Xử lý 40 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng
VOV.VN -Hai tỉnh có số người vi phạm nhiều đó là tỉnh Bình Thuận (7 người); Hậu Giang (6 người).
Sáng nay (23/1), tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ tổ chức họp báo thông tin kết quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng năm 2014 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2015.
Trong năm 2014, Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, toàn ngành đã triển khai trên 7.000 cuộc thanh tra hành chính và gần 234.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện nhiều vi phạm về kinh tế, đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước trên 51.500 tỷ đồng, 1.682 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với trên 2.000 tập thể, trên 15.400 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 55 vụ việc. Trong đó, xử lý 40 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng tại các tỉnh: Lạng Sơn, Điện Biên, Yên Bái, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Bình Định, Cần Thơ, Đồng Nai, Tiền Giang, ngành Tư pháp, ngành Ngân hàng; hai tỉnh có số người vi phạm nhiều đó là tỉnh Bình Thuận (7 người); Hậu Giang (6 người).
Tại buổi họp báo, bên cạnh thông tin về những kết quả hoạt động của ngành thời gian qua, đại diện lãnh đạo Thanh tra Chính phủ tập trung giải đáp những câu hỏi của các cơ quan báo chí liên quan đến các vấn đề như: Kết luận thanh tra một số cuộc thanh tra chuyên đề diện rộng mà ngành đã tiến hành thanh tra; Nguyên nhân và khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận một số cuộc thanh tra thời gian qua, cũng như xử lý trách nhiệm những cá nhân, đơn vị có vi phạm; Kế hoạch thanh tra trong năm 2015 của ngành....
Trả lời câu hỏi liên quan đến việc xem xét việc cần thiết cần thanh tra trách nhiệm đối với năng lực thi công thuộc công trình đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho rằng: hiện nay, chưa có cơ quan có thẩm quyền nào ngoài Bộ Giao thông Vận tải, bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Giao Thông Vận tải cũng đã chỉ đạo quyết liệt và có chuyển biến tích cực. Thanh tra Chính phủ với trách nhiệm quản lý nhà nước sẽ sát sao, và chỉ tiến hành thanh tra khi có dấu hiệu vi phạm thuộc thẩm quyền của ngành.
Về câu hỏi việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty FORMOSA ở Hà Tĩnh với thời hạn 70 năm, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng giải thích: “Hiện nay pháp luật vẫn vênh giữa 50 năm và 70 năm, theo Luật Đầu tư được cấp đến 50 năm, nhưng trong Luật Đất đai lại có chỗ giao đến 70 năm, quan trọng có ảnh hưởng đến môi trường, tác động đến phát triển kinh tế xã hội hay không. Trong khi hiện nay, Chính phủ có chỉ đạo bảo đảm sự phát triển của dự án, đây lại là dự án lớn, có yếu tố nước ngoài, nên cần nghiên cứu khía cạnh để vùng đó phát triển. Cho nên, so với pháp luật đầu tư thì không đảm bảo quy định, nhưng so với Luật Đất đai thì có yếu tố hợp lý ở đây.”
Trong thời gian tới, ngành Thanh tra tiếp tục nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm; tăng cường kiểm tra việc xây dựng, thực hiện kế hoạch thanh tra và xử lý sau thanh tra; việc thực hiện trách nhiệm thực thi công vụ. Đặc biệt, nâng cao chất lượng kết luận, kiến nghị và quyết định xử lý về thanh tra, gắn hoạt động thanh tra với giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí./.