Xã nợ dân 200 triệu đồng gần 37 năm
VOV.VN -Xã vay dân tiền để làm đập thủy lợi. Khi công trình được bàn giao cho công ty thuộc tỉnh quản lý, xã buộc phải gánh nợ dân 200 triệu trong 37 năm.
Hai đập thuỷ lợi Triệu Thượng 1 và Triệu Thượng 2 thuộc xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, Quảng Trị có nhiệm vụ tưới cho 193ha lúa, mỗi năm 2 vụ.
Năm 1980, xã xin chủ trương làm đập thủy lợi Triệu Thượng 1 và Triệu Thượng 2, giải quyết nhu cầu nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Công trình thủy lợi Triệu Thượng được cải tạo, nâng cấp và giao Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi Quảng Trị quản lý. |
Để làm công trình này, ngoài nguồn lực của Nhà nước hỗ trợ, xã phải vay của các Hợp tác xã và xã viên.
Nhiều hợp tác xã bán trâu bò để lấy tiền cho UBND xã vay, còn người dân góp thóc và ngày công để xây dựng đập thuỷ lợi.
Chính quyền và người dân thống nhất trả lãi và gốc hàng năm từ nguồn thu thuỷ lợi phí của hai công trình này.
Từ năm 2004, hai đập thuỷ lợi Triệu Thượng 1 và Triệu Thượng 2 được cải tạo, nâng cấp và giao Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi Quảng Trị quản lý.
Thời điểm đó, xã Triệu Thượng vẫn còn nợ 201 triệu đồng. Tuy nhiên, Công ty Khai thác công trình thuỷ lợi Quảng Trị không đồng ý nhận bàn giao số nợ này với lý do đây là công ty công ích, không có nguồn thu nên không thể chi trả nợ.
Trước khi bàn giao, mỗi năm xã Triệu Thượng trích từ thuỷ lợi phí khoảng 30 triệu đồng trả nợ. Khoản nợ đọng này cũng được cử tri phản ánh đến kỳ họp cuối năm, HĐND tỉnh Quảng Trị và kiến nghị tỉnh bố trí nguồn kinh phí cho xã để trả nợ.
Ông Phan Văn Khoa - Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Thượng cho biết, hiện xã không còn quản lý công trình thủy lợi nên không có nguồn thu nào để trả khoản nợ này.
Xã đang kiến nghị UBND tỉnh Quảng Trị hỗ trợ hơn 200 triệu đồng trả khoản nợ mà xã đã huy động của người dân để làm đập thủy lợi Triệu Thượng.
Còn ông Nguyễn Đức Chính - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh sẽ kiểm tra lại việc xã huy động như thế nào, nợ những gì của dân và cần phải trả bao nhiêu
Đập Triệu Thượng trước đây xã làm có huy động sự đóng góp của người dân để tưới tiêu cho vùng lúa. Sau này khi bàn giao cho công ty quản lí thủy nông thì việc bàn giao đó nếu như có bàn giao nợ thì công ty thủy nông phải trả.
“Trong trường hợp công ty thủy nông chưa trả nhưng mà xã có nợ thì phải trích ngân sách ra để trả cho dân, còn nếu là khoản đóng góp thì lại khác”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho hay./.
Nới lỏng chính sách, liệu có bùng nổ dân số trở lại?