Trình Tường bừng sáng nơi biên cương Đông Bắc

VOV.VN - Là cụm dân cư “bám biên”, Trình Tường (thôn Bắc Cương, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu, Quảng Ninh) mùa xuân này khoác lên “tấm áo mới”, không chỉ tươi tắn bởi những công trình hạ tầng vừa hoàn thiện mà còn thắm đượm tình quân dân, cùng xây dựng dải đất biên cương bình yên, no ấm.

Bên căn nhà nhỏ mới xây, Chìu Văn Tiến vui vẻ khoe, Tết này với vợ chồng anh là cái Tết đầy ấm cúng. Chàng trai trẻ người Dao Thanh Phán kể, cụm dân cư Trình Tường (thôn Bắc Cương, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu) có 18 hộ thì 12 hộ được nhận hỗ trợ 30-60 triệu đồng để cất nhà mới và sửa sang nhà cũ. Gia đình nào neo người, các cô bác anh chị ở xã, thôn, ban ngành đoàn thể tới tận nơi giúp vận chuyển vật liệu, ngày công, cùng tưng bừng vui tân gia...:

“Mình thấy đỡ lo, mưa không còn dột xuống nhà, không lo chỗ ngủ nữa. Bây giờ vợ chồng đi làm phải cố gắng, phát rừng trồng quế trồng hồi. Mình có 1 ha rừng của nhà, thu nhập cũng tạm đủ trang trải cuộc sống hàng ngày”.

Bắc Cương là thôn xa xôi của xã Hoành Mô. Trình Tường còn là cụm dân cư xa hơn nữa khi cách đường biên giới chỉ 50m, chạy xe máy về trung tâm xã mất gần 1 giờ đồng hồ. Từ con đường tuần tra biên giới nhìn xuống thung lũng, những mái nhà mới ở Trình Tường tô sáng thêm bức tranh rừng thông, rừng quế xanh mướt mát. Điểm trường học cũ được sửa sang thành nhà văn hoá cộng đồng rộng rãi, còn có một giếng nước lớn cung cấp nước hợp vệ sinh, thay thế bể nước cũ xuống cấp. Đường bê tông mới dẫn vào cụm dân cư dài 117m, ban đêm sáng ánh đèn từ 10 cột đèn năng lượng mặt trời. Đây là những công trình do Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ huyện Bình Liêu, nâng cấp cơ sở hạ tầng theo nhu cầu của người dân với kinh phí 1,5 tỷ đồng, bắt đầu xây dựng từ tháng 2/2023.

 “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua”, bà Chìu Tài Múi, người dân Trình Tường bồi hồi nhớ lại 20 năm trước. Khi ấy, đất Trình Tường chỉ là một khu rừng heo hút dọc dải biên giới, nằm trên điểm cao 790 thuộc thôn Bắc Cương. Năm 2004, hưởng ứng lời vận động của các cấp chính quyền, đặc biệt là sự vào cuộc mở đường, khai hoang của cán bộ chiến sĩ Lâm trường 156 (Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 327, Quân khu 3), các gia đình người Dao Thanh Phán sinh sống rải rác đã về đây định cư, cùng khép kín vành đai biên giới bằng những làng bản, cụm dân cư liên tục, góp sức xây dựng khu kinh tế - quốc phòng trên tuyến biên giới Đông Bắc, kề bên các cột mốc 1309 (2), 1310.

Bà Chìu Tài Múi nhớ lại những ngày bắt đầu cuộc sống mới: “Hồi 2004 rất vất vả, đi lại toàn đường đất. Cuộc sống rất khó khăn, làm ruộng chưa có nước cấy, trồng hoa màu cũng khó, đến năm 2005 mới có điện. Bây giờ nghĩ lại vẫn thấy khó khăn, nhưng vẫn quyết tâm phải ở lại”.

Đất khó người thưa không ngăn nổi quyết tâm “bám đất, bám biên”. Không còn là vùng “trắng” dân, tình trạng xâm xanh xâm cư không còn, nhưng tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vẫn rất phức tạp; nhiều hủ tục lạc lậu, nghèo đói đeo bám… Năm 2020, Huyện ủy, UBND huyện Bình Liêu phối hợp Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 327 xây dựng Trình Tường thành khu dân cư kiểu mẫu. “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, cùng với các cấp ngành hỗ trợ toàn diện, thêm lớp học xoá mù chữ, khám chữa bệnh; cải tạo đất đai canh tác hoa màu, hướng dẫn bà con đào ao thả cá, đăng ký mô hình nuôi lợn, nuôi dê; trồng hồi quế; vệ sinh nhà cửa, chuồng trại… 

2 mùa xuân qua, hơn 1.000 cây mận hậu người dân được hỗ trợ từ phân bón đến cách chăm sóc giờ đã đơm hoa, kết trái. Anh Doòng Cắm Sằn kể, năm ngoái, vụ đầu tiên mỗi hộ đều thu hoạch hơn nửa tạ, hứa hẹn vụ mới năng suất hơn. Đó cũng là động lực để anh và nhiều thanh niên mạnh dạn đa dạng hoá kinh tế hộ gia đình:

“Cũng nhìn thấy thành quả rồi. Người dân hay trau dồi kinh nghiệm cho nhau, hộ này chưa biết thì hộ kia nói, nói qua nói lại thì sẽ tự hiểu và biết cách để làm, cùng bảo ban nhau, như bón phân gì, chăm sóc ra sao để hiệu quả. Giờ Trình Tường không còn hộ nghèo, đang rà soát hộ cận nghèo, nếu phát triển hơn thì cũng không còn ai nghèo nữa”.

Kinh tế dần vững vàng, đời sống tinh thần của người dân Trình Tường cũng được nâng lên, tham gia tích cực vào các hoạt động bảo vệ chủ quyền an ninh, phòng tránh tình trạng vượt biên trái pháp luật, buôn lậu, vận chuyển ma tuý qua biên giới… Ông Nông Thanh Thuỷ, Phó Bí thư Đảng uỷ xã Hoành Mô cho biết, cấp uỷ chính quyền thường xuyên bám nắm địa bàn, cùng với cán bộ Đồn Biên phòng Hoành Mô dự sinh hoạt hàng tháng cùng nhân dân, thông tin cho bà con các chủ trương chính sách và tiếp nhận những ý kiến, phản hồi.

“Qua những an sinh xã hội tốt, nhà ở khang trang, bà con cũng yên tâm sản xuất, tham gia tốt vào công tác bảo vệ an ninh Tổ quốc, bám biên, cột mốc, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Chuẩn bị Tết, chúng tôi xây dựng kế hoạch, tuyên truyền và rà soát lại những hộ đặc biệt khó khăn, có những phần quà tới động viên thăm hỏi bà con nhân dân, hỗ trợ cho bà con đầy đủ, nhà nào cũng phải có Tết” - Ông Nông Thanh Thuỷ cho biết

 

Tết này, Doòng Cắm Sằn đã bàn với trưởng thôn tổ chức vui hội, thanh niên nam nữ trong sắc áo đỏ cùng chơi lày cỏ, thi đẩy gậy, kéo co… Xuôi xuống bản trên con đường đang rộ hoa mận trắng, anh và bà con Trình Tường biết, chặng đường để kéo gần khoảng cách với miền xuôi còn rất dài, nhưng con đường đi học của lũ trẻ nay đã gần hơn, không còn bùn lầy và gập ghềnh sỏi đá. Chúng sẽ lớn lên, tiếp tục theo bước cha anh là những “cột mốc” vững chãi nơi biên thuỳ.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Giới trẻ rộn ràng với mâm cỗ tết truyền thống
Giới trẻ rộn ràng với mâm cỗ tết truyền thống

VOV.VN - Đối với người Việt, mâm cúng ngày Tết có ý nghĩa rất quan trọng. Bên cạnh việc tưởng nhớ đến Tổ tiên, ông bà, những người đã khuất, mâm cơm thịnh soạn với các món ăn được chế biến cầu kỳ sau khi hạ lễ còn để đãi các thành viên trong gia đình hay đãi khách đến chơi nhà, mang đến không khí ấm cúng, đoàn viên sau một năm bận rộn.

Giới trẻ rộn ràng với mâm cỗ tết truyền thống

Giới trẻ rộn ràng với mâm cỗ tết truyền thống

VOV.VN - Đối với người Việt, mâm cúng ngày Tết có ý nghĩa rất quan trọng. Bên cạnh việc tưởng nhớ đến Tổ tiên, ông bà, những người đã khuất, mâm cơm thịnh soạn với các món ăn được chế biến cầu kỳ sau khi hạ lễ còn để đãi các thành viên trong gia đình hay đãi khách đến chơi nhà, mang đến không khí ấm cúng, đoàn viên sau một năm bận rộn.

Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc giới thiệu ẩm thực Tết tới bạn bè quốc tế
Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc giới thiệu ẩm thực Tết tới bạn bè quốc tế

VOV.VN - Đại sứ Đặng Hoàng Giang trực tiếp chuẩn bị và mời các Đại sứ, Đại biện thưởng thức các món ăn truyền thống và đặc sắc chỉ có vào dịp Tết của người Việt.

Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc giới thiệu ẩm thực Tết tới bạn bè quốc tế

Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc giới thiệu ẩm thực Tết tới bạn bè quốc tế

VOV.VN - Đại sứ Đặng Hoàng Giang trực tiếp chuẩn bị và mời các Đại sứ, Đại biện thưởng thức các món ăn truyền thống và đặc sắc chỉ có vào dịp Tết của người Việt.

Xuân về trên khắp xóm, ấp vùng biên giới An Giang
Xuân về trên khắp xóm, ấp vùng biên giới An Giang

VOV.VN - Tuy mỗi dân tộc đều có những ngày Lễ, Tết riêng theo truyền thống của mình, nhưng khi tiết trời phương Nam đã se lạnh, những cánh mai vàng chớm nở, cũng là lúc cộng đồng bốn dân tộc anh em: Kinh, Chăm, Hoa, Khmer trên vùng biên giới của tỉnh An Giang lại sắm sửa, dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa để đón một mùa xuân mới.

Xuân về trên khắp xóm, ấp vùng biên giới An Giang

Xuân về trên khắp xóm, ấp vùng biên giới An Giang

VOV.VN - Tuy mỗi dân tộc đều có những ngày Lễ, Tết riêng theo truyền thống của mình, nhưng khi tiết trời phương Nam đã se lạnh, những cánh mai vàng chớm nở, cũng là lúc cộng đồng bốn dân tộc anh em: Kinh, Chăm, Hoa, Khmer trên vùng biên giới của tỉnh An Giang lại sắm sửa, dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa để đón một mùa xuân mới.