Đề xuất áp dụng một số cơ chế đặc thù của TP.HCM cho Vùng Đông Nam bộ
VOV.VN - Vùng Đông Nam bộ đang phát triển chậm lại và rất cần có các cơ chế chính sách vượt trội, cụ thể hóa Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị để có thể tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu.
Áp dụng mô hình TOD cho các tỉnh xung quanh TP.HCM
Tại Hội nghị Hội đồng điều phối Vùng Đông Nam bộ do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì sáng 18/7 tại TP.HCM, TS Trần Du Lịch cho biết, từ những năm 2000, ông cùng các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành đã tư duy phát triển tứ giác gồm: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu thành cực tăng trưởng với mức 2 con số trong nhiều năm liền.
Với Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị, những ước mơ ấy bắt đầu đi vào hiện thực khi đã định hình hướng phát triển kinh tế tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; phát triển hình thành đô thị vùng, hệ thống giao thông kết nối vùng để làm nền tảng hình thành vùng đô thị như nhiều nước trên thế giới.
Theo ông Trần Du Lịch, trong Nghị quyết 98 về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM mà Quốc hội mới ban hành có mô hình rất mới là cho phép phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD). Đây được xem là "con gà đẻ trứng vàng", tận dụng được quỹ đất đô thị để có ngân sách làm hạ tầng giao thông.
Ông Trần Du Lịch đề nghị nên áp dụng mô hình này cho cả các địa phương trong vùng, trước mắt có thể áp dụng ngay với dự án liên vùng là Vành đai 3 TP.HCM: "Nếu được thì áp dụng hệ thống giao thông của vùng hiện nay đang làm, kể cả đường sắt và đường nối kết. Như vậy chúng ta có sẵn mô hình TOD cho TP.HCM, áp dụng cho các địa phương trong vùng có điều kiện thì không cần nghiên cứu gì thêm nữa. Đây là điều kiện rất thuận lợi trong kết nối giao thông vùng".
Đồng quan điểm, TS Trương Minh Huy Vũ - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng mô hình TOD nên được áp dụng không chỉ ở TP.HCM mà còn ở các tỉnh xung quanh, cụ thể như Bình Dương: "Các dự án TOD chúng ta mở rộng ra, như tuyến metro 1 (Bến Thành – Suối Tiên) nối TP.HCM với Bình Dương. Nếu TP.HCM được áp dụng cơ chế TOD thì Bình Dương cũng tương tự như vậy. Đây là nguồn lực tài chính rất mạnh mẽ mà chúng ta có thể ứng dụng làm ngay, dựa trên Nghị quyết 98 mà Quốc hội đã cho phép TP.HCM".
Ngoài ra, TS Trương Minh Huy Vũ cho rằng, một trong các điểm nghẽn về thể chế là hội đồng điều phối vùng, nhất là cơ chế huy động về nguồn lực, về tài chính cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm. Qua nghiên cứu, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, cần phải huy động tất cả các nguồn lực từ Trung ương, địa phương, ODA và các định chế quốc tế… để phát triển hạ tầng giao thông.
Vì thế quyết định thành lập Hội đồng điều phối vùng được xem là “cốt lõi và đột phá”. Trong đó việc hình thành Quỹ phát triển hạ tầng giao thông vùng mà Bộ Tài chính sẽ trình vào quý IV rất quan trọng. Ở đây có thể chọn phương án Chính phủ thành lập quỹ và gắn với Hội đồng điều phối Vùng để huy động nguồn lực; đảm bảo được tính liên kết, phối hợp giữa các địa phương và các bên liên quan. Nếu được thiết kế phù hợp, Quỹ trở thành cơ sở và là công cụ hiệu quả để phát huy vai trò của Hội đồng điều phối Vùng.
Cơ chế đặc thù cho Vùng phải mạnh
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định, trong quá trình phát triển, TP.HCM luôn nhận thức rất rõ tầm quan trọng, ý nghĩa và có trách nhiệm trong công tác liên kết vùng.
TP.HCM nhất quán quan điểm mở rộng liên kết vùng để phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, phục vụ cho sự phát triển chung của đất nước. Đồng thời, mở rộng không gian đô thị, không gian phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, thể hiện vai trò, trách nhiệm “vì cả nước, cùng cả nước” của một trung tâm kinh tế, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, giáo dục đào tạo, y tế của vùng và cả nước.
Theo ông Phan Văn Mãi, quy hoạch TP.HCM có vai trò đầu tàu kết nối nguồn lực trong vùng, hỗ trợ phát huy thế mạnh của các địa phương, phát triển các hành lang chiến lược, các cực tăng trưởng kinh tế trong vùng… Dựa trên các yếu tố đặc thù vùng, đặc biệt là thuận lợi về vị trí trung tâm, quy hoạch TP.HCM có vai trò tích hợp, thống nhất cho hạ tầng giao thông vùng, các chức năng nòng cốt... nhằm thúc đẩy, phân bổ hài hòa các khu vực công nghiệp, dịch vụ; tối đa hóa khả năng kết nối với các tỉnh lân cận, tạo ra cơ sở hạ tầng phục vụ không chỉ cho Thành phố mà còn cho sự phát triển tiềm năng của các khu vực xung quanh. Khi Vùng phát triển thì TP.HCM cũng phát triển.
Do đó, ông Phan Văn Mãi cho biết, TP.HCM đã đề xuất một số cơ chế đặc thù cho Vùng, như: thành lập Quỹ phát triển hạ tầng giao thông Vùng, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Vùng, trung tâm chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo Vùng và trung tâm cơ sở dữ liệu về quy hoạch và phát triển KT – XH, phát triển công nghiệp dữ liệu, sandbox; cho phép các địa phương trong vùng thực hiện TOD; được sử dụng ngân sách của mình để kết nối với các địa phương, doanh nghiệp, phát triển giao thông Vùng… Đồng thời có các chính sách phát triển đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ; nhóm chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược; cơ chế chính sách phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong Vùng.
Ông Phan Văn Mãi cho biết thêm: "Chúng tôi đề nghị Thủ tướng đồng ý và cho phép nghiên cứu, trình cơ quan có thẩm quyền những cơ chế đặc thù cho Vùng như Quốc hội đã cho TP.HCM trong Nghị quyết 98, thậm chí vượt trội hơn. Nếu có cơ chế chính sách thí điểm đặc thù vượt trội cho vùng thì ít nhất phải có các nội dung này".
Việc hình thành Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ mà Thủ tướng làm Chủ tịch Hội đồng Vùng thể hiện quyết tâm chính trị cao để hiện thực hóa ước mơ phát triển vùng Đông Nam bộ. Hiện nay vùng Đông Nam bộ vẫn chưa có quy hoạch vùng, trong khi các địa phương trong vùng đang thực hiện quy hoạch KT–XH. Do đó cần phải điều phối làm sao các quy hoạch địa phương nằm trong tổng thể định hướng quy hoạch vùng; có sự phối hợp để hình thành rõ nét các cơ chế cụ thể, rõ ràng, phát huy tiềm năng lợi thế của từng địa phương và cả vùng. Theo các chuyên gia, nếu làm tốt, khơi thông được nguồn lực, vùng Đông Nam bộ có thể tăng trưởng ở mức hai con số trong giai đoạn 2026 – 2035.