Y tế cơ sở - Những người đi trước về sau
VOV.VN - Hơn 2 năm dịch COVID-19 bùng phát, ngành Y tế Quảng Ninh đã làm tốt vai trò tuyến đầu, trực tiếp và góp phần quan trọng cùng với chính quyền địa phương làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân.
Chưa tới 7h sáng, Trạm y tế phường Bãi Cháy, TP. Hạ Long đã khá đông người dến khai báo tình trạng sức khỏe khi có kết quả test nhanh dương tính với virut SARS-CoV-2. Dù có phân luồng cho các trường hợp sốt, ho, khó thở nhưng ngoài khẩu trang, sát khuẩn thì việc giữ khoảng cách là điều khó khăn khi có ngày, lượng người tới Trạm lên tới 500 người.
Khi số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng tăng nhanh, 2 trong số 7 cán bộ, nhân viên của Trạm y tế phường Bãi Cháy cũng không may nhiễm F0. Những người còn lại hầu như không có thời gian nghỉ ngơi mà luân phiên tiếp nhận thông tin, xét nghiệm, hướng dẫn chăm sóc tại nhà cho các F0, làm thủ tục chuyển viện cho các trường hợp trở nặng...
Chị Nguyễn Thị Hồng, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Bãi Cháy cho biết, cả năm nay, chị không có thời gian đi chợ nấu một bữa cơm cho gia đình: "Một năm nay, tôi không biết đi chợ, nấu cơm cho gia đình. Lúc trở dậy và đi làm về thì đã tối muộn. Có hôm về nhà thì mọi người đã đi ngủ. Lúc đấy chỉ ăn vội bát cơm và chỉ muốn đi nghỉ nhưng bệnh nhân họ gọi suốt đêm thì vẫn phải nghe người thì tư vấn, người thì khai báo, người thì có bệnh nền khó thở lại phải gọi video để hướng dẫn họ đo nhịp thở hay SpO2. Giọng của tôi đã 3 tháng nay khàn đặc vì phải nói liên tục, thậm chí nói to vì người dân ồn ào nói nhỏ họ không nghe thấy".
Dịch bệnh bùng phát, Trạm y tế là tuyến y tế cơ sở gần dân nhất và cũng là tuyến y tế đảm nhận nhiều phần việc trong công tác phòng chống dịch từ truy vết, lấy mẫu bệnh phẩm đến việc theo dõi sức khỏe các trường hợp cách ly, phong tỏa. Khi thực hiện thích ứng linh hoạt, cán bộ, nhân viên tuyến y tế cơ sở vẫn là những người gần dân nhất với nhiệm vụ quản lý, hướng dẫn, chăm sóc các ca F0 điều trị tại nhà.
Bác sĩ Phạm Văn Đoan, Trung tâm y tế Hạ Long chia sẻ: "Nói về công việc thì 2 năm COVID-19 cũng cuốn chúng tôi đi và thành quen. Chúng tôi không có suy nghĩ từ bỏ công việc đang làm. Và cho đến ngày hôm nay, khi nhìn lại và người dân được hưởng thành quả này, chúng tôi thấy công sức bỏ ra cũng xứng đáng".
Dịch bệnh bùng phát, hàng trăm nghìn "chiến sĩ ngành y" gác lại nỗi niềm riêng, dành toàn bộ tâm sức cho nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe nhân dân. Rất nhiều câu chuyện cảm động về những y bác sĩ trong khu cách ly không thể về nhà chịu tang cha mẹ hay vài ba tháng không được gặp con nhỏ, dù nhà cách bệnh viện chỉ vài cây số. Và không ít bác sĩ, y tá, điều dưỡng đã không may nhiễm COVID-19 trong quá trình điều trị, giành giật sự sống cho người bệnh khỏi tay tử thần...
Ông Vũ Quyết Thắng, Phó Giám đốc CDC Quảng Ninh cho biết khi bước vào chặng đường mới, thích ứng linh hoạt nhiệm vụ của họ lại bước vào chặng đường mới, khó khăn hơn: "Công tác chống dịch trong tình hình mới có những khó khăn hơn làm sao cho người dân hiểu được "thích ứng an toàn" và xử lý tình hình dịch. Chúng tôi chủ động xem xét, giám sát, hướng dẫn cơ quan, doanh nghiệp, người dân các biện pháp chống dịch trong tình hình mới, có F0 mà vẫn đảm bảo được hoạt động kinh doanh, phát triển kinh tế. Đây là việc rất khó và quan trọng là phải dự báo được những biến thể mới có thể xâm nhập vào Việt Nam và Quảng Ninh để tham mưu cho Ban chỉ đạo các cấp có ứng xử khoa học với dịch bệnh".
Bình thường mới, tùy tình hình cụ thể mà các ca F0 có thể được điều trị tại nhà, các ca F1 được đi làm trong điều kiện đảm bảo phòng chống dịch, nhiều hoạt động kinh tế xã hội được xem xét, mở cửa trở lại... Duy chỉ những người thầy thuốc vẫn hàng ngày phải xử lý khối lượng công việc khổng lồ. Họ vẫn trở về nhà khi đêm đã khuya và ra đi vào sáng sớm, vẫn không thể có thời gian đi chợ nấu cho chồng con một bữa ăn tươm tất....
Ông Trịnh Văn Mạnh, PGĐ Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh mong muốn: "Hơn 2 năm vừa qua nhân viên y tế hầu như không có ngày nghỉ. Bên cạnh những việc làm thường quy thì còn có truy vết, cách ly, khoanh vùng giai đoạn đầu, có tiêm chủng mũi các đợt 1,2,3 và thu dung điều trị F0. Với lượng công việc lớn như vậy, chúng tôi đã phát động thi đua trong toàn ngành, động viên tinh thần và có chiến lược luân phiên như tỉnh hỗ trợ cho huyện, huyện hỗ trợ xã hay địa phương ít dịch thì tăng cường cho điểm nóng dịch bệnh... có những chia sẻ như vậy toàn ngành y tế mới có thể đảm đương được khối lượng công việc khổng lồ".
Dịch bệnh vẫn có những diễn biến khó lường. Với tinh thần trách nhiệm và lòng quyết tâm, những người chiến sỹ áo trắng luôn nỗ lực làm tốt công việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Với họ, niềm vui lớn nhất là khi người bệnh bình phục; món quà ý nghĩa nhất là những lời cảm ơn của người bệnh khi được trở về với gia đình./.