Thủy lợi 4.400 tỷ tại Đắk Lắk: Lo ngại ngập lụt, Bộ NN&PTNT yêu cầu hoàn thành tái định cư
VOV.VN - Liên quan đến dự án Thuỷ lợi Krông Pách thượng 4.400 tỷ đồng chậm tiến độ mà Đài TNVN đã nhiều lần thông tin, ngày 21/3, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT đi kiểm tra và yêu cầu sớm hoàn thành công tác tái định cư vì lo ngại ngập lụt tái diễn như những năm trước.
Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp dẫn đầu đã đi khảo sát tại cụm đầu mối công trình thuỷ lợi Krông Pách thượng, các tuyến kênh chính, kênh nhánh và hai khu tái định cư số một và số hai của dự án. Theo báo cáo của Ban quản lý dự án thuỷ lợi 8, đến nay, công trình đã thi công được khoảng 80% khối lượng, với đập chính sắp hoàn thiện và đã hoàn thành hơn 40km trong tổng số 60km tuyến kênh dẫn nước.
Đối với công tác tái định cư, định canh hiện vẫn còn chậm so với kế hoạch do Bộ NN&PTNT đưa ra. Theo đó mới chỉ có khoảng gần 200 hộ dân trong tổng số hơn 700 hộ dân ở vùng lòng hồ đến khu tái định cư số một thuộc xã Cư Elang, huyện Ea Kar. Trong khi đó, khu tái định số 2 được triển khai tại xã Cư Bông, huyện Ea Kar để tái định cư cho hơn 500 hộ dân thì hiện vẫn đang trong quá trình giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định, sau nhiều năm trì trệ, hiện nay công tác thi công công trình thuỷ lợi Krông Pách thượng đã đạt những kết quả khả quan, có thể hoàn thành theo tiến độ đã được Chính phủ gia hạn đến cuối năm 2023. Tuy nhiên, công tác tái định cư, định canh lại đang đáng lo ngại, tiến độ vẫn còn khá chậm.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp nhắc lại, vào mùa mưa những năm trước, người dân vùng lòng hồ đã chịu ảnh hưởng nặng nề do ngập lụt. Qua đó, đề nghị tỉnh Đắk Lắk và các bên liên quan đẩy nhanh tiến độ công tác tái định cư, định canh cho người dân và phải hết sức tập trung trong giai đoạn mùa khô này. Thời hạn cuối cùng Bộ NN&PTNT đặt ra là cuối tháng 6/2022, tức là trước khi vào cao điểm mùa mưa.
“Như hai năm qua, cứ đến lũ chính vụ là 500 hộ dân này đều rất nguy hiểm. Mà bà con sống ở đấy rất khổ, bản thân họ cũng muốn đi. Nguyên tắc làm gì thì làm nhưng chỗ ở mới cho người dân phải tốt hơn chỗ ở cũ. Ngoài chỗ ở, chắc chắn người dân cũng muốn có chỗ để sản xuất nữa" Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu./.