Liều thuốc tinh thần

Người bệnh có khi không chết vì HIV mà chết vì sự khinh miệt, kỳ thị của người đời

Ngày 2/12/2008

Gửi mẹ cái Mùa!

Bu nó cứ nhiều lần đe tôi: “Bố nó ra thành phố, chốn phồn hoa đô hội. Làm gì thì làm, chớ có trác táng, kẻo rồi lại vác mấy con ếch (AIDS) về làng, làm khổ vợ khổ con. Ếch đồng làng thì ngon, ếch thiên hạ thì độc. Không xơi cũng chết. Mà chết cả nhà!”.

Khổ! Bu nó làm như tôi đồi trụy lắm. Tôi già rồi. “Về hưu” từng bộ phận rồi. Răng muốn trắng lại đen. Tóc muốn đen lại bạc. Bu nó còn lạ gì. Mà HIV thì chỉ lây nhiễm qua đường trác táng. Tất nhiên cũng có những người tử tế, chung thủy mà vẫn oan gia. Căn bệnh thế kỷ này đã lan tràn khắp mọi xó xỉnh, đâu phải chỉ có ở thành phố.

Đối với những người không may mắc bệnh, cũng cần có cái nhìn cảm thông, chia sẻ, đừng kỳ thị. Người bệnh có khi không chết vì HIV mà chết vì sự khinh miệt, kỳ thị của người đời.

Thì đã từng có một cô giáo ở trường tiểu học Hoành Bồ. Cô giáo sinh một cháu trai đầu lòng rất kháu khỉnh, nhưng do sự bất cẩn của thầy thuốc xét nghiệm, lại bảo cô giáo nhiễm HIV. Thế là chồng nghi ngờ. Gia đình chồng hắt hủi. Bố mẹ đẻ cũng xa lánh. Thằng bé khát sữa mà chẳng có ai chăm, rốt cuộc sau ba ngày nó đã chết đói. Còn mẹ nó thì sống dở chết dở. Lúc ấy, cô giáo đáng thương đó mới hiểu thế nào là địa ngục trần gian.

Khi được xét nghiệm lại, mới hay cô giáo chẳng có làm sao cả. Chỉ do sơ suất, kém cỏi của bác sĩ xét nghiệm. Hiểu ra được mọi điều thì tất cả đã quá muộn. Thằng bé đã chết. Cô giáo cũng chẳng còn là một cơ thể sống, dù hàng ngày vẫn thở. Người ta chết bằng thể xác không kinh khiếp như chết trong cõi tinh thần.

Bao giờ người đời mới hết dị nghị và vơi đi nỗi ghẻ lạnh với những người không may nhiễm căn bệnh thế kỷ HIV? Bu nó có nghe Đài và xem truyền hình không? Hồi ông Bin Clintơn sang Việt Nam, tôi thấy ông ấy rất ấn tượng không phải với tư cách Tổng thống một đất nước siêu cường mà là một người bình thường. Ông ấy bắt tay thân mật và ngồi bên cạnh cô gái nhiễm HIV Nguyễn Thị Huệ, người rất tích cực hoạt động giúp những người cùng cảnh ngộ hòa nhập với cộng đồng.

Trong con mắt của ông, cũng như của người thân trong gia đình và làng xóm, cô gái ấy hoàn toàn bình thường. Chính sự hòa nhập ấy đã cho người bệnh những thang thuốc tiên. Cô gái ấy khỏe mạnh và sống được đến bây giờ chính là nhờ thang thuốc kỳ diệu ấy đấy. Có thể xem đó như một phép lạ thường ngày./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên