Tiếng Đài sống trong ngục tù Côn Đảo
VOV.VN - Với trí thông minh, tinh thần quả cảm, người tử tù Côn Đảo đã đưa được tin tức trên đài đến với từng đồng đội bị giam cầm.
Trong lòng địch, nghe đài đã khó, việc nghe đài và chép lại thông tin trong cảnh tù đày càng khó hơn gấp bội. Nhưng với trí thông minh, tinh thần quả cảm, người tử tù Côn Đảo đã đưa được tin tức trên đài đến với từng đồng đội bị giam cầm. Ông chính là cựu tù chính trị Côn Đảo, tiến sĩ sử học, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới - Bùi Văn Toản.
Gian nan tìm chỗ giấu
Chúng tôi trò chuyện với tiến sĩ sử học, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Bùi Văn Toản vào những ngày ông đang phải chống chọi với bệnh tật. Gạt nỗi đau, ông kể về ký ức một thời gian khổ và những kỷ niệm gắn bó với Đài TNVN.
Sang phòng 2, ông được tổ chức giao nhiệm vụ rất quan trọng. Đó là tìm chỗ cất giấu chiếc radio và hằng ngày phải nghe và ghi lại tin tức. “Trong tù, tin tức thời sự vô cùng quý giá. Vài dòng tin nếu kẻ địch phát hiện, chắc chắn máu sẽ đổ và sau đó là xà lim, chuồng cọp. Đằng này, cả một chiếc radio lớn bằng một tập sách quy chuẩn 2.000 trang. Chỉ một chút sơ suất, để địch phát hiện, không những sẽ phải trả giá bằng mạng sống bản thân mà còn liên lụy đến mạng sống của nhiều người khác”, ông nhớ lại.
Sau khi tìm hiểu kỹ địa thế ở phòng giam, ông đã quyết định khoét tường ngay chỗ nằm để làm hầm bí mật. Tuy nhiên, dụng cụ để đào hầm lại không có. Đào bới bên ngoài phòng giam, ông tìm được một đoạn sắt dài khoảng 2 tấc. Mất vài hôm mài, cuối cùng đã có được chiếc đục sắt. Búa thì sử dụng đá xanh trong sân. Tìm được chỗ giấu nhưng phải có nắp hầm để ngụy trang.
Vài ngày sau ông mới tìm đủ vật liệu để làm nắp hầm. Liên tục mấy ngày, ông và đồng đội thay nhau khoét tường. Cuối cùng công việc cũng hoàn tất. Ông ngụy trang bằng những “phẩm vật” tự chế gồm nước cháo hòa vôi, thuốc tím pha thuốc đỏ và một chiếc tăm quấn sẵn bông gòn để thay dấu vết giết rệp. Chiếc cửa hầm được lắp vào, trét vữa và ngụy trang ngay. Chỗ cất giấu được đặt gần cửa sổ, cách mặt sàn nhà khoảng 2 tấc, nơi đây địch ít để ý, lại bị che khuất tầm nhìn, ban ngày để thùng carton đựng quần áo, đồ đạc che khuất cửa hầm.
Ngụy trang nơi cất giữ radio là một chuyện, ông còn phải ngụy trang cho chính mình để có thể nghe đài mà không bị phát hiện. Để làm được điều đó, ông phải tập ngủ trong màn tự tạo bằng những chiếc khăn rằn trong điều kiện phòng chật, người đông và thời tiết nóng bức.
Ký ức về đêm đầu tiên được giao radio vẫn còn hiện rõ trong ông: “Loay hoay dò đài trong bóng tối. Một cảm giác khó tả. Tim đập thình thịch. Rồi lặng người khi nghe tiếng phát thanh viên: “Đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”… Cảm giác nôn nao khó tả khi nghe: “Đây là đài phát thanh Giải phóng, tiếng nói của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam”.
Hết đài này đến đài khác, tôi cứ mò mẫm dò tìm. 2 giờ sáng lúc nào không hay. Tôi tắt máy, bọc gói cẩn thận rồi cất vào hầm và cố dỗ giấc ngủ. Quyển tập để ngay đầu, nếu có động tĩnh sẽ hủy ngay. Vậy mà trắng đêm tôi không sao ngủ được. Chập chờn, trong tai văng vẳng tiếng phát thanh viên”, ông nhớ lại.
Đường đi của chiếc radio
Sáng hôm sau, tập trung trí nhớ đối chiếu với những ghi chép trong đêm nhưng chữ mình mà không đọc được. Vỏn vẹn chưa đầy nửa trang giấy tập học sinh. Vậy là đêm đầu ông đã thất bại. Tự rút kinh nghiệm thấy mình “tham” quá. Những đêm về sau, ông tự nhủ phải bỏ tính tham. Cố ghi nhớ tần số và giờ giấc chương trình thời sự của từng đài và theo kế hoạch đó thực hiện. Khối lượng thông tin nâng dần lên. 3, 4 rồi 7, 8 trang viết được ghi lại trong mỗi đêm.
Cứ vậy, hằng đêm, các bài xã luận, những thông tin bên ngoài được ông ghi chép cẩn thận, độ chính xác cao được truyền nhanh đến các anh em tù. Những thông tin đó trở thành những tài liệu quan trọng để lãnh đạo Trại đề ra chủ trương đúng và động viên kịp thời để giữ vững khí tiết người cộng sản trước đòn tra tấn của kẻ thù. Từ radio, các tài liệu mới nhất như Hiệp định Paris được chép lại, phổ biến. Cả trại tù phấn khởi. Nhưng nguồn tin từ đâu ra vẫn là điều bí mật. Có thể nói, radio là bộ não của vùng lõm 6B, cái trại chống đối khét tiếng một thời ở Côn Đảo mà địch phải gờm.
Năm 1974, địch cho trật tự tăng cường lục soát, nơi nào cũng gõ, cũng mò, nơi cất giấu radio có nguy cơ bị bại lộ. Địch tìm được vài viên pin và tin có radio. Chúng khám xét, bắt bớ, tra tấn nhưng các chiến sĩ cách mạng vẫn không khai nhận. Chiếc radio được mang ra chôn dưới gốc dương. Công việc theo dõi tin tức phải dừng lại mấy hôm.
Điều này khiến ông trăn trở và quyết định phải tìm chỗ cất giấu an toàn hơn. Sau nhiều trăn trở và tìm kiếm, ông phát hiện nơi giấu an toàn trong cầu tiêu. Do thợ xây cẩu thả, lại bị dội nước liên tục nên có thể rút nguyên viên gạch ra ngoài. Bên trong là một khoảng trống có thể cất giữ radio được. Nhưng radio quá lớn không thể đưa qua lỗ cầu tiêu. Mất 2 ngày đục mài cho lỗ cầu rộng thêm. Cuối cùng đưa được radio qua.
Giờ giới nghiêm, ông Ung Văn Bê (người được phân công trợ giúp ông) vào cầu tiêu lấy ra đưa cho ông. 1, 2 giờ sáng, ông nghe xong, đưa lại cho ông Bê. Trước đó, 12 giờ đêm, ông Bê phải thức dậy bắt số thứ tự đi vệ sinh vì 80 người chỉ có một cầu tiêu. Ôm radio trong người, ông Bê lo lắng, còn ông cũng không thể ngủ được. Có hôm, mãi đến 5 giờ sáng mới giấu được radio. Ngụy trang nơi giấu “báu vật” lúc này là dùng phân tươi trét lên miếng gạch cửa hầm. Tiêu chuẩn rửa tay cho công việc này chỉ một lon sữa bò nước.
Ngày 1/5/1975, ông cùng một số anh em khui chiếc hầm bí mật trong cầu tiêu, lấy chiếc radio trong sự ngỡ ngàng của tên Trưởng trại Bảy Đức. Hắn đã thốt lên: Tôi biết mấy ông có radio nhưng mấy ông giấu khéo quá, không thể tìm ra được./.