UBND TP Buôn Ma Thuột phản hồi thông tin đăng trên Báo điện tử VOV
VOV.VN -UBND TP Buôn Ma Thuột phản hồi thông tin về bài viết: “Hồ xử lý nước thải hiện đại ở Đắk Lắk khiến 600 hộ dân chịu ô nhiễm” đăng trên Báo điện tử VOV.
UBND TP Buôn Ma Thuột vừa có báo cáo về việc phản hồi thông tin phản ánh của Báo Điện tử VOV ngày 2/8/2018 với bài viết: “Hồ xử lý nước thải hiện đại ở Đắk Lắk khiến 600 hộ dân chịu ô nhiễm”.
Văn bản phản hồi cho biết, Nhà máy Xử lý nước thải tập trung (viết tắt Nhà máy XLNT) là một trong những hạng mục công trình được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt thiết kế kỹ thuật thi công. Công trình do Công ty TNHH MTV Đô thị và Môi trường Đắk Lắk làm chủ đầu tư.
Trên cơ sở Quyết định của Bộ Khoa học Công nghệ Môi trường về phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án "Thoát nước và Vệ sinh môi trường TP Buôn Ma Thuột" và quyết định của UBND tỉnh Đắk Lắk về việc phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án mở rộng hệ thống thoát nước mưa, nước thải và đầu nối hộ gia đình TP Buôn Ma Thuột.
Theo đó, Nhà máy XLNT sẽ phát sinh ra mùi hôi cho những vùng lân cận trong bán kính 50-10m. Vì vậy cần có giải pháp ngăn ngừa xử lý mùi hôi phát tán bằng vùng đệm cách ly Nhà máy XLNT.
Năm 2012, UBND tỉnh phê duyệt đồ án quy hoạch vùng đệm Nhà máy XLNT với tổng diện tích quy hoạch là 46,6ha, trong đó vùng cây xanh cách ly là 12,73ha, vùng hạn chế xây dựng là 33,87ha nhằm từng bước hoàn thiện theo đúng yêu cầu kỹ thuật và bảo vệ môi trường đô thị.
UBND TP Buôn Ma Thuột cho biết, trong quá trình vận hành Công ty TNHH MTV Đô thị và Môi trường Đắk Lắk là đơn vị quản lý vận hành đã tuân thủ đầy đủ quy trình vận hành như: Thực hiện trồng cây xanh cho toàn bộ khu vực nhà máy, đặc biệt cho vùng đệm với khoảng cách 50m tính từ vùng phát tán mùi hôi nhiều nhất (công trình thu và hồ kỵ khí); định kỳ nạo vét bùn thải hồ kỵ khí theo quy trình.
Các hồ chứa nước thải lộ thiên là nguyên nhân gây ô nhiễm cho người dân |
Sau khi nhà máy đi vào vận hành, năm 2009, đơn vị quản lý vận hành có nhận được phản ánh của người dân, cùng công ty Tư vấn Carl Broa/s là đơn vị thiết kế tìm thêm giải pháp để giảm thiểu sự phát tán mùi hôi bằng sản phẩm khử mùi L2100CHV với liều lượng 2 lít/ngày, bổ sung chế phẩm sinh học để hạn chế mùi hôi.
Với phương pháp này chỉ hạn chế phần rất nhỏ mùi hôi chứ không khống chế hoàn toàn được mùi hôi bốc ra từ vị trí phát sinh mùi là công trình thu và 2 hồ kỵ khí của nhà máy.
UBND TP Buôn Ma Thuột cũng đề cập vấn đề khó khăn trong quá trình quản lý, thực hiện quy hoạch vùng đệm. Theo đó, sau khi có quy hoạch được phê duyệt, đơn vị quản lý vận hành đã thực hiện công bố, cắm mốc quy hoạch để quản lý. Đất khu vực vùng đệm chủ yếu là đất nông nghiệp trồng cà phê.
Theo số liệu khảo sát sơ bộ thể hiện tại báo cáo ĐTM năm 2008 có khoảng 23 hộ dân đang sống trong đường kính 100m từ khu vực xử lý nước thải. Do ngân sách tỉnh chưa có khả năng bố trí vốn để thực hiện giải phóng mặt bằng, di dời dân ra khỏi phạm vi vùng đệm nhằm đảm bảo ổn định cuộc sống và tránh ảnh hưởng đến sức khỏe do mùi hôi phát tán từ nhà máy nên việc triển khai bổ sung thêm trồng cây xanh trong vùng đệm chưa thực hiện.
Khó khăn về quản lý đất đai xây dựng của người dân: Tại thời điểm triển khai dự án, khu vực vùng đệm chỉ có 23 hộ dân chủ yếu sinh sống trên đất nông nghiệp. Tình trạng xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp những năm trước đây chưa được quản lý chặt chẽ, đến nay, tổng số hộ dân hiện đang sinh sống trong khu vực vùng đệm khoảng 140 hộ thuộc các tổ liên gia 53, 54, 54A-TDP 6, phường Thành Nhất với tổng nhân khẩu khoảng 420 người.
Một số hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong đó có đất ở đô thị. Việc tăng thêm số hộ dân đã làm giảm đi diện tích đất nông nghiệp, giảm đi số lượng cây trồng (cà phê, cây ăn quả) trong vùng đệm cũng làm tăng thêm khả năng phát tán mùi hôi đi xa hơn.
Trước những vấn đề trên, UBND TP Buôn Ma Thuột đã đưa ra các giải pháp thực hiện để khắc phục. Theo đó, đối với đơn vị vận hành là tăng cường công tác quản lý, vận hành Nhà máy xử lý nước thải đảm bảo đúng quy trình; Tiếp tục phun chế phẩm khử mùi L2100CHV vào thời điểm chuyển mùa, nhất là khi thời tiết thay đổi từ nắng chuyển qua mưa, gió. Bên cạnh đó là tăng cường trồng và chăm sóc cây xanh trong vùng đệm để giảm thiểu phát tán mùi hôi.
Đối với UBND phường Thành Nhất: Tăng cường công tác quản lý sử dụng đất trong vùng đệm và các vùng lân cận để tránh trường hợp phát sinh thêm hộ dân sinh sống, xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp.
Trong thời gian tới, UBND TP Buôn Ma Thuột tiếp tục tham khảo các chuyên gia trong lĩnh vực nước thải để được tư vấn biện pháp giảm thiểu tối đa mùi hôi phát rra từ nhà máy. Kiến nghị UBND tỉnh bố trí vốn để thực hiện theo quy hoạch vùng đệm đã được phê duyệt tại Quyết định số 2085/QĐ-UBND ngày 13/9/2012, di dời hộ dân đang sinh sống ra khỏi phạm vi vùng đệm nhằm đảm bảo ổn định cuộc sống và tránh ảnh hưởng đến sức khỏe do mùi hôi. Đối với đất nông nghiệp của hộ dân, người dân vẫn tiếp tục quản lý trồng cây nông nghiệp./.
Hồ xử lý nước thải “hiện đại” ở Đắk Lắk khiến 600 hộ dân chịu ô nhiễm