Yêu Việt Nam hơn cả người Việt?
(VOV) - "Những người này có khi còn yêu Việt Nam hơn chính nhiều người Việt Nam".
Làm nghề báo, nếu như bạn sung sướng và tự hào khi được gặp những con người "tuyệt vời", không ít người sau đó trở thành những người bạn, một phần trong cuộc sống của bạn, thì cũng có lúc bạn phải chấp nhận, dù đột ngột, dù hụt hẫng về sự ra đi mãi mãi của họ.
Chỉ trong một tháng qua, tôi nhận được tin 2 người bạn Pháp rất yêu Việt Nam đột ngột ra đi. Một là người vừa được nhận Giải thưởng Phan Châu Trinh hồi tháng 3 năm nay - nhà sử học người Pháp Philippe Langlet - người đã hàng chục năm qua nghiên cứu về văn hóa, lịch sử Việt Nam, dịch nhiều tác phẩm của Việt Nam sang tiếng Pháp, trong đó có dịch cả thơ thiền Việt Nam.
Nhà sử học người Pháp Philippe Langlet tại buổi nhận giải thưởng Phan Châu Trinh |
Hôm đó, vượt qua đau đớn bệnh tật, đôi chân đi lại không còn vững, ông vẫn cố gắng có mặt nhận giải do đích thân nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình - Chủ tịch Quỹ Phan Châu Trinh trao tặng. Đôi mắt đã mờ của ông nhòa lệ khi nhận giải thưởng mà ông gọi là một "tài sản quý báu" đối với gia đình và ông mong giữ được sức khỏe để hoàn thành những nghiên cứu còn dang dở của mình, đóng góp thúc đẩy tình hữu nghị Việt Nam và Pháp.
Chỉ sau đó vài tháng, ông đã ra đi, cũng thầm lặng như những công trình nghiên cứu chuyên sâu của ông về Việt Nam hàng chục năm qua, thầm lặng đến mức sẽ ít người, trong đó có cả nhà báo như tôi, biết đến ông nếu không có dịp ngắn ngủi gặp ông ở buổi nhận giải thưởng.
Người thứ hai đã trở thành một người bạn thân thiết của tôi, tôi vẫn gọi thân mật là "Bác Andrée", người thường xuyên lui tới cơ quan thường trú Đài TNVN tại Pháp những khi bà lên Paris để xúc tiến các dự án giúp Việt Nam, trong khuôn khổ Hiệp hội Essor Việt Nam mà bà lập ra.
Tin bác ra đi đột ngột trong đêm vì bệnh tim tại nhà ở Toulouse khiến chúng tôi sững sờ, vì mới vài tuần trước, bà cụ 80 tuổi vẫn còn xăng xái lên Paris tìm cách tháo gỡ khó khăn về nguồn tài trợ cho dự án dựng Nhà Rông tại Đại học Komtum. Tôi như bị "lây" theo niềm đam mê của bà, theo chân bà cụ đến nhiều nơi tại Pháp để giúp bà giải thích, thuyết phục về dự án. Nghe bà nói về những giá trị, lợi ích mà ngôi nhà ấy có thể đem lại trong giảng dạy văn hóa cho các học sinh, sinh viên tại Việt Nam, khó có thể nghĩ rằng đó là lo nghĩ của một người nước ngoài.
Tôi không thể quên được những câu chuyện tràn đầy yêu thương và hạnh phúc của bà cụ khi nói về người chồng quá cố - kỹ sư máy bay người Việt Nguyễn Văn Phúc, người đã có đóng góp cho ngành chế tạo máy bay của nước nhà. Bà không quản nặng nhọc mỗi lần về Việt Nam vác một vali đầy những đồ lưu niệm mang sang Pháp bán gây quỹ hoạt động giúp Việt Nam. Cũng có khi bà cụ bức xúc vì những vướng mắc chỗ này, nơi kia nhưng cuối cùng vẫn lạc quan và hy vọng…
Bà thích ăn nhất món bánh cuốn và nem. Bà sống chung thủy và tốt với bạn bè đến độ săn lùng tìm kiếm cả ngày khắp Paris tìm một cuốn lịch nhỏ, nhưng phải đúng loại lịch có năm của những mùa nho làm rượu vang tại Pháp ngon, gửi về biếu tặng một người bạn già tại Việt Nam từng gắn bó với bà từ những thời khắc khó khăn vài chục năm trước, cùng hướng về giúp đỡ Việt Nam.
"Bác Andrée" với các học sinh người Việt Nam |
Những ký ức tản mạn nhưng tràn đầy như vừa mới đây thôi mà đột nhiên lại xa xôi quá. Buồn trước sự ra đi của những con người ấy khi các dự án giúp đỡ Việt Nam còn dang dở, tôi lại tự chất vấn mình câu hỏi đã nảy ra trong tôi vào những giây phút đầu tiên tôi gặp họ : "Vì đâu họ lại yêu Việt Nam đến thế?". Với bác Andrée thì câu trả lời không khó, vì bác đã hạnh phúc khi "làm con dâu" đất Việt. Dù bà cụ đã nằm xuống, song tôi vẫn luôn tin rằng trái tim bà còn mãi hướng về Việt Nam. Nơi ấy, cậu cháu Nicolas của bà - người được truyền dòng máu và tình yêu Việt từ ông bà ngoại - đã một mình quyết định về Việt Nam sống, yêu và cưới một cô gái Việt, và một cậu con trai kháu khỉnh vừa chào đời.
Nhưng với biết bao con người khác, tôi vẫn chưa thực sự tìm được câu trả lời. Như người nữ anh hùng Madeleine Riffaud – người từng chiến đấu vì Việt Nam và đến nay sống trong mù lòa, bệnh tật nhưng bà vẫn nói về Việt Nam với giọng đầy nhiệt huyết và nghẹn ngào. Như người bạn thân thiết Raymond Dien, người từng dũng cảm chặn đoàn xe lửa để phản đối chiến tranh tại Việt Nam. Hình dáng bà quen thuộc trên chiếc xe lăn không quản ngại xa xôi khó khăn có mặt tại hầu khắp các sự kiện Việt Nam tại Pháp; sẵn sàng ôm chầm và chực trào nước mắt khi gặp bất kỳ một người Việt nào tới chào bà. Hay như vị giáo sư triệu phú Odon Vallet, người đã trao hàng nghìn học bổng cho các học sinh, sinh viên hiếu học ở Việt Nam. Tôi và các đồng nghiệp đã vô cùng bỡ ngỡ khi gặp hình ảnh người đàn ông trông vóc dáng khắc khổ, từ chối mọi lời đề nghị đưa đón, lặng lẽ đi tàu điện đến trao tận tay học bổng cho các em Việt Nam, rồi lại lặng lẽ đi về.
Tôi từng nghe ai đó nhận xét rằng : "Những người này có khi còn yêu Việt Nam hơn chính nhiều người Việt Nam". Vì sao nhỉ? Vì trong họ, vẫn mãi thiêng liêng một Việt Nam anh hùng đấu tranh giành độc lập dân tộc? Vì với họ, còn mãi những nụ cười thân thiện và chất phác của những con người Việt Nam thông minh, cần cù và hiếu khách làm họ ấm lòng? Vì khi giúp đỡ Việt Nam, họ cảm thấy chính cuộc đời họ có ý nghĩa? Vượt trên tất cả, chính nhiều người Pháp duy tâm tin vào một cái duyên trời định kết nối họ với mảnh đất ở rất xa là Việt Nam.
Những con người yêu Việt Nam đến thế không ít trên khắp nước Pháp và cả trên thế giới nữa, nhưng sợ rằng cũng không còn nhiều… Tôi cứ luôn lo sợ những ngọn lửa nhiệt huyết trong trái tim của những con người phi thường ấy có ngày sẽ vụt tắt, như lẽ tự nhiên của cuộc đời. Và khi họ đã ra đi rồi, làm sao để lại có được những thế hệ bạn bè quốc tế yêu Việt Nam như thế nữa?./.