TP.HCM cần sớm giải "cơn khát" bãi đỗ xe
VOV.VN - Hiện tại TP.HCM đang có hơn 9 triệu phương tiện cơ giới đường bộ, trong khi đó hệ thống bến bãi hiện chỉ đạt khoảng 20% quy hoạch. Trước thực tế trên, vào năm 2012 UBND TP.HCM đã yêu cầu sở, ngành chức năng phối hợp triển khai kế hoạch xây dựng 4 bãi xe ngầm giữa trung tâm thành phố.
Thế nhưng sau hơn 10 năm, 4 dự án trên đến nay vẫn nằm bất động trên giấy. Đối mặt với việc thiếu bãi đậu xe nghiêm trọng vậy thành phố sẽ gỡ vướng thế nào đối với những dự án trên? Các sở ngành có giải pháp gì nhằm giải quyết nhu cầu đỗ xe của người dân?
Thiếu bãi đậu xe đã trở thành vấn đền bức bách của TP.HCM trong suốt một khoảng thời gian dài. Cụ thể theo số liệu thống kê từ Sở GTVT, tính đến hết năm 2023, TP.HCM có hơn 9,2 triệu phương tiện giao thông, tăng 4,6% so với năm trước, trong đó có 940.000 chiếc ô tô (tăng 5,8%) và 8,2 triệu chiếc mô tô (tăng 4,5%).
Đó là chưa kể số xe đến từ các tỉnh, thành khác. Trong khi số lượng phương tiện ngày càng tăng, hệ thống bến bãi giữ xe trên địa bàn thành phố chỉ mới đạt khoảng 20% quy hoạch. Nhu cầu đỗ xe, gửi xe ngày càng bức bách, nhất là tại khu vực trung tâm.
Ghi nhận phóng viên tại các công viên lớn như công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình), công viên Lê Văn Tám (quận 1), công viên Tao Đàn (Quận 1),… Vì không có bãi đậu xe nên nhiều người dân chọn cách đậu xe máy trên vỉa hè, thậm chí là tràn xuống lòng lề đường vào công viên hóng mát, tập thể dục:
“Bây giờ không có chỗ giữ xe thì ai đâu dám cho con vào chơi trò chơi ở công viên này”.
“Có nhiều người từ ở Bình Chánh lên họ muốn gửi xe xong dẫn con vào công viên tham quan, chơi trong công viên nhưng mà không có chỗ gửi xe, đi chơi xong mà mất xe thì ai dám đi nữa, cho nên là cũng bất tiện chỗ đó”.
Trong khi đó, tại khu vực trung tâm công viên bến Bạch Đằng đã được chỉnh trang hiện đại, đẹp mắt đã trở thành địa điểm checkin, hóng mát quen thuộc của người dân thành phố và cũng như du khách quốc tế. Thế nhưng nhiều người vẫn phải đỏ mắt để tìm chỗ đậu xe mỗi khi đến đây:
“Bãi gửi xe quanh khu vực quận 1 thực sự rất khó, vào những lúc cao điểm ví dụ như tôi đi chơi tết thì để kím được 1 chỗ gửi xe cực kỳ khó”.
“Em nghĩ vấn đề bất tiện duy nhất đó là chỗ gửi xe thứ 7 và chủ nhật rất đông nhiều người không có ý thức thì họ sẽ đậu xe cặp theo sát lề của công viên”.
Việc thiếu bãi đậu xe đã dẫn đến việc nhiều ô tô, xe khách buộc lòng dừng đỗ dưới lòng lề đường. Không khó để bắt gặp thực trạng này tại các khu vực nội đô thành phố, các trục đường như Hàn Thuyên, Lê Duẩn, Đồng Khởi ô tô cũng đậu thành những hàng dài dù đường có biển báo cấm đậu hoặc cấm dừng xe. Việc đậu xe làm hẹp lòng đường, khiến việc lưu thông bị trở ngại.
Tài xế Nguyễn Huỳnh Bửu Châu cho biết: “Mình chở sếp đi công việc, vào thành phố thì có cái khó khăn đó chính là chỗ đậu xe. Tại vì xe càng ngày càng đông cho nên chỗ cũng thiếu nhiều lắm. mình kím cũng khó, mình đậu không đúng thì công an họ phạt”.
Trước thực tế trên, Năm 2005, TP.HCM chấp thuận chủ trương cho 4 dự án làm bãi đậu xe ngầm ở sân khấu Trống Đồng, công viên Lê Văn Tám, sân bóng đá thuộc công viên văn hóa Tao Đàn và sân vận động Hoa Lư với tổng sức chứa 6.000 ô tô và 4.000 xe máy.
Đến nay, có 3 dự án “chết yểu”, chỉ còn dự án ở sân khấu Trống Đồng do Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương làm chủ đầu tư nhưng cũng khó triển khai do không có quy hoạch tổng thể không gian ngầm. Đại diện chủ đầu tư dự án, bà Nguyễn Thị Bảo Quỳnh – Phó chủ tịch công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương cho biết:
“Ở phía trên mặt đất lúc trước phê duyệt chúng tôi làm thương mại dịch vụ mà bây giờ lại yêu cầu chúng tôi làm công cộng. chúng tôi yêu cầu thành phố có thể xem xét giao cho chủ đầu tư phần sân khấu trên mặt đất để kết hợp với công cộng thì phần nào giải quyết vấn đề thu hồi vốn của chủ đầu tư. Thứ 2 là không thay đổi quy hoạch kiến trúc đã phê duyệt từ năm 2015, chỉ đáp ứng 2 vấn đề này thì dự án mới có thể triển khai được rất nhanh”.
Theo Tiến sĩ Phạm Xuân Mai – Nguyên trưởng khoa kỹ thuật giao thông, Đại học Bách Khoa TP.HCM nhận định, chính việc bất cập trong chính sách đối với nhà đầu tư dẫn đến việc các bãi đỗ xe ngầm không thể triển khai trong suốt thời gian qua:
"Tư vấn của Việt Nam rất kém, chính vì những tư vấn sai nên đã xảy ra rất nhiều bất cập, ví dụ như bãi đỗ xe ngầm cũng là một vấn đề, nếu tư vấn tốt thì họ sẽ đưa ra một chính sách phù hợp, chính những chính sách mới là khúc mắc lớn nhất đối với nhà đầu tư".
Dưới góc nhìn ông Lê Hoàn Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho rằng, những bãi đỗ xe tại TP.HCM chưa thể triển khai, thứ nhất là khó thu hút vốn đầu tư, thứ 2 là vướng quy hoạch. Theo ông cần có những cơ chế chính sách hấp dẫn để mời gọi các nhà đầu tư bước chân vào các dự án cấp thiết như thế đối với thành phố.
"Chúng ta thiếu cơ chế chính sách mời gọi các nhà đầu tư, bởi vì đầu tư các công trình ngầm ở một địa bàn có mực nước ngầm cao và địa chất yếu như thành phố là sự tốn kém thậm chí gấp đôi, gấp 3 so với các nơi khác".
Lý giải về các vướng mắc dẫn đến việc thiếu bãi đậu xe nghiêm trọng trên địa bàn thành phố trong suốt thời gian qua. Ông Trương Trung Kiên – Phó giám đốc Sở quy hoạch – kiến trúc TP.HCM cho biết, chính sự không trùng khớp giữa các quy hoạch là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên:
"Chưa có sự trùng khớp giữa quy hoạch chung thành phố và quy hoạch điều chỉnh giao thông đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 tại quyết định 568 của thủ tướng. Những vấn đề đó đã dẫn đến việc tồn tại một số vướng mắc trong quy hoạch bến bãi.
Riêng tại những vị trí đã được quy hoạch làm bến bãi mà được dự kiến đầu tư theo hình thức đối tác công tư hoặc là đấu thầu chọn chủ đầu tư thì đến nay vẫn còn gặp vướng mắc về quy định pháp luật mà chưa triển khai thực hiện được. Và cuối cùng là việc kêu gọi các nhà đầu tư tham gia vẫn còn nhiều khó khăn do cơ chế, do khó khăn về mặt kinh tế".
Để giải quyết thực trạng thiếu bãi đỗ xe, ông Trương Trung Kiên cho biết, đơn vị sẽ hoàn tất điều chỉnh quy hoạch chung thành phố, trong đó sẽ tích hợp đầy đủ những pháp lý liên quan đến quy hoạch giao thông và quy hoạch ngầm, từ đó giảm thiểu được việc thiếu đồng bộ giữa các thủ tục pháp lý.
“Trong quá trình lập các đồ án quy hoạch phân khu chi tiết chúng tôi có đưa vào các quy định, quy chế nhằm làm sao khuyến khích thông qua việc tổ chức các bãi đỗ xe bến bãi trên địa bàn của thành phố. Và đồng thời có nghiên cứu đề xuất các giải pháp, khuyến khích việc áp dụng các công nghệ mới để tăng khả năng đáp ứng đỗ trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó sẽ áp dụng công nghệ thông tin, số hóa làm sao để cùng một diện thích như vậy để tăng khả năng đáp ứng bãi đỗ xe hơn và cuối cùng là đề xuất các chính sách nhằm thu hút các nhà đầu tư hơn vào các bến bãi".
TP.HCM - một đô thị năng động và đầy sức sống, nơi mà dòng chảy của xe cộ không bao giờ ngừng nghỉ. Nhưng có vẻ như, trong cuộc đua phát triển không ngừng, thành phố lại quên mất một điều quan trọng: nơi để "nghỉ chân" cho những phương tiện giao thông.
Theo thống kê Sở GTVT, tính đến tháng 11.2023 thành phố có khoảng 9 triệu phương tiện giao thông, trong đó có hơn 900.000 ô tô, điều này đã khiến việc quản lý không gian đậu xe trở nên chật vật hơn. Chính quyền đô thị đã nhận diện được vấn đề và đưa ra những giải pháp nhưng có vẻ như chúng chỉ là những giải pháp "trên giấy".
Các dự án bãi đậu xe ngầm được quảng cáo rầm rộ, nhưng rồi sau gần 2 thập niên cũng chỉ là những dự án "ma", tồn tại mà không hề thấy hình hài. Người dân vẫn hàng ngày phải xoay xở với cảnh tượng ô tô đậu tràn lan, chiếm dụng lòng lề đường, khiến cho việc đi lại càng trở nên khó khăn. Và cứ thế, vòng luẩn quẩn của việc tìm kiếm không gian đậu xe trong một thành phố đang ngày càng chật chội lại tiếp diễn mỗi ngày.
Vậy giải pháp nào cho bài toán khó này? Bên cạnh việc tháo gỡ những vướng mắc trong vấn đề chính sách thì thành phố cần những bãi đậu xe thông minh, tự động, hoặc thậm chí là những ứng dụng công nghệ giúp tối ưu hóa việc tìm kiếm chỗ đậu.
Ngoài ra, việc cải tạo giao thông công cộng và khuyến khích sử dụng các phương tiện này cũng là một phần của giải pháp tổng thể. Việc mở rộng và cải thiện chất lượng dịch vụ xe buýt, xe điện, và các phương tiện giao thông công cộng khác sẽ giảm bớt áp lực lên hệ thống đỗ xe và giảm thiểu nhu cầu sử dụng xe cá nhân.
Để đạt được một giải pháp bền vững, cần có sự kết hợp giữa các giải pháp công trình và phi công trình, cũng như sự hợp tác giữa chính quyền đô thị, doanh nghiệp và người dân. Chính sách và cơ chế khuyến khích đầu tư vào hạ tầng đỗ xe, cùng với việc quản lý và sử dụng hiệu quả không gian đô thị, sẽ là chìa khóa để giải quyết vấn đề này một cách toàn diện.
Dù giải pháp là gì, một điều chắc chắn các Sở ngành thành phố không thể tiếp tục lờ đi câu chuyện thiếu bãi đỗ xe. TP.HCM xứng đáng có một hệ thống hạ tầng giao thông xứng tầm với tốc độ phát triển của mình.
Có lẽ, đã đến lúc cần một cuộc "cách mạng" trong cách thức quản lý và giải quyết vấn đề hạ tầng, để không chỉ mang lại một diện mạo mới cho thành phố mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nơi đây. Một cuộc "cách mạng" mà ở đó, những giải pháp không chỉ tồn tại trên giấy tờ, mà thực sự được triển khai, được thấy và cảm nhận bởi mỗi người dân.