Cụ già tự thiêu giữa sân tòa án, day dứt về sự tử tế
(VOV) -Phải làm cho sự tử tế có đất sống, có cơ hội phát triển trong nhân cách mỗi con người và trong cả xã hội.
Trong hai ngày cuối tuần trước, tôi cứ nghĩ lẩn thẩn, có lẽ ngoài chuyên mục điểm các sự kiện trong nước và quốc tế nổi bật trong tuần, nên có một mục điểm những chuyện vui và những chuyện buồn nhất xảy ra trong tuần. Nhất là những chuyện buồn.
Ý định này xuất phát từ vụ tự thiêu của một cụ bà 83 tuổi ở Phú Yên, lý do là vì cơ quan thi hành án không thể đòi trọn 3 chỉ vàng trả cụ theo phán quyết của tòa án mà một người từng là con rể cụ đã vay.
Buồn vì đây không phải chuyện oan khuất, ngang trái gì ghê gớm, thế mà một người đã gần đất xa trời, lẽ thường với họ, mỗi ngày sống trên đời là một ân huệ, lại tìm đến cái chết giữa sân tòa. Hơn nữa, cụ còn chọn một cái chết đau đớn: Tự thiêu.
Người ta chỉ có thể tìm đến cái chết khi đã mất hết niểm tin và hy vọng vào cuộc sống.
Thực tế cũng cho thấy, những ai càng kỳ vọng nhiều, càng có nhiều niềm tin thì khi gặp sự cố, bị thất vọng, lại là những người dễ đổ vỡ và suy sụp nhất.
Ở đây, với quan niệm của cụ, một khi tòa án đã phán rành rành ra như thế rồi thì công lý phải được thực thi đến nơi đến chốn. Một xã hội như chúng ta, lẽ ra không nên để những chuyện đau buồn đó xảy ra. Cụ đã mất niềm tin vào công lý. Chúng ta có lỗi với công dân này…
Tôi lại nhớ một câu chuyện nữa, cũng là chuyện buồn, xảy ra ở thành phố HCM mới đây.
Một thanh niên đi xe máy vô tình va vào một cháu bé 3 tuổi bất ngờ từ vỉa hè chạy xuống đường. Ngay khi vụ việc xảy ra, cậu thanh niên này đã đưa cháu vào viện, và ở lại viện chờ kết quả. Mặc dù cháu chỉ bị xây xước nhẹ nhưng người nhà cháu bé đã kéo bạn bè vào viện, lôi người thanh niên này ra đánh đến chết.
Câu chuyện này khiến nhiều bạn đọc phẫn nộ và day dứt.
Xem ra muốn làm người tử tế cũng khó.
Rồi nhiều chuyện nữa, càng nói ra càng thấy bất an. Một thanh niên đèo vợ con đi làm về bi hai kẻ càn quấy chọc ghẹo, chèn ép trên đường, sau đó còn đuổi đến tận nhà để hành hung, khiến vợ anh này bị trụy thai. Không kiềm chế được, anh ta cầm dao đâm chết một người, thế là bị phạt tù 14 năm.
Có thể theo luật thì anh phải đi tù, nhưng trong hoàn cảnh này và trong bối cảnh bạo lực lan tràn như hiện nay, nếu cử hành xử như thế (cà tòa án, các cơ quan công quyền, và người dân) thì cái ác còn hoành hành táo tợn hơn.
Người tử tế có lẽ còn phải thu mình lại. Sự tử tế trong xã hội vì thế mà càng bé dần đi, bị cái không tử tế lấn lướt.
Những ai có trách nhiệm với đất nước, xã hội đều lo lắng. Người cầm quyền cũng lo lắng. Chả thế mà gần đây, một Phó Thủ tướng đã phải chỉ thị bằng văn bản cho 4 địa phương phải chấn chỉnh ngay nạn xã hội đen đang hoành hành.
Cách đây hơn một phần tư thế kỷ, đạo diễn, nghệ sĩ nhân dân Trần Văn Thủy, một trong những nhà điện ảnh tài liệu chính luận hàng đầu Việt Nam từng làm một phim đoạt giải Bồ câu Bạc tại liên hoan phim Leipzig (Cộng hòa Dân chủ Đức) năm 1988, có tên: “Chuyện tử tế”.
Trong lời bình của phim, có một đoạn tôi rất thích và phục:
“Từ rất xa xưa, cha bác có dạy rằng: Tử tế vốn có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức sự tử tế, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài quốc gia, bởi thiếu nó, mọi cộng đồng, dù có nỗ lực tột bậc và chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn.
Hãy hướng con trẻ và cả người lớn đầu tiên vào việc học làm người- người tử tế- trước khi chăn dắt họ thành những người có quyền hành, giỏi giang hoặc siêu phàm.
... Nghĩ cho đến cùng, ở trên đời này, không có một nghề nghiệp nào, không có một công việc gì, và cũng không có một con người nào trở nên tử tế- nếu không bắt đầu từ tình yêu thương con người, sự trân trọng đối với con người và đi từ nỗi đau của con người".
Hơn 25 năm đã qua, những lời lẽ này vẫn nóng bỏng thống thiết.
Phải làm cho sự tử tế có đất sống, có cơ hội phát triển trong nhân cách mỗi con người và trong cả xã hội.
Nếu không thì nguy lắm./.