Thuỷ lợi Krông Pách Thượng: Đắp đập trên mây vì sao nên nỗi?
VOV.VN -Tại dự án lớn này có những vướng mắc cần tháo gỡ, nhiều vấn đề khuất tất phải làm sáng tỏ.
Thuỷ lợi Krông Pách Thượng được xây dựng ở vùng giáp ranh 3 huyện phía đông của tỉnh Đăk Lăk. Là công trình nhóm A, do Bộ NN-PTNT làm chủ đầu tư. Khởi công vào tháng 6 năm 2010, dự kiến sau 5 năm xây dựng công trình sẽ hoàn thành, phục vụ nước tưới cho gần 15.000 ha cây trồng, cấp nước sinh hoạt cho trên 70.000 người trong khu vực. Thế nhưng đã 8 năm trôi qua, công trình vẫn dở dang đình trệ, và chưa lấy gì đảm bảo cho việc tiếp tục thi công.
Nơi địa chính xã lập vườn giả nhận tiền thật.
Tại dự án lớn này có những vướng mắc cần tháo gỡ, nhiều vấn đề khuất tất phải làm sáng tỏ. Đến đầu thôn 15 (xã Cư Yang, huyện Ea Kar, Đắk Lăk) nơi đang thi công vai và thân đập số 1 của công trình thuỷ lợi Krông Pách Thượng, ai cũng nhận thấy sự hụt hẫng. Công trường im lìm, nham nhở đất đá. Đứng ở đây nhìn xuống thung lũng: lác đác những ngôi nhà mái tôn, mái ngói xen giữa vườn cây. Lẽ ra những ngôi nhà, vườn cây kia đã chìm dưới lòng hồ mênh mang nước. Tại đây, các loại máy móc cơ giới nằm im, có thiết bị đã hoen rỉ.
Ông Mai Quang Vượng, Giám đốc Ban Quản lý ĐT-XD Thuỷ lợi 8, Bộ NN-PTNT cho biết: Hơn một năm nay, các nhà thầu phải khóc đứng khóc ngồi. Họ đã tập kết máy móc, thiết bị hạng nặng đến công trường. Nhưng mới thực hiện đôi ba phần việc, đành phải dừng lại vì mặt bằng chưa được bàn giao. Chừng nào 64 hộ thôn 15 xã Cư Yang chưa được di dời thì máy móc vẫn phải tiếp tục đắp chiếu. Ông Vượng khẳng định: Ban 8 không thiếu vốn, các nhà thầu đủ năng lực để thi công. Tắc trách là do UBND huyện Ea Kar, không thực hiện đúng cam kết về ban giao mặt bằng. “ Hiện nay đập số 1, tràn số 1 đang dở giang. Đập số 2 chưa mọc móng được, mà mới chỉ làm một số công việc phụ trợ. Đến nay, mặt bằng hết nên công trình tạm dừng thi công”.
Trở lại thời điểm tháng 5 năm 2009, khi Bộ NN-PTNT phê duyệt dự án: Hồ chứa nước Krông Pách Thượng Đắk Lắk, đã lộ ra một lỗ hổng lớn. Nhưng lại được lờ đi với lý do: cứ khởi công rồi sẽ điều chỉnh. Lỗ hổng đó là: dự án có tổng đầu tư là 2.993 tỷ đồng, nhưng chỉ có 180 tỷ đồng, dành cho công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư. Số tiền 180 tỷ đồng là quá nhỏ so với thực tế phải chi ra cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư. UBND tỉnh Đắk Lắk được Bộ NN-PTNT giao thực hiện hợp phần giải phóng mặt bằng, đền bù, di dân tái định cư, và xây dựng các tuyến kênh nội đồng có năng lực tưới dưới 150 ha. Tổng số tiền cho toàn bộ các hạng mục này là 511 tỷ đồng.
Ngày 22/12/2011, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Lữ Ngọc Cư ký quyết định phê duyệt “Hợp phần Bồi thường giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư thuộc dự án: Hồ chứa Krông Pách Thượng”, giao cho UBND huyện Ea Kar làm chủ đầu tư. Tại thời điểm này, số tiền cần cho việc giải phóng mặt bằng, di dân lòng hồ đã dự toán lên đến trên 940 tỷ đồng, gấp 5 lần so với con số 180 tỷ đồng mà Bộ NN-PTNT phê duyệt. Điều lạ là nguồn vốn điều chỉnh riêng cho việc tái định cư đã đội lên gấp 5 lần và chưa được Chính phủ phê duyệt, nhưng các hạng mục vẫn rầm rập thi công. Tiếp đến, ngày 17/12/2012, UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt dự án tái định cư số 1, ở thôn 1, xã Cư Elang. “Mục đích là xây dựng cơ sở hạ tầng để tiếp nhận, bố trí tái định cư cho 511 hộ bị ảnh hưởng do giải phóng mặt bằng thi công công trình hồ chứa nước Krông Pách Thượng. Dự án nhóm B, thời gian thực hiện 5 năm”.
Ông Phạm Quang Tâm, giám đốc Chi nhánh Trung tâm Phát triển Quỹ đất Ea Kar, đơn vị trực tiếp thực hiện dự án “Hợp phần Bồi thường giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư thuộc dự án Hồ chứa Krông Pách Thượng” cho biết: Đến cuối năm 2017, đơn vị đã cơ bản hoàn thành xây dựng khu tái định cư số 1 tại thôn 1, xã Cư Elang. Tổng số tiền đã chi cho dự án này là 507 tỷ đồng. Tuy nhiên, khu tái định cư này không thể tiếp nhận 511 hộ như kế hoạch, mà chỉ có khả năng đáp ứng cho 300 hộ đến sinh sống. Lấy đâu ra nguồn vốn 507 tỷ đồng để thực hiện dự án này?
Ông Tâm lý giải: “Trong quyết định có 2 phần, 1 phần giao cho tỉnh thực hiện, 1 phần Bộ NN-PTNT triển khai thực hiện. Phần Bộ giao cho tỉnh thực hiện 511 tỷ, trong đó có 180 tỷ cho việc bồi thường giải phóng mặt bằng xây dựng vùng tái định cư. Còn lại 231 tỷ là xây dựng kênh mương nội đồng. Nhưng kênh mương nội đồng chưa thực hiện vì đập chính chưa làm, mới xin chuyển tiền sang làm bồi thường trước.”
Nhiều năm nay, người dân thôn 11 xã Cư San thấp thỏm.
|
Việc thi công các hạng mục của “Hợp phần Bồi thường giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư thuộc dự án hồ chứa Krông Pách Thượng” đã bộc lộ nhiều hạn chế, sai sót. Vùng đất khai hoang dự kiến cấp cho dân tái định cư làm đất sản xuất quá bạc màu, không thể trồng được loại cây gì. Nếu dân di chuyển đến đây, họ sinh sống bằng cách nào? Mặt khác dự án đảm bảo cho 511 hộ đến định cư, nhưng thực tế chỉ đáp ứng 300 hộ, mà vẫn được xem là hoàn thành là điều khó hiểu.
Việc ghép nguồn vốn 180 tỷ đồng (bồi thường GPMB, xây dựng vùng TĐC) với 231 tỷ đồng (xây dựng kênh mương có sức tưới dưới 150 ha) vào hạng mục xây dựng khu tái định cư số 1, thôn 1 xã Cư Elang có đúng không?
Điều gây bức xúc đối với nhiều người dân trong vùng là việc thu hồi đất để triển khai dự án TĐC này đã bị một số người lợi dụng chính sách câu kết trục lợi. Chúng tôi đơn cử hai trường hợp sau: Ngày 22 /12/ 2016, gia đình ông Y Thiên Ktla, ở buôn Vân Kiều, xã Cư Elang được nhận 1,1589tỷ đền bù GPMB 20.290 mét vuông đất trồng cây lâu năm. Thực tế, ông Y Thiên Ktla không hề có đất nằm trong khu vực được đền bù. Ông Y Thiên Ktla khẳng định là ông Lê Thành Nguyên, cán bộ địa chính xã Cư Elang đã nhờ mình đứng tên là chủ khu đất hơn 2 ha này.
Ông Y Thiên Ktla nói: "Đầu tiên, ông Nguyên tới nhà tôi nhờ đứng tên trong dự án đất đằng sau buôn. Rồi ông tự làm hồ sơ, giấy tờ đưa cho mình ký giúp ông để lấy tiền. Khi cả vợ chồng mình đi ký, nhận tiền hơn 1 tỷ đồng. Có xin xỏ mãi ông Nguyên mới cho vợ chồng được 36 triệu."
Cũng tương tự, ông Y Thoai Byă, ở buôn Ea Rớt, xã Cư Elang đã nhận 1, 180 tỷ đồng tiền đền bù 2,25 ha đất nông nghiệp trồng cây lâu năm. Trên thực tế ông Y Thoai Byă không hề có đất vườn ở vùng đền bù. Việc đứng tên là chủ vườn cây, ký hồ sơ rồi nhận tiền của ông Y Thoai Byă đều do ông Hoàng Trọng Nghĩa, cán bộ địa chính xã Cư Elang “đạo diễn”.
Ông Y Thoai Byă nói: "Tôi đứng tên cho anh Nghĩa. Nghĩa đang làm địa chính xã Cư Elang. Đứng tên diện tích là hơn 2 ha, nhận được hơn 1 tỷ mấy trăm triệu đồng, anh Nghĩa có chia lại cho vợ chồng tôi 300 triệu đồng. Còn diện tích đất nhà mình ở ngoài khu dự án, không được đền bù."
Liên quan đến những khuất tất trong công tác đền bù khi xây dựng khu TĐC hồ Thủy lợi Krông Pắk Thượng, mới đây UBND huyện Ea Kar đã thành lập đoàn kiểm tra để thực hiện thanh tra toàn diện.
Kết quả không chỉ trường hợp của ông Y Thoai Byă và Y Thiên Ktla, việc đền bù tại xã Cư Elang còn có nhiều hộ khác cũng phát sinh sai phạm.
Ngày 15/5/2018, trả lời đơn tố giác của 11 hộ ở xã Cư Elang, huyện Ea kar, đại tá Nguyễn Trọng Hà, Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk khẳng định: Cơ quan này đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ” đối với ban đền bù dự án tái định canh, tái định cư tại xã Cư Elang, huyện Ea Kar. Hiện vụ án đang được điều tra làm rõ.
Một điều hết sức chú ý nữa đó là số tiền mà Bộ NN- PTNT giao cho UBND tỉnh Đắk Lắk thực hiện tại công trình thuỷ lợi Krông Pách Thượng là 511 tỷ đồng. Trong đó, di dân TĐC vùng lòng hồ là 180 tỷ đồng, xây dựng các hạng mục kênh mương dẫn nước (có sức tưới dưới 150 ha) là 231 tỷ đồng… Tất cả đều được UBND tỉnh Đắk Lắk giao cho Chi nhánh Trung tâm Phát triển Quỹ đất Ea Kar thực hiện việc xây dựng khu tái định cư số 1 ở Cư Elang. Số tiền đã chi cho các hạng mục ở khu TĐC này lên đến 507 tỷ đồng. Trớ trêu là đến nay, trên 670 hộ thuộc diện phải di dời vùng lòng hồ ở các xã Cư Yang (huyện Ea Kar) và xã Cư San (huyện M’Drắk) chưa một hộ di dời đến nơi tái định cư. Họ cũng chưa nhận một đồng tiền đền bù nào, dẫu bao năm ròng chờ đợi trong thấp thỏm lo âu./.
Khu tái định cư thủy lợi dùng vốn vay Nhật Bản bỏ hoang, vì sao?