Trạm dừng chân Cần Thơ - Nơi thắm đượm “nghĩa đồng bào” trên chặng đường hồi hương
VOV.VN - Nhiều hoạt động nghĩa tình đã và đang được các tổ chức, cá nhân ở Cần Thơ thực hiện nhằm sưởi ấm biết bao người dân khó khăn khi di chuyển từ vùng dịch trở quê.
Tính đến nay, 13 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đón hàng trăm ngàn người dân trở về quê, trong đó phần lớn là lao động từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai…. Để giúp sức cho hành trình này, nhiều hoạt động nghĩa tình đã và đang được các tổ chức, cá nhân Cần Thơ thực hiện. Chỉ trong mấy ngày, trạm dừng chân tại Quốc lộ 1, dưới chân cầu Cần Thơ đã sưởi ấm biết bao người khó khăn.
Suốt những ngày qua, “Trạm xăng dã chiến 0 đồng” được nhóm bạn trẻ khoảng 10 người đặt ven Quốc lộ 1, đoạn vào cửa ngõ Cần Thơ để kịp thời tiếp xăng cho người dân, lao động nghèo tha hương mưu sinh tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ, TP.HCM ngược dòng về quê tránh dịch khi đi ngang Cần Thơ.
Anh Phan Thông Hưng (31 tuổi), ở quận Ninh Kiều cho biết, những ngày trước nhóm hỗ trợ bà con về đồ ăn, thức uống, kể cả pha sữa nóng cho trẻ nhỏ. Nhưng dọc Quốc lộ 1 có nhiều tổ chức, cá nhân cũng chuẩn bị đồ ăn như cháo, bánh mì thịt, mà thực phẩm nấu chín không thể để được lâu, nên nhóm đã thống nhất chuyển sang hỗ trợ bánh ngọt, xúc xích và xăng xe miễn phí.
Bánh ngọt được chia thành từng bịch nhỏ, xăng cho vào từng can, xe nào có nhu cầu chỉ cần ghé lại để tiếp nhiên liệu đầy bình và tiếp tục di chuyển về quê, không tốn thêm chi phí đổ xăng nữa. Để bà con không ai bị bỏ rơi, nhóm bàn với những đội hỗ trợ khác, chia giờ cho thuận tiện và từ đó cứ 7 giờ tối đến gần sáng sẽ là thời gian nhóm hoạt động.
Anh Phan Thông Hưng cho biết thêm: “Nhóm cũng có một quỹ mang tên “Sữa 0 đồng”, và đã sử dụng số tiền trong quỹ này mua nhu yếu phẩm hỗ trợ bà con và nhận được sự đồng cảm của rất nhiều người. Chúng tôi mong mọi người có thể về quê bình an; mọi người về cố gắng hợp tác với địa phương để đảm bảo công tác phòng, chống dịch hiệu quả”.
Ghi nhận vào tối 7 và 8/10, số lượng người dân trở về quê trong đêm mưa gió tầm tã vẫn rất đông. Hầu hết, những chiếc xe trở thành những “căn nhà” di động, với đồ đạc lỉnh kỉnh treo quanh xe, phía trước là cháu bé ngủ vật vờ trên chiếc mền đặt trước cổ xe hoặc ngồi ở giữa để cha mẹ ủ ấm.
Chở theo đứa con nhỏ mới chỉ 1 tuần tuổi, vợ chồng chị Lê Mỹ Ái (sinh năm 1992) làm công nhân tại Bình Dương đang trên đường về huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ. Đến đoạn Quốc lộ 1 thì bánh xe bị bể lốp, anh chị nhanh chóng được nhóm thiện nguyện hỗ trợ kịp thời.
Chị Mỹ Ái xúc động chia sẻ, vợ chồng chị có 3 đứa con, 2 đứa thì gửi ở quê để nội nuôi. Suốt 3 tháng qua do dịch ảnh hưởng nên vợ chồng thất nghiệp. Không tiền đóng trọ, vợ chồng đành ôm con mới sinh 1 tuần tuổi vượt nắng, mưa để về quê. Đi từ 5h đến Cần Thơ đã gần 21h. Vợ chồng chị mệt rã rời, xe lại hư, may được đội thiện nguyện giúp đỡ, nấu mì gói và ẵm bé đưa vào xe tải tránh mưa gió, vợ chồng chị mừng vô cùng.
“Chúng tôi đã tính về quê từ lúc chưa có dịch, nhưng dịch bùng phát nhanh quá nên không kịp về. Hôm nay, về tới đây được hỗ trợ mì gói ăn rất ấm lòng, vợ chồng tôi thấy mang ơn mấy chị, mấy anh nhiều lắm”, chị Mỹ Ái xúc động chia sẻ.
Không chỉ có các nhóm hỗ trợ xăng, đồ ăn, ở trạm dừng chân này còn có anh Lương Trọng Tuấn (30 tuổi), ở quận Bình Thủy, ban ngày làm ở tiệm rửa xe của gia đình, ban đêm tình nguyện túc trực sửa xe dã chiến cho bà con.
Cứ vào khoảng 7h tối, anh Tuấn lại mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang, kèm chai sát khuẩn đến ven Quốc lộ 1 để hỗ trợ người dân khi xe gặp trục trặc giữa đường. Đến tận 1-2h sáng hôm sau khi lượng xe vơi dần, anh mới trở về nhà.
Anh Trọng Tuấn bày tỏ, mấy ngày qua, anh đã sửa hàng chục xe máy bị thủng ruột, thay nhớt, thay vỏ… Mặc dù có nhiều nguy cơ bị lây nhiễm bệnh, nhưng anh chẳng đắn đo vì bà con khổ nhiều rồi, giúp được là phải giúp. Anh chỉ nghĩ chuyến hành trình của bà con được “thuận buồm, xuôi gió” cũng là niềm vui lớn nhất của anh thời điểm này.
“Tôi thấy người dân đổ về miền Tây nhiều quá, thất nghiệp cũng 3 tháng nay, trên đường đi về cũng gặp nhiều khó khăn về thức ăn, nước uống, hỏng xe dọc đường mà không có tiệm sửa, nên tối đem đồ nghề ra hỗ trợ bà con. Mệt thì cũng có mệt nhưng vì bà con mình nên tôi cứ cố gắng và tiếp tục hỗ trợ đến khi nào bà con về hết thì thôi”, anh Trọng Tuấn chia sẻ.
Ông Danh Văn Tuấn, chạy xe từ Bình Dương về Bạc Liêu, đến cầu Mỹ Thuận bị bể vỏ bánh xe. Chặng đường mấy chục cây số, vừa chạy vừa lo lắng tai nạn, may thay, đến cửa ngõ vào Cần Thơ được hỗ trợ, ông không giấu được xúc động.
“Tôi đi tới đây bất ngờ được anh em cho xăng, rồi hỏi xe anh có hư gì nữa không? Tôi nói xe tôi bị hỏng bánh xe là có anh chị em giúp đỡ liền, tôi rất xúc động và mang ơn các anh chị ở đây”, ông Danh Văn Tuấn xúc động nói.
Chẳng cần gì to tát, chỉ với sự hỗ trợ thắm đượm “nghĩa đồng bào” của “trạm dừng chân Cần Thơ” nói riêng, các tỉnh thành khác nói chung, sự mệt mỏi trên hành trình dài “hồi hương” của bà con sẽ vơi đi phần nào./.