gì mình làm, còn giúp được thì giúp", ông Tám Giữ nói.
Nghỉ bán rau củ thì ông Tám lại đổi qua nhận việc quét keo cho nón lá, rồi ai thuê thêm gì ông nhận lấy về nhà làm. Đến nay, hai người con của ông Tám đã trưởng thành, đi làm; chế độ thương binh của ông cũng hơn 10 triệu đồng/tháng. Người cựu chiến binh không phải lo cuộc sống cơm áo gạo tiền nhưng ngày ngày ông vẫn hăng say với công việc chiết dây để kiếm thêm thu nhập.
Chia sẻ về chuyện ông Tám Giữ đầy nghị lực, vượt lên số phận, ông Nguyễn Xuân Bình, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh phường 5, TP.Cà Mau cho rằng, đây là tấm gương điển hình về "thương binh tàn nhưng không phế".
"Phải nói là anh Tầm là người thương binh thực hiện rất tốt lời bác Hồ dạy, đó là thương binh tàn nhưng không phế. Xuất cuộc đời tham gia cách mạng, tham gia chiến đấu rồi về với đời thường anh đã phấn đấu không ngừng nghỉ, vượt qua mọi khó khăn. Không phải gia đình khá giả, anh Tám đã luôn lao động, sản xuất cho đến ngày hôm nay. Có thể nói, anh Tám là 1 trong những địa chỉ đỏ để Hội Cựu Chiến binh xem đó là tấm gương để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ", ông Bình nói.
Ở tuổi 60, người cựu chiến binh Tám Giữ đến nay đã có 1 người cháu ngoại. Ngày ngày ông sum vầy bên con cháu, mọi người nhìn vào dễ thấy đó là 1 gia đình hạnh phúc bình thường như bao người. Nhưng để có cuộc sống như hiện nay, người đàn ông “mất đôi chân ở chiến trường” đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn. Ông thật sự là tấm gương của người thương binh tàn nhưng không phế.