Tiền Giang: Giải quyết việc thuê đất bãi bồi quá hạn cần thấu tình, đạt lý
VOV.VN - Hàng chục năm qua, tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang xảy ra tình trạng cho thuê đất bãi bồi ven sông Tiền không đúng các quy định của Luật Đất đai gây xôn xao dư luận tại địa phương. Việc giải quyết, khắc phục thực trạng này của cơ quan có trách nhiệm tại tỉnh Tiền Giang và huyện Cái Bè đang rất khó khăn, lúng túng.
Đất bãi bồi cho thuê không qua đấu giá là sai
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tiền Giang, vào năm 1992 và năm 2009, huyện ủy-UBND huyện Cái Bè có chủ trương cho thuê đất bãi bồi ven sông Tiền cho các cá nhân sản xuất nông nghiệp và thương mại dịch vụ, với thời hạn mỗi hợp đồng cho thuê từ 10 năm đến 20 năm.
Theo đó, có 76 trường hợp đã được ký hợp đồng thuê đất bãi bồi ven sông Tiền thuộc địa bàn huyện Cái Bè với diện tích khoảng 69ha; trong đó địa bàn thị trấn Cái Bè có 14 hộ thuê khoảng 9,6 ha; xã Hòa Khánh có 38 hộ thuê 21ha; xã Hòa Hưng (cồn Cổ Lịch) có 24 hộ với hơn 38ha. Đối tượng thuê đất có không ít trường hợp là cán bộ hưu trí, đương chức.
Theo hợp đồng của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cái Bè với các hộ thuê thì đa số đến ngày 31/12/2020 đã hết hạn hợp đồng, chỉ còn 2 trường hợp của ông Nguyễn Quốc Thanh (Phó Bí thư thường trực huyện ủy Cái Bè, thuê 03 ha) và ông Nguyễn Kế Đáo (xã An Thái Trung, huyện Cái Bè, thuê hơn 4,2 ha) thời hạn 20 năm đến năm 2032 mới hết hạn hợp đồng.
Theo kết luận của các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang: tất cả các thửa đất bãi bồi ven sông của huyện Cái Bè nêu trên đều không thông qua hình thức đấu giá là thực hiện không đúng quy định tại khoản 1, Điều 61 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai năm 2003.
Cũng theo UBND huyện Cái Bè, đa số các trường hợp thuê đất bãi bồi chủ yếu đầu tư nuôi cá, trồng cây ăn trái, trồng cây kiểng; đặc biệt có 16 trường hợp đã xây nhà ở kiên cố, xây cơ sở dịch vụ kinh doanh ăn uống, du lịch… làm thay đổi hoàn toàn hiện trạng so với trước đây, vi phạm về lĩnh vực xây dựng, mục đích sử dụng đất. Một số hộ thuê đất bãi bồi nay không có nhu cầu sản xuất đã cho hộ khác thuê lại thu lợi cá nhân. Các hộ thuê đất bãi bồi đã có đơn đề nghị được tái hợp đồng thuê lại để tiếp tục sản xuất nhưng nhu cầu này chưa được giải quyết.
Vào năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường đã lấy ý kiến Thanh tra tỉnh, Cục Thuế tỉnh và Sở Tư Pháp tỉnh Tiền Giang về việc này. Các cơ quan chức năng cho rằng: “Việc xem xét tiếp tục cho thuê đất theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 02 của Bộ Tài nguyên và Môi trường là chưa đảm bảo quy định. Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu tham mưu đề xuất UBND tỉnh theo đúng quy định của pháp luật”.
Điều đáng nói là dù đã hết thời gian ký hợp đồng thuê hơn 3 năm nhưng đến nay các hộ này vẫn tiếp tục sử dụng như là “tài sản riêng” gây bức xúc trong nhân dân và có nộp tiền đóng thuế thuê đất tại Chi cục thuế huyện Cái Bè. Ông Phạm Tất Thành, cán bộ lão thành cách mạng tại xã Mỹ Đức Đông, huyện Cái Bè bức xúc: “Liên quan về đất bãi bồi, tôi đã biết từ lâu, cho thuê thì đúng nhưng mà quá thời hạn thì không đúng. Hết hạn thì tại sao mình không đấu thầu, đấu giá như thế nào đó. Mỗi lần đại biểu Quốc hội về thì nhân dân trong đó có tôi thì cũng đề nghị làm rõ vấn đề đất đai đó, thì tỉnh hứa, huyện hứa nhưng chưa giải quyết gì hết, vẫn nằm y vậy luôn”.
Trên địa bàn xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè có 38 hộ đã thuê đất bãi bồi tại ấp Hòa Quí với tổng diện tích khoảng 21ha để đầu tư nuôi cá, trồng cây ăn trái. Đến nay có 13 hộ xây nhà ở ổn định trên phần đất này. Chính quyền địa phương cho biết dù các trường hợp thuê đất bãi bồi đã hết hạn hợp đồng cho thuê nhưng các hộ vẫn sử dụng và mưu sinh trên phần đất của nhà nước gây sự so bì đối với các hộ dân khác. Góc độ địa phương không thể giải quyết được vấn đề này mà chỉ kiến nghị cấp trên xử lý.
Ông Bùi Văn Hữu, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè nói: “Đất bãi bồi này đã cho dân thuê lâu năm giờ này đã hết hạn. Bây giờ đề nghị cấp trên xem xét, căn cứ vào chủ trương vào pháp luật. Ở xã chỉ quản lý đất sau khi mà đất bãi bồi đã hình thành".
Cần sớm giải quyết việc thuê đất bãi bồi quá hạn cần “thấu tình, đạt lý”
Đất bãi bồi ven sông Tiền thuộc địa bàn huyện Cái Bè do phù sa bồi lắng trong nhiều năm. Trước đây, khu này là phần đất trũng, thường xuyên bị ngập nước và hay bị sạt lở. Sau khi thuê, các hộ dân đã trồng bần, cắm trụ, xây bờ kè… để giữ đất và đầu tư tôn tạo phần đất mới được bồi đắp. Từ đó, đất bãi bồi mới có thể canh tác như nuôi cá, trồng cây, rất tốn kém kinh phí, mất nhiều thời gian, công sức. Do đó về phía người thuê đất thì mong rằng được tái hợp đồng thuê, trường hợp thu hồi đất để đấu giá thì phải bồi thường thành quả lao động mấy chục năm qua.
Ông Nguyễn Minh Tâm, hộ thuê hơn 2,5 ha đất bãi bồi tại xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè để nuôi cá tra, trồng cây ăn trái bày tỏ: "Đất này lúc giao thôi chỉ là bãi bồi, rồi có xây nhà cấp 4 và trồng cây mít, xoài có trái. Bây giờ đề nghị tái hợp đồng lại để rồi mình an tâm sản xuất chứ không biết làm sao nữa. Nếu thu hồi lại thì cần bồi thường thỏa đáng, đúng ra khu vực này đều hợp đồng thuê hết. Hồi đó thuê đề đào ao nuôi cá, ở đây người dân như thế nào thì mình thế đó".
Theo nhu cầu của hộ thuê đất, UBND huyện Cái Bè đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh và các ngành chức năng tỉnh đề nghị xem xét cho các hộ dân được tái hợp đồng thuê để tiếp tục sản xuất. Liên quan đến vấn đề này, Sở Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện Cái Bè tổ chức thực hiện việc cho thuê đất bãi bồi ven sông Tiền đối với các trường hợp thuê đất sau khi hết hợp đồng phải thông qua đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 118 Luật Đất đai 2013.
Đối với các thửa đất (nằm trong quy hoạch dự án khu du lịch sinh thái trên địa bàn xã Hòa Hưng) đề nghị có kế hoạch thu hồi để tạo quỹ đất sạch cho dự án. Xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai sử dụng đất thuê không đúng mục đích, xây dựng trái phép các công trình kiên cố trên phần đất thuê. Đồng thời đề nghị Ủy ban nhân dân huyện Cái Bè tiếp tục thực hiện công tác quản lý, sử dụng, cho thuê đất bãi bồi ven sông theo kết luận số 463 của Chánh thanh tra tỉnh.
Tuy nhiên phía huyện Cái Bè chưa thể thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh đối với vấn đề này vì đang gặp nhiều khó khăn, lúng túng, chưa thể giải quyết hài hòa giữa quyền lợi người thuê đất và việc thực hiện Luật đất đai.
Ông Nguyễn Quốc Thanh, Phó Bí thư thường trực huyện ủy Cái Bè cho biết trước đây gia đình ông có thuê đất bãi bồi trong thời hạn 20 năm (hợp đồng còn thời hạn) để kinh doanh dịch vụ. Thời gian qua, gia đình ông đã đầu tư rất nhiều công sức, nguồn vốn để san lấp mặt bằng, làm bờ kè chống sạt lở, xây dựng cơ sở vật chất để kinh doanh. Ông cũng mong cơ quan có thẩm quyền sớm đưa ra hướng giải quyết vấn đề thuê đất bãi bồi theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành mà cũng đảm bảo quyền lợi cho người thuê đất, quản lý đất này trong hàng chục năm qua.
Riêng việc thu hồi đất, cho thuê với hình thức đấu giá hay đấu giá sang nhượng quyền sử dụng đất theo Điều 118 Luật đất đai năm 2013 thì rất khó thực hiện. Bởi hiện nay gần 100% diện tích đất này đã không còn hiện trạng đất bãi bồi mà trở thành những mảnh đất có giá trị, diện tích có thay đổi nhiều; có không ít diện tích mà hiện trạng thay đổi hoàn toàn, người thuê đã xây nhà, trồng cây lâu năm và trở thành “đất vàng”.
Ông Nguyễn Văn Nha, Chủ tịch UBND huyện Cái Bè cho biết đã kiến nghị cấp trên để sớm có hướng giải quyết: "Việc này, huyện có xin ý kiến UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng có văn bản xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường, mình phải chờ kết luận của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bây giờ phải căn cứ theo các điều, khoản của Nghị định 42, Thông tư 02, Luật đất đai rất khó nên huyện phải đi ra Bộ báo cáo cụ thể rồi xin ý kiến luôn, chờ Bộ quyết định thôi, chứ huyện không biết giải quyết sao”.
Đất bãi bồi ven sông Tiền tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang được tạo lập từ quá trình bồi lắng tự nhiên, trong đó có sự can thiệp của người dân sau khi thuê đất. Do đó, việc giải quyết tồn động trong việc cho thuê và thuê đất bãi bồi nơi đây cần đảm bảo “thấu tình, đạt lý”, vừa tuân thủ các quy định của pháp luật vừa hài hòa lợi ích của người thuê đất trong hàng chục năm khi đã có sự đầu tư, công sức dần dần tạo nên những mảnh đất có giá trị như hôm nay.