TP.HCM: Xe buýt hoạt động èo uột do người dân còn e ngại
VOV.VN - Từ 15/11, về cơ bản tất cả các tuyến xe buýt trong TP đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, đến nay tình hình hoạt động xe buýt khá ảm đạm. Nhiều tuyến cả hành trình không có hành khách nào.
Cả hành trình chỉ có tài xế và tiếp viên
Tuyến xe buýt số 44 xuất phát từ Bến đò Bình Quới, đi qua nhiều tuyến đường của quận Bình Thạnh, Quận 1 và bến cuối ở Quận 4. Cả hành trình dài hơn 16 km, đi qua nhiều khu vực đông dân cư mà xe mà chỉ đón vài lượt khách. Tài xế Nguyễn Ngọc Châu cho biết, nhiều khi xe đi cả hành trình mà không có hành khách, chỉ có lái xe và tiếp viên bầu bạn với nhau.
"Ế lắm, một xe khoảng chừng bình quân ngày 30 - 40 khách, vắng khách lắm. Có chuyến được 4, 5 khách, có chuyến đi xe không luôn. Tình hình chung thôi chứ mình không có biết được, khó khăn chung nên phải chia sẻ với nhau thôi", Tài xế Nguyễn Ngọc Châu nói.
Đó cũng là cảnh chung của nhiều tuyến xe buýt khác trên địa bàn TP thời gian này. Rảo quanh một vòng từ trạm xe buýt Thanh Đa (quận Bình Thạnh), qua các trạm trên tuyến Quốc lộ 13, đường Đinh Bộ Lĩnh, Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu, Đinh Tiên Hoàng…gần như không trạm nào có khách chờ xe.
Một hành khách hiếm hoi là bà Đỗ Thị Thanh Thuý, 52 tuổi, đang chờ xe buýt trên đường Lê Văn Duyệt, quận Bình Thạnh cho biết: "Tôi đi lại bằng xe buýt vì không có đi được xe máy, xe đạp. Nói chung là người ta còn đi lại còn thưa thớt, cũng hạn chế ra đường. Chuyến xe thì cũng giãn cách, cũng vắng. Trên xe thì cũng không có đông như trước".
Khách đi xe buýt giảm 41% so với trước khi giãn cách
Từ ngày 15/11, TP.HCM đã đưa vào hoạt động 84/90 tuyến xe buýt có trợ giá. Các tuyến còn lại chưa hoạt động chủ yếu là tuyến xe chuyên đưa rước học sinh. Theo thống kê, số chuyến/ngày hiện nay giảm 61%, lượng hành khách/ngày giảm 41% so với trước khi giãn cách. Cụ thể, hiện nay mỗi ngày các tuyến xe buýt trên địa bàn TP vận chuyển khoảng 30.400 lượt khách so với hơn 51.700 lượt khách trước khi giãn cách.
Ông Lê Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng lí giải nguyên nhân chính khiến xe buýt ảm đạm sau dịch là do hiện nay sinh viên, học sinh vẫn chưa đi học trực tiếp.
Trong khi nhiều tuyến, đối tượng phục vụ chính là học sinh, sinh viên khi chiếm đến 40– 50% lượng khách, thậm chí một số tuyến lên đến 70%.
Nguyên nhân thứ hai là dù TP.HCM đã bước vào trạng thái bình thường mới nhưng nhiều người lao động vẫn chưa trở lại TP, nhiều ngành nghề chưa phục hồi. Đặc biệt là tâm lý người dân vẫn còn e ngại, sợ lây lan dịch bệnh khi đi xe buýt nên chọn loại hình di chuyển khác.
Thêm vào đó, tất cả các tuyến đã hoạt động trở lại nhưng thời gian giãn cách còn cao, trung bình từ 20– 30 phút/chuyến, người dân phải chờ đợi lâu nên cũng ngại đi.
Hiện Trung tâm đang lên phương án điều chỉnh các mạng lưới tuyến hoàn chỉnh, bố trí phương tiện, đảm bảo thời gian chờ hợp lý theo thực tế, có kế hoạch phục vụ khi học sinh, sinh viên đi học trực tiếp.
Ông Lê Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM cho biết, Trước tmắt chúng tôi sẽ phối hợp với Sở Giáo dục- Đào tạo cùng với các trường đại học trên địa bàn TP điều chỉnh các tuyến xe buýt cho phù hợp với nhu cầu của em chuẩn bị đi học sắp tới.
"Đây là đối tượng chính nên chúng tôi tập trung vào xe buýt có liên quan để kịp thời tăng chuyến, giảm thời gian chờ đợi để phục vụ cho các em đi học một cách tốt nhất và cũng là cơ sở để cho các tuyến xe buýt hoạt động có hiệu quả hơn trong thời gian sắp tới", ông Hoàn cho biết.
Ngoài ra, Trung tâm này cũng đã lên kế hoạch cụ thể phối hợp với các bến xe liên tỉnh để vận chuyển người dân về quê hay trung chuyển hành khách đến và đi các bến trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán sắp tới./.