Hình áo thế nào thì hình người thế ấy

Bác giáo Bình nói với tôi rằng, khi tới thăm một ai đó, bác ấy hay tò mò nhìn ngắm đồ đạc, bày đặt trong nhà. Đó là những ngôn ngữ không lời, đang nói về ông chủ.

Ngày 15/1/2009

Gửi mẹ cái Mùa!

Bác giáo Bình nói với tôi rằng, khi tới thăm một ai đó, bác ấy hay tò mò nhìn ngắm đồ đạc, bày đặt trong nhà. Đó là những ngôn ngữ không lời, đang nói về ông chủ. Nói bằng sự im lặng. Nhưng ta có thể hiểu ông chủ là người thế nào? Trình độ văn hoá và tính cách ra sao? Và rồi cả số phận của ông ta nữa. Có lẽ vì thế, có những ông thày bói xem tướng người, lại không thèm nhìn mặt, nhìn bàn tay, mà chỉ lật cái giày lên, xem độ mòn, góc mòn của đế giày, thế là đã có thể phán vanh vách về ông chủ. Nghe cứ lạnh cả người! Nhà thơ Phạm Tiến Duật bảo: Hình áo thế nào thì hình người thế ấy. Đúng thật. Chỉ nhìn cái áo ta biết được con người.

Cái chợ chính là tấm áo của một vùng quê. Chỉ cần qua chợ, ta có thể biết được đời sống của cả một vùng. Bà con đã phồn thịnh hay vẫn còn đói rét. Người quê nghèo, nên cái chợ cũng nghèo. Chợ họp trên bãi đất trống chênh như nghĩa địa. Người ta cắm mấy que tre, gác lên một tấm phên lợp bằng lá mía khô. Thế là thành quán chợ. Hàng hoá tồng tềnh toàn những thứ rẻ tiền. Mớ dây khoai, vài củ sắn, rổ ngô luộc, chục trứng vịt. Rồi con gà, con ngan. Mẹt hàng xén lồng cồng vài cuộn chỉ xanh đỏ, mấy cái cúc bấm, vài xâu kim băng.

Ngày Tết vui hơn, tấp nập hơn thì có gạo nếp, lá dong, những mớ mùi già để đun nước rửa mặt vào sáng sớm ngày Ba mươi, Mùng một. Rồi tranh. Những cỗ bài tam cúc. Rồi câu đối và hoa. Câu đối là những băng giấy màu in sẵn những câu khẩu hiệu tuyên truyền sinh đẻ có kế hoạch, hoặc những kinh nghiệm sản xuất, gieo cấy. Còn hoa cắt bằng giấy màu, gồm nhiều hình tròn lồng vào nhau, dán lên rảnh cật tre. Người quê bảo đấy là hoa đồng tiền. Ai cắm hoa ấy lên bàn thờ, cũng mong năm mới, tiền bạc ùa vào nhà như nước.

Tôi qua chợ. Ông cụ bán giá đỗ. Ông cụ không đong giá vào rổ, mà lại úp cái rổ xuống, ấn lõm một khoảng đít rổ rồi lấy đó đựng giá đỗ. Rổ giá đỗ đầy lùm. Trông thật vui mắt. Tôi cười, trêu ông cụ: “Chết thật, cụ nhầm rồi. Miệng rổ đây cơ mà. Sao cụ lại đong giá bằng đít rổ ?” Ông cụ móm mém cười, vẻ lúng túng, ngượng ngập như vừa làm một việc gian dối bị bắt quả tang. Thế là cụ bốc thêm cho tôi bao nhiêu giá đỗ. Phần thêm có khi còn nhiều hơn cả phần bán. Người quê thế đấy bu nó ạ. Tôi ước gì tất cả dân phố đều hóa người quê./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên