Truyền thanh không dây: Coi chừng quăng tiền qua cửa!
VOV.VN -Với chiếc loa không dây bé nhỏ kia, trong bối cảnh hiện nay, ai dám chắc họ sẽ mở suốt ngày, hay họ lại tắt ngoéo đi hoặc cất vào xó tủ?...
Đọc báo thấy Hà Nội sắp thí điểm truyền thanh không dây lại nhớ cái “loa phường” treo vào từng nhà dân những năm 70-80 thế kỷ trước.
Chả mấy ai còn giữ được cái loa này nhưng hầu hết vẫn nhớ cái hộp nhựa mỗi chiều chừng hơn 20 phân, trong có chiếc loa con, bên ngoài hộp có chiết áp điều chỉnh âm lượng to nhỏ và dây loa nối với đường dây truyền thanh của nhà nước.
Như vậy là sau 3 thập kỷ, chuyển sang một thế kỷ mới, loa phường đã tiến lên được một bước là không dây. Nói vậy để thấy ý tưởng lắp loa truyền thanh vào từng nhà không mới.
Loa phường thử nghiệm đưa vào nhà dân (Ảnh: Người Lao Động) |
Với một số người dân nội thành Hà Nội thì cái loa truyền thanh vào tận giường ngủ kia đầy ắp kỷ niệm và thực sự có những đóng góp không nhỏ trong việc thông tin.
Thời ấy công nghệ còn hạn chế, các loại hình truyền thông còn nghèo nàn, mức sống còn thấp, phải cán bộ cấp nào đó mới được mua phân phối đài – radio, … nên có một chiếc loa chuyển tải thông tin đến từng gia đình rất cần thiết, rất có giá trị.
Vậy cái loa phường, dù treo trong nhà hay treo đầu phố, đã hết sứ mệnh lịch sử hay chưa? Đây là câu hỏi đã được mọi người đặt ra, thậm chí trưng cầu ý kiến nhân dân.
Nhà chức trách sau đó thông tin lại là những ý kiến ủng hộ loa phường vẫn chiếm tỷ lệ cao, tuy nhiên cũng phải điều chỉnh, khắc phục chỗ này chỗ kia để hiệu quả hơn. Phải chăng đó là lý do ra đời chiếc loa truyền thanh không dây dự định sẽ thí điểm một vài nơi tại Hà Nội?
Nhà chức trách cho biết kinh phí thí điểm do nguồn xã hội hoá. Thí điểm thành công mới nhân ra đại trà. Tức là sau khi thí điểm rồi lấy ý kiến nhân dân mới triển khai đồng loạt. Thật là dân chủ và minh bạch!
Dư luận đoán già đoán non rằng cái “nguồn xã hội hóa” kia không ai khác chính là các nhà thầu hoặc đơn vị cung cấp thiết bị. Kịch bản sau đó sẽ nhà thầu, đơn vị cung ứng thiết bị sẽ trực tiếp (hoặc có một chân quan trọng) trong việc đi lấy ý kiến.
Thông thường thì các mẫu biểu này rất đẹp, phần lớn đồng tình, thậm chí hào hứng hưởng ứng. Sau đó quận, thành phố sẽ ồ ạt nhân rộng với một nguồn kinh phí kha khá của nhà nước đổ vào đó.
Ấy là dư luận tưởng tượng ra cái kịch bản như thế còn không biết sự thể rồi sẽ ra sao. Tôi nghĩ thế này. Giả sử nếu cứ triển khai truyền thanh không dây trên toàn thành phố thì việc người ta có mở ra nghe không mới là điều quan trọng. Những người quản lý ở phường xã thừa biết tình trạng loa truyền thanh ở một số nơi từng bị đẩy ra hướng khác, bị ném cho méo mó là có thực.
Nguyên nhân sâu xa không phải cố tình phá hoại tài sản nhà nước mà người dân không muốn bị làm phiền. Vậy bây giờ, với chiếc loa không dây bé nhỏ kia, trong bối cảnh hiện nay, ai dám chắc họ sẽ mở suốt ngày, hay họ lại tắt ngoéo đi hoặc cất vào xó tủ? Khi ấy hiệu quả thông tin sẽ bằng không, rất lãng phí!
Trên bình diện chung, ở thời điểm hiện nay, loa truyền thanh cấp xã phường vẫn còn những tác dụng nhất định nếu biết cách sử dụng. Song nhà chức trách cũng nên áp dụng những tiến bộ của công nghệ thông tin để đơn giản hóa việc này.
Nhà chức trách có thể đề nghị chủ hộ dân cung cấp số điện thoại di động và ứng dụng tin nhắn cho các thông báo. Trên mạng xã hội có đầy đủ công cụ để tạo những nhóm phù hợp với quy mô tổ dân phố, thậm chí phường hoạt động. Mặt khác, các quận huyện ở Hà Nội hiện đều có trang thông tin điện tử thì cũng nên tính toán đưa các thông tin lên đó.
Có thể ban đầu người dân chưa quen cập nhật và theo dõi nhưng nếu thông tin thiết thực, ảnh hưởng tới quyền lợi và trách nhiệm của mỗi công dân thì tôi nghĩ họ sẽ chủ động tìm kiếm.
Chúng ta đang kêu gọi tiết kiệm, tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, cải cách hành chính, chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0... thì nên hiện thực hóa những lời kêu gọi ấy. Mà những việc nói trên có gì ghê gớm đâu, chỉ là ứng dụng những tiện ích sẵn có của thế kỷ trước thôi mà!./.