Đi không dấu

Mới hay sợi tóc đàn bà/Trói trâu, trâu chết, kéo nhà, nhà xiêu!  

Hà Nội ngày 8/1/2009

Gửi mẹ cái Mùa!

Mấy hôm rày, tôi buồn quá bu nó ạ. Buồn mà chẳng biết chia sẻ cùng ai. Thôi thì lại trút vào bu nó vậy.

Những ngày cuối năm, các cơ quan tổng kết, đánh chén lu bù. Suốt ngày, tôi chở khách đi nhà nghỉ. Họ đều là Sếp ở các cấp cơ sở, có ô tô rất hoành tráng, nhưng lại bỏ xe hơi, đi xe ôm. Đi một cách bí mật, như lính mình ngày xưa: Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng. Thực ra, họ chỉ đi không dấu thôi. Thế nên họ mới bỏ ô tô, đi xe ôm. Còn nói thì không. Họ nói oang oang, nói như một mình giữa giời. Hoặc họ coi tôi như cục đá, vô tri vô giác.

Có lão béo ị ngồi sau lưng tôi, mở di động: “Cưng đấy à? Anh nhớ em lắm. Nhưng công việc cuối năm lu bù. Tối nay anh không về nhà đâu. Phải giải quyết hết các việc tồn đọng. Anh nhớ em lắm. Vắng em không ngủ được. Thôi để dành. Mai anh về, chỉ nghĩ đến thế, anh đã thấy rạo rực!”. Thế mà ngoắt một cái: “Em đến ngay nhé. Anh chờ em ở nhà nghỉ Tiên Dung. Bao lâu rồi không gặp. Nhịn mãi. Hôm nay cho anh truy lĩnh nhé. Ai cơ? Mụ vợ anh ấy à? Chết rồi. Sống cũng như chết. Anh tê liệt chẳng có cảm xúc gì. Thật đấy. Đúng là một địa ngục trần gian!”.

Kinh khiếp. Tôi không dám tin vào tai mình. Ông này tôi không nhớ tên. Nhưng thấy có lần ông ấy nhận cúp thành đạt rồi phát biểu trên ti vi. Tới cửa nhà nghỉ, ông ta không thèm nhìn tôi, không hỏi giá cả, vốc cả một nắm tiền trả tôi mà không cần đếm. Bồ đang chờ ở phòng 306, tầng hai. Thế đấy bu nó ạ.

Nhiều khi người ta hẹn nhau ngay cả ban ngày. Đấy là giờ ăn trưa. Nhiều người tỏ ra rất mẫn cán với gia đình, tối nào cũng về sớm, như ông chồng, bà vợ chuẩn mực, nhưng buổi trưa thì đi hoang. Đời sống công chức thế đấy. Chán quá.

Nhiều khi tôi thấy kinh tởm cái nghề của tôi, cái xe của tôi đã tiếp tay cho những tệ nạn công sở. Nhưng biết làm sao được. Thời mở cửa mà. Bác giáo Bình đọc cho tôi nghe một bài thơ của một ông nhà thơ nghe nói cũng nổi tiếng lắm. “Trời cho nhan sắc hơn người/Chị tôi cùng thủ trưởng tôi cập bồ/Khi xoắn xuýt, lúc bơ phờ/Người nhàu váy ngắn, kẻ trơ thân gầy/ Chị tôi đi Nhật, đi Tây/Muốn gì thì sẽ được ngay cái gì/Cơ quan cứ thế mà suy/Trong thì chán nản, ngoài thì kêu ca/Mới hay sợi tóc đàn bà/Trói trâu, trâu chết, kéo nhà, nhà xiêu!”. Khiếp!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên