4 phương án đổi mới mô hình tổ chức của MTTQ, tổ chức đoàn thể CT-XH
VOV.VN - 4 đề xuất trong đề tài nghiên cứu của Ban Tổ chức Trung ương về đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Trong báo cáo đề dẫn tại hội thảo Đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội sáng nay (6/4), ông Mai Văn Chính, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh, trong 30 năm đổi mới, mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam, bên cạnh những thành tích, ưu điểm còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, bất cập: cơ cấu tổ chức, bộ máy còn cồng kềnh, bất hợp lý, kém hiệu quả, trên một số lĩnh vực chức năng, nhiệm vụ chưa được tách bạch rõ ràng.
Điều này đòi hỏi MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện mô hình tổ chức và các phương thức hoạt động cho phù hợp với nhiệm vụ chính trị giai đoạn mới…
Toàn cảnh hội thảo |
“Do đó, cả về lý luận và thực tiễn cho thấy rất cần có những nghiên cứu, lý luận và đánh giá thực tiễn, từ đó đề xuất nhằm đổi mới mô hình tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội theo hướng tinh gọn, rõ chức năng nhiệm vụ, không chồng chéo, hoạt động thiết thực và hiệu quả, đề cao tính tự chủ, chủ động thực hiện vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân”- ông Chính nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, ông Chính cũng nêu lên 4 phương án được đề xuất trong đề tài nghiên cứu "Đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội" do Ban Tổ chức Trung ương thực hiện.
Ông Chính cho biết, xác định được tầm quan trọng của vấn đề này, Ban Tổ chức Trung ương đã triển khai nghiên cứu đề tài này trong 12 tháng với sự tham gia của rất nhiều nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý và các nội dung được đưa ra phân tích, đánh giá trên nhiều phương diện khoa học.
Tại Hội thảo, ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, thời gian qua MTTQ Việt Nam cùng các tổ chức thành viên đã thống nhất tiến hành nhiều hoạt động phối hợp có tính đổi mới, cụ thể, thiết thực hơn, đó là: Hiệp thương phân công thực hiện các nội dung của Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; hiệp thương phân công cụ thể việc giúp đỡ hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để không có trường hợp nào không có tổ chức đỡ đầu, giúp đỡ; bàn thống nhất nội dung, giải pháp để trình Ban Bí thư lãnh đạo, từng bước đề xuất Chính phủ chỉ đạo chung để tránh chồng chéo khi tiến hành các phòng trào, cuộc vận động về cơ sở; thống nhất chia khối, xây dựng quy chế thi đua khen thưởng đối với các tổ chức thành viên...
“Khái quát như vậy để thấy rằng MTTQ Việt Nam cùng các tổ chức thành viên đã có nhiều đổi mới trong hoạt động của mình và luôn xác định rõ ràng rằng: Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động là một trong những nhiệm vụ quan trọng, đồng thời là phương châm của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội”- ông Mẫn nói./.
“Bộ máy cồng kềnh, hiệu quả kém thì tinh gọn là yêu cầu bắt buộc”
Đổi mới mô hình tổ chức MTTQ Việt Nam, các tổ chức CT-XH là tất yếu
MTTQ Việt Nam sẽ thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp Vụ
Chỉ thị của Ban Bí thư về lãnh đạo Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp
Ông Hầu A Lềnh giữ chức Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký MTTQ Việt Nam
Hình ảnh: Hiệp thương cử Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam