Vụ giết 4 người thân ở Hải Dương: Ai quản lý người tâm thần?
VOV.VN -Có khoảng 154.000 người mắc bệnh tâm thần có hành vi gây nguy hiểm cho gia đình, cộng đồng, có thể gây án bất cứ lúc nào.
Vụ án Phạm Duy Quý giết chết 4 người thân rồi tự tử xảy ra tại xã Phượng Hoàng, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương mới đây một lần nữa báo động về tình trạng người tâm thần gây án. Trước đó, hàng chục vụ giết người tương tự đã xảy ra ở nhiều địa phương khiến dư luận đặt câu hỏi: Ai có trách nhiệm quản lý người tâm thần ở cộng đồng?. Vấn đề này dường như vẫn chưa có câu trả lời, vì nước ta hiện chưa có luật về sức khỏe tâm thần và hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần vẫn chưa phát triển.
Khoa cấp tính Nam và Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1) thường xuyên điều trị cho gần 70 bệnh nhân nặng. Những y bác sỹ ở đây luôn phải đề phòng những hành vi nguy hiểm khi chứng hoang tưởng và ảo giác của bệnh nhân xuất hiện bất cứ lúc nào. Đã thành thói quen, việc thăm khám bệnh nhân phải ở khoảng cách chừng 1m, bởi bác sỹ bất ngờ bị bệnh nhân tấn công là chuyện bình thường.
Bác sỹ Nguyễn Quang Ánh, Phó Trưởng khoa cấp tính Nam và Hồi sức cấp cứu cho biết, nhiều bệnh nhân sau khi thuyên giảm được gia đình đưa về, nhưng hiện có không ít bệnh nhân nặng đang bị "bỏ rơi". Có người bệnh đã ở khoa đã hơn 2 năm mà bệnh viện không biết trả về đâu.
Nhìn những bệnh nhân đi dạo trong khuôn viên bệnh viện, bác sỹ Ánh cho biết: Trước đây, những bệnh nhân hết đợt điều trị mà người nhà chưa đến đón thì bệnh viện điều xe chở về tận nơi giao cho gia đình hoặc chính quyền địa phương, nhưng nay, do thiếu kinh phí nên việc này không được thực hiện. Chuyện gia đình và địa phương không muốn tiếp nhận bệnh nhân tâm thần nặng ngoài lý do kinh tế khó khăn còn vì tâm lý e ngại lúc bệnh nhân tái phát bất thường, bỏ đi lang thang, đập phá tài sản, đòi tự tử hoặc gây án giết người.
Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước hiện có trên 13 triệu người (chiếm 15% dân số) đã và đang mắc 10 chứng rối loạn tâm thần, trong đó có khoảng 4.000 bệnh nhân bị bệnh tâm thần mãn tính, sa sút, không khỏi hẳn được. Đặc biệt những bệnh nhân tâm thần mãn tính này thường có hành vi nguy hiểm đến cộng đồng nhưng lại đi lang thang ngoài đường hoặc bị nhốt, xích tại các gia đình...
Đây là con số rất đáng báo động sau vụ án gây chấn động dư luận mà một thanh niên từng có biểu hiện tâm thần đã chém chết cả 4 người ruột thịt trong gia đình mình tại xã Phượng Hoàng, huyện Thanh Hà (Hải Dương) ngày 3/8 vừa qua.
Cũng theo ông La Đức Cương, hiện nước ta chưa có luật về sức khỏe tâm thần nên chưa ràng buộc trách nhiệm của chính quyền địa phương, gia đình và cộng đồng trong quản lý người mắc bệnh. Mặc dù trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh có quy định chữa bệnh bắt buộc đối với những trường hợp bệnh nhân bị kích động mạnh, trầm cảm có ý tưởng hành vi tự sát hoặc có dấu hiệu nguy hiểm tại cộng đồng; nhưng chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cụ thể ai là người có trách nhiệm đưa đối tượng đó đến cơ sở y tế.
Trong khi đó, ông Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, hiện nước ta có khoảng 154.000 người mắc bệnh tâm thần có hành vi gây nguy hiểm cho gia đình, cộng đồng, có thể gây án bất cứ lúc nào.
Còn theo bà Nguyễn Thị Thụy, Trưởng phòng Quản lý công chứng, giám định tư pháp, (Bộ Tư pháp) thì việc quản lý bệnh nhân tâm thần hiện nay còn nhiều lỗ hổng: “Tôi thấy ở đây liên quan đến chính sách rất lớn về chăm sóc sức khỏe tâm thần cho cộng đồng, chế độ quản lý các bệnh nhân tâm thần, cơ chế quản lý đối tượng tâm thần sau khi điều trị ổn định… để hạn chế việc họ bị tái phát và có thể gây những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội. Bên cạnh đó, chế độ quản lý đối với đối tượng tâm thần điều trị bắt buộc cũng rất quan trọng, để đối tượng thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không lợi dụng chính sách khoan hồng của pháp luật”.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh nhân tâm thần ở nước ta đang có xu hướng ngày càng tăng do áp lực công việc, ô nhiễm môi trường, tai nạn thương tích, sự chuyển dịch cơ cấu bệnh lý và tỷ lệ nghiện ma túy, nghiện rượu, nghiện game ngày một tăng. Đặc biệt, theo báo cáo của Vụ Công tác học sinh sinh viên (Bộ Giáo dục và đào tạo) hiện có hơn 20% học sinh có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Chỉ riêng thành phố Hà Nội đã có tới hơn 20.000 bệnh nhân tâm thần đang sống ở cộng đồng.
Rõ ràng, không một cơ sở y tế nào đủ chỗ để điều trị tập trung suốt đời cho tất cả những bệnh nhân tâm thần. Do vậy, những bệnh nhân tâm thần mãn tính sau mỗi đợt điều trị phải trở về cộng đồng để được quản lý và uống thuốc. Và thực tế đã xảy ra nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng do người tâm thần gây ra khiến người dân cảm thấy bất an.
Vậy cơ quan nào có trách nhiệm quản lý những bệnh nhân này? Liệu những vụ án mạng gây hoang mang dư luận như ở Hải Dương vừa qua có còn tiếp tục diễn ra?./.