Quảng Nam nỗ lực ứng phó với "thách thức kép"
VOV.VN - Đang vào mùa mưa bão, các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam vừa tập trung khắc phục và ứng phó với diễn biến phức tạp của thiên tai, vừa khẩn trương kiểm soát dịch Covid-19, khi số ca mắc liên tục tăng trong những ngày qua.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, hơn nửa tháng qua liên tục ghi nhận hàng trăm ca mắc Covid-19, chủ yếu tập trung ở khu vực miền núi. Tại huyện Phước Sơn và Nam Giang đã ghi nhận 292 ca mắc Covid-19. Hiện dịch bệnh tại những địa phương này đã từng bước được kiểm soát.
Trong khi đó, dịch Covid-19 lại xuất hiện tại các huyện miền núi Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước, thành phố Hội An và thành phố Tam Kỳ. Nóng nhất là ở Nam Trà My, đến trưa 28/10, qua xét nghiệm PT-PCR đã ghi nhận thêm 116 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại địa phương này lên hơn 200 ca. Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, những ngày qua trên địa bàn Nam Trà My mưa lớn kéo dài, các tuyến đường xuất hiện nhiều điểm sạt lở lớn nhỏ, khiến công tác phòng, chống dịch gặp rất nhiều khó khăn.
“Huyện luôn đề cao các phương án vừa phòng, chống thiên tai vừa phòng dịch Covid-19. Chúng tôi tâp trung khắc phục hậu quả mưa bão vừa qua và tiếp tục khoanh vùng, cách ly và làm công tác tư tưởng trong nhân dân. Phương châm là cách ly càng hẹp thì càng tốt, phát hiện F0 chỗ nào thì cách ly chỗ đó”, ông Dũng cho hay.
Bác sĩ Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết, ổ dịch tại Nam Trà My khá phức tạp do đã lây nhiễm qua vài chu kỳ, nhiều ca bệnh xuất hiện trong trường học và các khu vực hàng quán tại trung tâm huyện. Ngành Y tế tỉnh Quảng Nam đang tập trung lấy mẫu xét nghiệm, kết hợp với tăng độ phủ vaccine trên địa bàn miền núi, chuẩn bị sẵn sàng các khu điều trị F0 tại chỗ để dự phòng trường hợp giao thông bị chia cắt. Theo bác sĩ Mai Văn Mười, đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu xét nghiệm và khoanh vùng kiểm soát dịch bệnh là nhiệm vụ ưu tiên trong lúc này.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường lực lượng y tế, sinh viên, học sinh ngành y để lên trực tiếp hỗ trợ huyện Nam Trà My. Sẽ hỗ trợ đủ vật lực, nhân lực để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Kịp thời xét nghiệm, cách ly, khoanh vùng để điều trị”, ông Mười thông tin.
Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu Sở Công Thương chuẩn bị các phương án, đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm cho khu vực cách ly, phong tỏa tại các huyện miền núi có tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, 18 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kịch bản ứng phó linh hoạt và phù hợp với diễn biến của thiên tai và dịch bệnh trên địa bàn.
“Năm 2020 trên địa bàn chịu thiệt hại rất nặng nề do thiên tai, năm nay nhiều khả năng sẽ bị chia cắt. Trong điều kiện đó, phải tiếp tục phát huy phương châm "4 tại chỗ", nhưng sẽ có sự chi viện của các lực lượng cấp tỉnh. Trong nhiều tình huống khẩn cấp nhất định thì các địa phương lân cận sẽ tăng cường lực lượng đến hỗ trợ, phục vụ công tác cách ly, điều trị tại chỗ trong thời gian nhất định. Khi điều kiện thời tiết thuận lợi sẽ xử lý theo quy định”, ông Thanh cho hay./.