​Vùng sâu Gia Lai với nỗi lo trẻ tựu trường trong mùa mưa lũ

VOV.VN - Thời điểm chuẩn bị bước vào mùa tựu trường, cũng là mùa cao điểm mưa lũ ở Gia Lai, nhiều phụ huynh học sinh trong vùng lo lắng an toàn cho con đi học.

Ngày  tựu trường đã cận kề nhưng các phụ huynh, học sinh và thầy cô giáo ở các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh Gia Lai vẫn còn nhiều nỗi lo. Một số khu vực, để đến trường, trẻ em vẫn phải lội qua suối, nguy hiểm luôn rình rập, nhất là đang trong cao điểm mùa mưa lũ.

Thầy giáo Nguyễn Gia Cường vận động phụ huynh cho con tới lớp.

Anh Siu Phưr, làng Glung, xã Yang Nam, chở theo con gái trên chiếc xe máy, đến suối Lơ Pơ, anh dừng lại ít giây vì mực nước khá cao mà suối lại rộng, nhưng rồi anh vẫn quyết định điều khiển xe vượt qua suối.

Sau một hồi vật lộn với dòng nước, xe cũng qua được suối, cả hai cha con anh Phưr thở phào. Anh Phưr cho biết, muốn cho con đi học hay đi ra trung tâm xã, huyện thì bà con đều căn mực nước suối.

“Nước lớn sợ qua chết người, nguy hiểm. Lúc nước nhỏ thì qua được, khi nước lớn không qua được. Mong Nhà nước làm  cây cầu cho thầy cô đi dạy, cho em học sinh đi học đều”, anh Siu Phưr nói.

Suối Lơ Pơ là  nỗi lo thường trực mùa tựu trường ở xã Yang Nam.

Đứng trên bờ suối, bà Kpă H’tech, làng Glung, xã Yang Nam, cho biết, vào những ngày mưa lũ, nước suối dâng cao thì giao thông qua đây bị chia cắt. Nhiều khi, đến cả tuần, thậm chí nửa tháng bà con không qua được suối.

Vì thế, việc học của trẻ em trong vùng cũng thất thường theo nước lũ. Thời điểm này chuẩn bị bước vào mùa tựu trường, cũng là mùa cao điểm mưa lũ, như bao phụ huynh khác trong vùng.

“Lo lắng cho con, lúc mưa to không cho con đi học, sợ nước suối to, nhanh lắm, vài tiếng đồng hồ ào một phát vậy. Có khi nghỉ mấy tuần, nước rút đi mới đi được. Thầy cô dạy trong làng cũng không đi qua được mà. Mùa đây đến tháng 10, 11 mới hết nước to. Cũng lo cho con, muốn có cầu để cho con đi học đều, đầy đủ”, bà Kpă H’tech rất lo lắng cho con em mình.

Hai  cha con anh Siu Phưr vượt suối Lơ  Pơ.

Ở hướng Đông Nam xã Yang Nam, bên kia con suối Lơ Pơ có 3 làng dân tộc Jarai sinh sống. Để tạo điều kiện cho học sinh bậc tiểu học, ngành giáo dục địa phương đã xây dựng 3 điểm trường tiểu học ở 3 làng phục vụ dạy và học cho hơn 200 em.

Thầy giáo Nguyễn Gia Cường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Nhạc, xã Yang Nam cho biết, vào những ngày mưa lũ, nước suối dâng cao, thì các em cũng buộc phải nghỉ học. Lý do là vì thầy cô giáo cũng không thể vượt suối đến các điểm trường.

Việc học của trẻ em 3 làng Jarai ở xã Yang Nam thất thường theo nước lũ.

“Suối ở đây, nước thì lên rất nhanh nhưng xuống cũng chậm. Khi mưa lớn quá các thầy cô sẽ không sang được buổi hôm đó. Giải pháp thì, khi mà nước lớn quá không qua được thì các thầy cô phải dạy thứ 7, chủ nhật, thậm chí phải học cả ngày mới kịp chương trình”, thầy giáo Nguyễn Gia Cường cho biết.

Đối với bậc trung học cơ sở, tại xã Yang Nam đã xây dựng mô hình trường bán trú. Cô giáo Nguyễn Thị Tường, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trần Quang Diệu, xã Yang Nam, cho biết, mô hình bán trú được huyện, xã và trường linh động duy trì như hình thức nội trú, có nhà ở, nhà ăn cho các em.

Tuy nhiên, do nguồn vốn hạn hẹp, việc đầu tư nhà ở bán trú mới chỉ đáp ứng được cho tối đa 60 học sinh. Trong khi, năm học mới này, trường có gần 200 học sinh.

Người dân xã Yang Nam đang rất mong có được cây cầu xây kiên cố.

Nhiều học sinh ở các làng bên kia suối vẫn về nhà sau các buổi học hoặc cuối tuần mới về nhà nhưng nếu gặp mưa lũ, các em có thể nghỉ cả tuần, nửa tháng. Nghỉ học nhiều dẫn đến các em khó theo chương trình và tình trạng bỏ học đối với học sinh ở các làng bên kia suối diễn ra phổ biến.

“Những em ở lại bán trú, ở các làng bên suối, thứ 7 các em về nhà rồi đến thứ 2 các em đến trường. Nhưng thứ 2 đầu tuần nếu mưa to, nước lớn thì các em cũng không qua được.  Mà nếu như kéo dài cả tuần thì buộc các em đó phải nghỉ học, các em nghỉ học nhiều mất kiến thức đâm ra các em chán. Cho nên số lượng học sinh bỏ học ở bên suối đó thì cao hơn các làng khác”, cô giáo Nguyễn Thị Tường nói.

Trong khi chờ đợi một cây cầu xây kiên cố, vững chãi, suối Lơ Pơ vẫn còn là nỗi lo lớn đối với các bậc phụ huynh, học sinh cũng như ngành giáo dục tại xã vùng sâu Yang Nam, huyện Kông Chro. Nhất là mùa tựu trường cũng là mùa cao điểm mưa lũ, nỗi lo ấy lại càng nhân lên./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nghệ An phân bổ 928 tấn gạo hỗ trợ học sinh miền núi
Nghệ An phân bổ 928 tấn gạo hỗ trợ học sinh miền núi

VOV.VN - Chiều 24/11, UBND tỉnh Nghệ An tiến hành phân bổ gần 928 tấn gạo hỗ trợ học sinh miền núi và dân tộc trong tỉnh.

Nghệ An phân bổ 928 tấn gạo hỗ trợ học sinh miền núi

Nghệ An phân bổ 928 tấn gạo hỗ trợ học sinh miền núi

VOV.VN - Chiều 24/11, UBND tỉnh Nghệ An tiến hành phân bổ gần 928 tấn gạo hỗ trợ học sinh miền núi và dân tộc trong tỉnh.

Quảng Trị: Học sinh miền núi băng sông đến trường
Quảng Trị: Học sinh miền núi băng sông đến trường

VOV.VN - Mỗi khi có trời mưa lớn, nước sông dâng cao các em phải nghỉ học. Thực tế đang diễn ra trong vùng cô lập tại thôn A Liêng, xã Tà Rụt, huyện Đakrông

Quảng Trị: Học sinh miền núi băng sông đến trường

Quảng Trị: Học sinh miền núi băng sông đến trường

VOV.VN - Mỗi khi có trời mưa lớn, nước sông dâng cao các em phải nghỉ học. Thực tế đang diễn ra trong vùng cô lập tại thôn A Liêng, xã Tà Rụt, huyện Đakrông

Khẩn cấp tìm nguyên nhân 20 học sinh miền núi bị bệnh viêm cầu thận
Khẩn cấp tìm nguyên nhân 20 học sinh miền núi bị bệnh viêm cầu thận

VOV.VN - 20 học sinh tại xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong, Nghệ An được phát hiện bệnh viêm cầu thận trong thời gian gần đây và đã có 2 em suy thận nặng tử vong.

Khẩn cấp tìm nguyên nhân 20 học sinh miền núi bị bệnh viêm cầu thận

Khẩn cấp tìm nguyên nhân 20 học sinh miền núi bị bệnh viêm cầu thận

VOV.VN - 20 học sinh tại xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong, Nghệ An được phát hiện bệnh viêm cầu thận trong thời gian gần đây và đã có 2 em suy thận nặng tử vong.