Vụ cưỡng chế đất: "Cơ quan tố tụng cần khách quan khi xử lý"

MTTQ Việt Nam đề nghị các cơ quan tố tụng địa phương cần khách quan, không vì sự manh động của ông Vươn và những người liên quan mà có sự thiên vị trong quá trình giải quyết. 

Theo ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trong phiên họp do Thủ tướng chủ trì về vụ cưỡng chế, thu hồi đất ở Tiên Lãng (Hải Phòng), Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã kiến nghị làm rõ các quyết định giao đất, quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng đối với gia đình ông Đoàn Văn Vươn và các hộ khác tương tự đã đúng  pháp luật chưa?

Ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Uỷ ban TW MTTQ Việt Nam

MTTQ Việt Nam cũng nhận định, các quyết định giao đất, thu hồi đất trong vụ việc này là vi phạm pháp luật về đất đai. 

MTTQ Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh thời hạn giao đất 20 năm theo Luật đất đai năm 1993 đã sắp hết, nhân dân rất mong muốn Nhà nước có quan điểm và thái độ rõ ràng để hàng triệu hộ gia đình yên tâm sản xuất trên diện tích đất đã được giao. Chính vì thế việc đánh giá đúng sai trong các quyết định giao đất của huyện Tiên Lãng không chỉ bó hẹp trong vụ việc này mà có ý nghĩa to lớn về kinh tế - xã hội trong phạm vi cả nước.

Theo MTTQ Việt Nam, việc huyện Tiên Lãng tổ chức cưỡng chế không tuân thủ đúng trình tự theo quy định pháp luật đã được ông Nguyễn Văn Thành, Bí thư Thành uỷ Hải Phòng nêu rõ trong cuộc họp báo ngày 7/2.

Hơn thế nữa, việc huy động một lực lượng lớn, nhất là huy động cả lực lượng quân đội để cưỡng chế một gia đình chỉ có mấy người đã gây nhiều bức xúc cho công luận. Như vậy sự sai phạm cũng đã rõ ràng.

Mặt khác, một số cán bộ của thành phố, huyện, xã lại có những phát ngôn thể hiện sự quan liêu hoặc thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm, coi thường người khác gây bất bình và mất lòng tin cho nhân dân.

MTTQ Việt Nam cho rằng, đến nay, về cơ bản đã khá rõ ai là người ra lệnh, ai là người trực tiếp thực hiện việc huỷ hoạt tài sản của gia đình ông Vươn. MTTQ Việt Nam hoan nghênh lãnh đạo thành phố Hải Phòng đã yêu cầu khởi tố vụ án và Công an Hải Phòng đang tiến hành điều tra.

Tuy nhiên, MTTQ Việt Nam đề nghị các cơ quan tố tụng địa phương cần khách quan, công minh, bình đẳng trong quá trình xử lý việc này; không vì sự manh động của ông Đoàn Văn Vươn và những người liên quan gây tổn thất cho sức khoẻ của cán bộ, chiến sĩ và gây khó dễ cho chính quyền, mà có sự thiên vị trong quá trình giải quyết. 

PV: Thủ tướng vừa có kết luận về vụ cưỡng chế, thu hồi đất ở Tiên Lãng (Hải Phòng). Ông bình luận gì về kết luận của Thủ tướng?

Ông Nguyễn Văn Pha: Các nội dung kết luận của Thủ tướng rất rõ ràng, cụ thể và đúng đắn, có lý, có tình. Trong quá trình chỉ đạo xử lý việc này, Thủ tướng cũng luôn tôn trọng, lắng nghe ý kiến của các cơ quan thông tin đại chúng, của các vị lãnh đạo lão thành, của các chuyên gia, lắng nghe ý kiến giám sát, phản biện của Mặt trận và một số tổ chức thành viên Mặt trận.

Tôi đánh giá cao phong cách làm việc của Thủ tướng cũng như ý thức trách nhiệm của Thủ tướng với tư cách là người đứng đầu Chính phủ trong việc giải quyết vụ việc rất phức tạp và nhạy cảm của chính quyền địa phương.

Tôi cũng ghi nhận những tiếp thu của lãnh đạo thành phố Hải Phòng trong cuộc họp vừa qua. Hy vọng với những kết luận đúng đắn, cụ thể của Thủ tướng và quyết tâm cao của lãnh đạo thành phố Hải Phòng, vụ việc sẽ nhanh chóng được giải quyết nhằm sớm ổn định tình hình địa phương và lấy lại niềm tin của nhân dân.

Khu đầm của hộ ông Đoàn Văn Vươn

PV: Qua đây, MTTQ Việt Nam rút ra bài học như thế nào về sự tham gia vào các vụ việc xảy ra ở các địa phương?

Ông Nguyễn Văn Pha: Qua vụ việc này, bài học đầu tiên mà chúng tôi thấy cần phải  rút kinh nghiệm là về xây dựng và thực thi cơ chế chính sách. Đó là Luật đất đai từ năm 1987 đến nay đã 3 lần ban hành mới, 2 lần sửa đổi, bổ sung, hiện có hơn 400 văn bản hướng dẫn thi hành.

Tuy nhiên còn nhiều vấn đề trong thực tiễn các quy định pháp luật không bao quát hết hoặc các quy định chồng chéo, mâu thuẫn nhưng chậm được bổ sung, sửa đổi. Cán bộ chính quyền các cấp, kể cả cán bộ trực tiếp trong lĩnh vực đất đai ở nhiều nơi năng lực còn hạn chế, không nắm vững các quy định pháp luật, kể cả những quy định hết sức cơ bản như thời hạn giao đất, thời điểm giao đất… nên dẫn đến có những sai sót rất đáng tiếc.

Bài học thứ hai là về đạo đức, thái độ, phép ứng xử của cán bộ, nhất là đối với các tình huống phức tạp, nhạy cảm. Khi có tình hình phức tạp xảy ra, người cán bộ phải biết bình tĩnh, biết lắng nghe ý kiến dư luận và nhân dân; không tìm cách thoái thác trách nhiệm và đặc biệt là không thể đơn giản phát ngôn khi chưa có đầy đủ thông tin cần thiết.

Bài học thứ 3 là về công tác dân vận trong hệ thống chính trị. Một số người hiểu không đúng, cho rằng công tác dân vận là của cơ quan dân vận của Đảng, của MTTQ và các đoàn thể nhân dân, mà không biết rằng đây là công tác của tất cả các cơ quan trong hệ thống chính trị, thậm chí càng là cán bộ chính quyền càng phải làm công tác dân vận tốt vì lĩnh vực công tác của mình có liên quan trực tiếp đến cuộc sống, đến danh dự, nhân phẩm của người dân.

Khi có sự việc liên quan đến dân xảy ra trên địa bàn thì cán bộ dân vận, Mặt trận, đoàn thể phải là những người chủ động xuống dân trước, phải biết trân trọng, lắng nghe dân, phải tìm hiểu, nắm bắt sự việc một cách khách quan, tường tận. Từ đó mới có đủ điều kiện để tham mưu cho cấp uỷ và phối hợp với chính quyền xử lý.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Tin, bài liên quan  
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên