Thượng tá Lê Đức Đoàn hiến kế giảm tai nạn kiểu “hầm Kim Liên”
VOV.VN -Thượng tá Lê Đức Đoàn: Ngoài tăng chế tài phạt nặng, CSGT Hà Nội nên có đợt chuyên đề về kiểm soát tài xế sử dụng rượu bia trên địa bàn thành phố
Thượng tá Lê Đức Đoàn- "Công dân Thủ đô ưu tú", người CSGT đã từng có 40 năm làm nhiệm vụ giữ gìn an toàn trật tự giao thông mà khi ông về hưu đã để lại nhiều sự tiếc nuối trong lòng người dân Thủ đô. Tuy nghỉ hưu đã nhiều năm nhưng ông vẫn luôn theo dõi thông tin về tình hình an toàn giao thông, đặc biệt là trên địa bàn TP Hà Nội.
Thượng tá Lê Đức Đoàn cho biết, với kinh nghiệm nghề nghiệp mấy chục năm làm CSGT nhưng chưa bao giờ ông thấy xảy ra nhiều vụ tai nạn đau lòng như thời gian vừa qua trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đặc biệt là gần đây liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn rúng động, gây bức xúc trong xã hội như vụ tông chết nữ công nhân môi trường ở đường Láng, mới đây nhất là vụ tông chết 2 phụ nữ ở đường hầm Kim Liên.
Thượng tá Lê Đức Đoàn |
“Đây là tổn thất đối với xã hội, với gia đình các nạn nhân. Sau tai nạn, nỗi đau còn rất lớn. Nhiều gia đình không biết xoay sở thế nào khi mất đi trụ cột kinh tế như gia đình như nữ phục trang ở Nhà hát Kịch vừa bị tử vong trong hầm Kim Liên. Cô ấy mất rồi, thì người chồng bệnh tật, đứa con bị bệnh tự kỷ của cô sẽ sống tiếp như thế nào? Rồi cả những đứa con của nữ công nhân môi trường, của cô giáo ở trường Thái Thịnh… ngoài nỗi đau mất mẹ, mất đi người chăm lo trong cuộc sống, các cháu sẽ còn phải gánh chịu nỗi đau rất lớn về tinh thần, ám ảnh nặng nề về cái chết của người thân”- Thượng tá Lê Đức Đoàn chia sẻ.
Thượng tá Lê Đức Đoàn cho rằng, nguyên nhân chính trong các vụ tai nạn giao thông vẫn là ý thức tham gia giao thông, ý thức chấp hành luật lệ giao thông của những người làm chủ phương tiện. Trước hết là kỹ năng lái xe của nhiều người cũng còn vấn đề cần bàn khi mà hiện nay, để có một cái bằng lái xe không khó. Nhiều chỗ, nhiều nơi đào tạo còn theo kiểu ăn xổi, thời vụ chứ không mang tính chất lâu dài.
“Thời chúng tôi ngày trước, để đào tạo được một tài xế rất kỳ công, họ phải học rất kỹ trong một thời gian dài mới được cầm vô lăng. Bây giờ nhiều người học qua loa, cốt chỉ lấy tấm bằng chứ không nghĩ đến việc mình tham gia giao thông sẽ ảnh hưởng, thậm chí nguy hại đến tính mạng của nhiều người đi đường. Đường sá bây giờ được cải tạo, mở rộng hơn trước rất nhiều, phương tiện cũng tốt hơn nhiều, kỹ thuật an toàn cho xe khá cao nhưng tại sao tai nạn lại nhiều đến như vậy?”- Thượng tá Lê Đức Đoàn trăn trở.
Thứ hai là ý thức tham gia giao thông của chủ phương tiện quá kém. Luật đã có, chế tài xử phạt cũng đã có nhưng nhiều người không tuân thủ. Ra đường thì mạnh ai người đấy đi. “Tôi cho rằng nguyên nhân chính vẫn là ý thức của người tham gia giao thông. Vẫn biết ra đường thì vẫn có độ rủi ro, nhưng mấy chục năm làm CSGT, tôi thấy ý thức tham gia giao thông của nhiều người quá kém. Thậm chí có những người coi thường luật pháp, ngang nhiên vi phạm giao thông”.
Theo Thượng tá Lê Đức Đoàn, công tác tuyên truyền trong thời gian qua khá tốt. Lực lượng cảnh sát giao thông cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc giữ gìn trật tự an toàn giao thông. Nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, công tác xử lý, phòng ngừa đôi khi chưa triệt để.
“Nhiều nước người ta cũng ùn tắc, nhưng tại sao họ lại giải quyết được vấn đề này? Vì luật của họ rất nghiêm. Luật mình cũng đã có rất nhiều, vì sao vẫn còn tình trạng vi phạm, tai nạn nhiều như vậy. Theo tôi là do xử lý chưa nghiêm, chưa triệt để”- Thượng tá Lê Đức Đoàn nói.
Trong thời điểm đang “nóng” các vụ tai nạn giao thông do tài xế uống rượu bia gây ra, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống. “Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, phải làm mạnh như đợt vào cuộc về đội mũ bảo hiểm. Bản thân cá nhân, cơ quan, các cấp chính quyền phải cùng vào cuộc. Cùng với đó, phải có chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe và làm thường xuyên để việc không uống rượu bia khi điều khiển phương tiện thành thói quen, thành nếp trong người dân”.
Thượng tá Lê Đức Đoàn cũng cho rằng, CSGT Hà Nội cần mở đợt chuyên đề về kiểm soát người lái xe sử dụng rượu bia trên địa bàn thành phố. Làm mạnh để người tham gia giao thông có ý thức khi đã uống rượu thì không lái xe, họ có thể đi các phương tiện công cộng hoặc đi taxi, xe ôm.
Cùng với đó, phải có các biện pháp tuyên truyền để chủ các cửa hàng ăn uống có ý thức đối với thực khách của mình. Họ phải thấy đây là việc cần thiết, là trách nhiệm thì mới mong hạn chế được những vị khách say xỉn rồi lái xe gây tai nạn. “Họ có thể có những cảnh báo, nhắc nhở thực khách. Hoặc khi khách đã uống thì khuyến cáo họ không lái xe hoặc nhà hàng có đội ngũ nhân viên có thể lái hộ xe về nhà giúp khách như một số nước vẫn làm”.
Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực từ 1/8/2016 quy định các mức phạt liên quan đến hành vi điều khiển xe khi lái xe đã uống rượu, bia thì người có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép thì bị phạt vài triệu đồng đến dưới 20 triệu đối với người lái xe máy, ô tô và tước giấy phép lái xe tối đa 6 tháng.
Điều 260 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Theo đó, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
Còn trường hợp phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: Không có giấy phép lái xe theo quy định; Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác; Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông; Làm chết 2 người.
Thượng tá Lê Đức Đoàn cho rằng, cùng với các giải pháp trên, phải nghiên cứu để có chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe mỗi người khi cầm vô lăng phải có ý thức. “Hiện nay theo luật, tông chết 1-2 người mới bị phạt đến 5-10 năm tù là còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Phải có chế tài mạnh, chẳng hạn chỉ cần có nồng độ rượu bia quá mức quy định là có thể bị tước bằng lái. Khi tôi học ở Nga, chỉ cần uống rượu bia khi tham gia giao thông là có thể bị tước bằng lái 2-3 năm, vì thế rất ít người vi phạm. Cần thiết phải có chế tài mạnh, gây tai nạn có thể bị tước bằng lái vĩnh viễn, nặng hơn có thể bị xử lý hình sự thì mới hạn chế được vi phạm giao thông và các vụ tai nạn nghiêm trọng, đau lòng như tai nạn trong hầm Kim Liên hay vụ nữ lao công bị xe tông”./.
Từ vụ container tông hàng loạt xe máy: Làm sao hạn chế được cái chết oan ức?