Trường hợp nào thì được chuyển đổi giới tính?
VOV.VN -ĐBQH đề nghị quy định trong Bộ luật Dân sự (sửa đổi) điều kiện nào thì có thể chuyển đổi giới tính, tránh quy định chung chung.
Phát biểu về quyền xác định lại giới tính và quyền thay đổi giới tính, được quy định tại Điều 36, 37 Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đang được kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Thanh (Hà Nội) cho biết, quyền chuyển đổi giới tính và xác định lại giới tính là quyền con người, quyền công dân. Khi một người không được sống thực với giới tính của mình, họ có quyền thực hiện quyền chuyển đổi.
Đây cũng là một thực tế trong xã hội hiện nay mà chúng ta không thể bỏ qua. Tất nhiên việc chuyển đổi giới tính sẽ kéo theo nhiều vấn đề liên quan như y tế, bảo hiểm, hôn nhân gia đình...
Để đảm bảo chặt chẽ, tránh trường hợp lạm dụng dễ thay đổi, đại biểu đề nghị quy định ngay trong bộ luật này, điều kiện nào thì có thể chuyển đổi giới tính, tránh quy định như hiện nay trong dự thảo rất chung chung, đó là “việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật”.
“Tôi không thấy có một giải thích gì khác về quy định của luật mà trong luật này không có giải thích gì. Vì vậy, tôi đề nghị cần thiết phải quy định về điều kiện là phải được cơ quan y tế có thẩm quyền xác định có sự mâu thuẫn về giới tính trong một cá nhân cần có sự can thiệp của y học để chuyển đổi đã được tư vấn về tâm lý và y tế. Đồng thời, cũng bổ sung quy định về các trường hợp cấm chuyển đổi giới tính để người dự định chuyển giới có sự cân nhắc kỹ, tránh lạm dụng” – bà Thanh nói.
Về quy định về trách nhiệm đăng ký hộ tịch trong trường hợp xác định lại giới tính ở Khoản 3 Điều 36, theo đại biểu, cần đảm bảo tính thống nhất với Luật hộ tịch ở Điều 2 và Điều 30.
Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và trách nhiệm thông báo có sự thay đổi về hộ tịch, trong đó có xác định lại giới tính thuộc về tòa án nhân dân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo bằng văn bản kèm theo trích lục bản án, bản sao quyết định đến Ủy ban nhân dân nơi đã đăng ký hộ tịch của cá nhân để ghi vào hộ tịch không phải thuộc trách nhiệm của cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính như ở Khoản 3, Điều 36.
Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cũng thừa nhận: Đối với việc chuyển đổi giới tính quy định tại Điều 37 chưa xác định rõ là có thừa nhận việc chuyển đổi giới tính hay không, mà mới chỉ đặt ra việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Trong khi chúng ta chưa có luật này và khi nào có luật này thì còn phải chờ thời gian.
Vậy trong khi chưa có luật, những người chuyển đổi giới tính và chắc chắn sẽ chuyển vì đây là một thực trạng xã hội đang phát triển. Nếu người này yêu cầu Tòa án giải quyết các yêu cầu của họ thì Tòa án cũng không được từ chối. Như vậy sẽ gây khó khăn cho tòa án.
“Tôi cho rằng chúng ta nên thừa nhận hiện tượng này vào một đạo luật cụ thể sẽ điều chỉnh những trường hợp chuyển đổi giới tính. Trong khi đạo luật đó chưa ban hành thì quyền và nghĩa vụ của những người chuyển đổi giới tính sẽ được giải quyết như quy định tại Điều 37 của dự thảo”./.
Điều 36: Quyền xác định lại giới tính
1. Cá nhân có quyền xác định lại giới tính.
Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới tính.
2. Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật.
3. Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có trách nhiệm đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.
Điều 37: Chuyển đổi giới tính
Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.