Xuân của những bác sĩ “xuyên Tết” cứu người
VOV.VN - Không khí ngày Tết rộn ràng mọi nẻo đường, ngõ phố cũng là lúc các y, bác sĩ chuẩn bị vào ca trực Tết tại bệnh viện. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp thì việc đón Tết trong bệnh viện cũng có nhiều điều khác biệt.
Không khí ngày Tết rộn ràng mọi nẻo đường, ngõ phố cũng là lúc các y, bác sĩ chuẩn bị vào ca trực Tết tại bệnh viện. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp thì việc đón Tết trong bệnh viện cũng có nhiều điều khác biệt. Tại thành phố Đà Nẵng, Tết này, cả 2 vợ chồng y, bác sĩ đều tham gia trực Tết. Với họ, niềm hạnh phúc lớn lao nhất là sức khỏe của nhân dân được an toàn.
Y sĩ Nhâm Thị Thùy Dung, nhân viên trực tổng đài tại Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng đang mang thai đứa con đầu lòng được 6 tháng. Trước đây, chị chỉ tiếp nhận cuộc gọi dành riêng cho bệnh nhân cấp cứu, giờ lại có thêm những bệnh nhân COVID-19.
"Tôi trực ca buổi sáng từ 7h sáng đến 2h chiều. Trong khoảng thời gian này tôi tiếp nhận từ 30 đến 40 cuộc như vậy. Ngoài ra chúng tôi đều phải đi trong 1 kíp cấp cứu. Ví dụ hôm nay tôi có 8 tiếng trực tổng đài. Ngày mai tôi sẽ trực chính, mà trực chính là chúng tôi đi cấp cứu luôn", Y sĩ Dung chia sẻ.
Như vậy, ngoài việc trực tổng đài thì chị Dung làm thêm việc vận chuyển bệnh nhân COVID-19. Số ca bệnh tăng cao, Tết này chị lại không được ở nhà. Vất vả nhưng dịch kéo dài 2 năm nay đã rèn luyện cho chị Dung và các đồng nghiệp quen với áp lực công việc.
Sau khi tiếp nhận thông tin cấp cứu, một kíp trực ngay lập tức lên đường. Mỗi kíp bao gồm một lái xe, một bác sĩ và một điều dưỡng viên. Dù nắng hay mưa, ngày hay đêm, mỗi khi có cuộc gọi cấp cứu là lên đường làm nhiệm vụ.
Cả 2 vợ chồng cùng làm trong ngành Y, Tết này anh Nguyễn Trung, nhân viên Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng tham gia trực Tết, 2 đứa con nhỏ ăn Tết cùng ông, bà nội. Còn nhớ tháng 7 năm ngoái, khi đứa con trai thứ 2 vừa tròn 1 tuổi cũng là lúc anh Trung lên đường vào TP.HCM hỗ trợ chống dịch. Thời điểm ấy, vợ anh cũng tham gia trực chốt ở các điểm cách ly y tế, một mình bà nội trông nom 2 cháu nhỏ. Đó là khoảng thời gian khó khăn nhất đối với gia đình anh Trung.
Anh Trung kể, 11 năm trong nghề thì anh đã có 9 năm ăn Tết ở Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng. Mọi người ở lại trực Tết chuẩn bị được mấy chiếc bánh chưng, chút hoa quả cúng giao thừa. Nhiều năm đang chuẩn bị giao thừa, có cuộc gọi báo ca cấp cứu, mọi người lại vội vàng lên đường. Khi trở về Trung tâm thì đã bước sang năm mới. Điều dưỡng viên Nguyễn Trung tâm sự, ăn Tết ở Trung tâm cấp cứu cũng đầm ấm như ở gia đình.
“Tôi đã xác định đi trực Tết trước rồi. Vào đây được hơn 11 năm rồi nên cũng đã quen, tâm trạng cũng thoải mái hơn, chứ không có gì gò bó lắm”, anh Nguyễn Trung chia sẻ.
Cùng hoàn cảnh như vợ chồng anh Trung, Tết năm nay, vợ chồng bác sĩ Lê Đức Vĩnh, Khoa Nhi và Khoa sản, Bệnh viện Phụ Sản Nhi Đà Nẵng đều có lịch trực ở bệnh viện dã chiến, chăm sóc bệnh nhân COVID-19. Mới cưới nhau gần 1 năm, cái Tết đầu tiên của 2 vợ chồng trẻ là đón Tết cùng bệnh nhân trong bệnh viện dã chiến. Bác sĩ Lê Đức Vĩnh cho biết, mấy năm trước mình đều đón giao thừa trong bệnh viện. Có những lúc tập trung cứu chữa bệnh nhân, khi xong việc, ngẩng mặt lên thì đã thấy bước sang năm mới.
"Việc trực Tết thì đương nhiên ở bệnh năm nào mình cũng phải trực hết. Đêm giao thừa hay Tết không có ở nhà cũng là chuyện hết sức bình thường đối với nghề bác sĩ của mình. Nhưng năm nay đặc biệt hơn một chút là mình đi trực nguyên Tết”, bác sĩ Lê Đức Vĩnh chia sẻ.
Hai năm nay, trong phòng chống dịch bệnh COVID-19, đã có biết bao câu chuyện cảm động về sự vất vả, hy sinh của đội ngũ y, bác sĩ. Có gia đình cả vợ lẫn chồng cùng ngày đêm nơi tuyến đầu chống dịch, phải gửi con cho người thân, hàng xóm trông giúp. Có những người, cha mẹ mất, vợ ốm chồng đau cũng chẳng thể về nhà để chăm sóc người thân. Mỗi người một nỗi niềm riêng, nhưng những “chiến binh áo trắng” đều gác lại phía sau, hết lòng vì người bệnh.
Một mùa Xuân lại về, tiếng cười và sự mạnh khỏe của nhân dân chính là “Mùa Xuân yêu thương” đối với họ./.