“Vướng” quan hệ, nhiều địa phương khó dẹp xe quá tải
VOV.VN - Việc kiểm tra xe quá tải trên các tuyến giao thông là của CSGT. Ngành giao thông tập trung làm từ gốc là kho hàng, bốc xếp dỡ hàng chống quá tải.
Tại buổi họp ban thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vào chiều 30/11, hàng loạt các vấn khác như xe quá tải, quản lý vùng hoạt động xe điện, xe 4 bánh gắn động cơ, hệ thống biển báo giao thông, cấp giấy phép lái xe... đã được các lực lượng chức năng của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia “mổ xe” và đưa ra các biện pháp giải quyết triệt để.
Kiểm soát tải trọng xe trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Ảnh Phi Long. |
Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đến nay, 31 tỉnh có trạm cân kiểm soát tải trọng xe đã tạm dừng hoạt động. Bộ Giao thông Vận tải và Tổng cục đã có hướng dẫn các tỉnh kiểm tra đột xuất, thường xuyên tải trọng xe.
Tổng cục đã đề nghị thành lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải kết hợp Thanh tra Sở Giao thông Vận tải các địa phương, Tổng cục kiểm tra kích thước thùng hàng xử lý triệt để. Nếu tái vi phạm lần đầu sẽ rút thời gian kiểm định từ 6 tháng xuống 4 tháng (lần 1) còn các lần sau thì sẽ không cho xe đăng kiểm.
“Tại sao Tổng cục vào thì xử lý được xe quá tải vì lý do Thanh tra Sở Giao thông Vận tải lo ngại có ‘bảo kê’ từ chính quyền địa phương nên các tỉnh rất mong Tổng cục tham gia quyết liệt vào làm,” ông Huyện quả quyết.
Ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, Cục Đăng kiểm cũng có các biện pháp ngăn chặn, hỗ trợ xử lý xe vi phạm qua phần mềm cảnh báo xe ngừng kiểm định khi có cơ quan chức năng gửi vi phạm của phương tiện. Toàn bộ phần mềm đã khóa kiểm định xe đó nên không thể kiểm định ở bất cứ trung tâm đăng kiểm nào.
“Qua thanh kiểm tra xe cơi nới thùng, xe quá hạn đăng kiểm cho thấy, phương tiện này thường hoạt động vùng sâu vùng xa nên cần tăng cường công tác liên ngành để xử lý dứt điểm,” ông Hình nói.
Xe quá tải qua trạm cân ở đường vào Khu kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hóa. Ảnh Phi Long. |
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ đề nghị Cục Cảnh sát giao thông có chuyên đề riêng, làm mạnh từng thời điểm. Xe khi vào đăng kiểm đúng theo thiết kế, kích thước nhưng giữa 2 kỳ đăng kiểm thay toàn bộ từ thùng đến logo nên cần phải siết lại.
“Cục Đăng kiểm có hình ảnh chụp, chỉ cần dừng xe đối chiếu đăng kiểm là xử phạt. Nếu đối chiếu theo Nghị định 46 xử phạt xe tải thì không có chủ xe nào dám vi phạm bởi chỉ với 4 lỗi vi phạm cũng đã lên tới hàng trăm triệu, chế tài đủ sức nặng để răn đe”, Thứ trưởng Thọ đánh giá.
Xe quá tải "tung hoành ở khu vực đường Nghi Sơn - Bãi Trành ở Thanh Hóa. Ảnh Phi Long. |
Theo Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tải trọng xe làm cương quyết, kéo giảm xuống chỉ còn xung quanh 10% số lượng xe quá tải. Tuy nhiên, 10% còn lại là vô cùng khó khăn. Nếu thực sự các địa phương không vào cuộc quyết liệt thì khó kéo giảm. Thậm chí, nhiều địa phương mong liên ngành xuống làm vì họ “vướng víu” các mối quan hệ, chưa nói đến tiêu cực trong công tác kiểm soát.
“Việc kiểm tra xe quá tải trên các tuyến giao thông là của Cảnh sát giao thông, còn Thanh tra Giao thông là nơi lên xuống hàng và các chủ phương tiện. Ngành giao thông tập trung làm từ gốc là kho hàng, bốc xếp dỡ hàng”, Bộ trưởng Nghĩa cho hay.
Bộ trưởng cũng đề nghị các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, rà soát công tác đảm bảo vận tải Tết Dương lịch và Nguyên đán do phương tiện đi lại tăng cao, dễ xảy ra tai nạn giao thông. Các địa phương dịp Tết chủ động kế hoạch tăng cường kiểm tra cung cấp các phương tiện giải quyết đi lại của hành khách nhưng cần đưa ra cách thức giảm áp lực của bến xe như tổ chức đưa đón công nhân tại các khu công nghiệp, tàu chạy Tết, quản lý chặt chẽ lưu lượng tàu bay tại 2 sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.../.