Bộ trưởng Phan Văn Giang: Chi viện quân đội hỗ trợ TP.HCM là một quyết định rất khó khăn

VOV.VN - “Trong một đêm họp Chính phủ, rất nhiều ý kiến nên hay không nên, nhưng rất nhiều ý kiến đều cho rằng rất cần huy động quân đội vào lúc này. Là người chỉ huy quân đội, tôi xin nhận trách nhiệm này, cũng là một quyết định rất khó khăn".

“Nghĩa tình quân dân” là chủ đề của chương trình giao lưu nghệ thuật nhằm tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến xung kích trên tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4. Chương trình do Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng phối hợp Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội tối 19/12.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Đại tướng Phan Văn Giang, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Quốc phòng tham dự.

Tại cuộc giao lưu, câu chuyện của những người lính là các y bác sĩ từng “chiến đấu” trong tâm dịch phía Nam…đã khiến người xem không khỏi xúc động, những giọt nước mắt trực rơi trên nhiều khóe mắt.

Đó là câu chuyện của Đình Hưng cùng Khánh Linh, Trọng Nam trong tổ quân y đến từ Học viện Quân y, khi nhận tin báo một bệnh nhân Covid-19 đang tím tái, không có người chăm sóc. Khi đến nơi, cả tổ đã không thể cầm lòng khi chứng kiến nữ bệnh nhân đã tử vong trên võng, trong khi cháu bé con bệnh nhân vẫn thơ thẩn ngồi chơi trên sàn mà không hề hay biết chuyện gì đã xảy ra; hay câu chuyện của nhóm bác sĩ nghiên cứu sáng kiến chia đôi máy thở ECMO đã cứu sống được sản phụ Nguyễn Thị Ngọc Hoài (Huế); câu chuyện của anh lính dân quân tự vệ Dương Thanh Hoàng (BCH quân sự quận 7), một trong 9 thành viên của tổ xử lý thi hài cho những nạn nhân đã mất vì Covid-19… Anh Hoàng chia sẻ, động lực lớn nhất giúp anh vượt qua nỗi sợ hãi khi cùng đồng đội chính là mẹ mình.

Trong cuộc giao lưu, xen kẽ là những phóng sự, phỏng vấn, clip, là những tiết mục biểu diễn ca khúc Những trái tim Việt Nam, Người chiến sĩ ấy, Đêm nay anh ở đâu, Đất nước, Hành khúc thắng lợi, hoạt cảnh Rước đèn tháng tám, trích đoạn kịch nói Tình quân dân

Chia sẻ tại cuộc giao lưu từ điểm cầu TP.HCM, ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, đợt dịch vừa qua, TP.HCM được Bộ Quốc phòng chi viện 15.000 quân cùng với 36.000 quân nhân của TP đã đảm bảo an ninh trật tự, lưu thông hàng hóa, an sinh xã hội, tăng cường năng lực y tế cơ sở, ngăn chặn sự chuyển nặng và tử vong của bệnh nhân Covid, chăm lo chuyện hậu sự, chăm lo người neo đơn, mồ côi do người thân mất vì Covid.

“Chúng ta đã từng chứng kiến bộ đội đánh giặc, giúp dân phòng chống thiên tai bão lũ, và vừa rồi bộ đội giúp người dân phòng chống và vượt qua đại dịch. Không chỉ chiến đấu bằng mệnh lệnh của chỉ huy mà bằng cả mệnh lệnh của trái tim. Trong lịch sử quân đội, sẽ có những trang mới tự hào về bộ đội giúp dân chống dịch, hình ảnh sáng đẹp của bộ đội Cụ Hồ. Thay mặt người dân TP.HCM tôi xin gửi lời cảm ơn tới Quân ủy, Bộ quốc phòng, các lực lượng đã chia sẻ, giúp đỡ TP.HCM thời gian qua”, ông Phan Văn Mãi nói.

Công cuộc chống dịch Covid-19 đã đi qua một chặng đường dài, sự xuất hiện của quân đội là sức mạnh tinh thần tạo niềm tin vào chiến thắng giữa lúc người dân hoang mang, lo sợ.

Trong đợt dịch lần thứ 4, quân đội đã huy động hơn 140.000 cán bộ chiến sĩ và dân quân tự vệ tham gia phòng chống dịch; duy trì gần 2.000 tổ, chống phòng chống dịch trên các tuyến biên giới; triển khai 190 khu cách ly tập trung để điều trị cho trên 300.000 lượt người dân; tăng cường gần 10.000 bác sĩ, nhân viên quân y và hàng trăm tấn thuốc men, trang thiết bị y tế; triển khai 16 bệnh viện dã chiến, trên 2.000 tổ tiêm vaccine, tổ quân y xét nghiệm cơ động, góp phần cùng cả nước khống chế, kiểm soát và giảm tổn thất do dịch Covid-19 gây ra

Nói về quyết định khó khăn khi chi viện quân đội vào TP.HCM, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, nhớ lại: “Trong một đêm họp Chính phủ, rất nhiều ý kiến nên hay không nên, nhưng rất nhiều ý kiến đều cho rằng rất cần huy động quân đội vào lúc này. Là người chỉ huy quân đội, tôi xin nhận trách nhiệm này, cũng là một quyết định rất khó khăn. Nếu đưa quân vào không hoàn thành nhiệm vụ thì sao, trách nhiệm của người chỉ huy phải quyết định sáng suốt, làm sao tổn thất ít nhất. Vì thế, trước khi đi, tôi đề nghị quân y phải cho anh em tiêm vaccine, ai chưa tiêm phải thay. Nhiều cháu mới 18, 20 nếu không may thì sao; nhiều y bác sĩ trước khi đi lo lắng đến phát khóc, lo vì đi gấp quá, chưa kịp sắp xếp con cái, gia đình, lo vì vào đó có đủ sức chống chịu với dịch không, lo vì vào đó không có chuyên môn sâu liệu có làm được không. Là người chỉ huy tôi phải quyết tâm nhưng quả thực rất thương anh em”.

Cuối buổi giao lưu là phần khen thưởng của Bộ Quốc phòng đối với các tập thể, cá nhân trong đợt phòng, chống dịch Covid-19 lần thứ 4. 151 tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân chương bảo vệ Tổ quốc, Huân chương chiến công, Huân chương lao động; 229 tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và 3.094 tập thể, cá nhân được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bộ trưởng Quốc phòng khen thưởng 70 tập thể, cá nhân trong phòng, chống Covid-19
Bộ trưởng Quốc phòng khen thưởng 70 tập thể, cá nhân trong phòng, chống Covid-19

VOV.VN - Đại tướng Phan Văn Giang vừa ký quyết định tặng thưởng Bằng khen đối với các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch COVD-19.

Bộ trưởng Quốc phòng khen thưởng 70 tập thể, cá nhân trong phòng, chống Covid-19

Bộ trưởng Quốc phòng khen thưởng 70 tập thể, cá nhân trong phòng, chống Covid-19

VOV.VN - Đại tướng Phan Văn Giang vừa ký quyết định tặng thưởng Bằng khen đối với các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch COVD-19.

Quân đội căng mình trên khắp các “mặt trận” phòng, chống dịch COVID-19
Quân đội căng mình trên khắp các “mặt trận” phòng, chống dịch COVID-19

VOV.VN - Bất cứ ở đâu có điểm "nóng" về dịch COVID-19 là quân đội có mặt, xông pha trên tuyến đầu, không quản ngại khó khăn, gian khổ với tinh thần “vì nhân dân quên mình”, “vì nhân dân phục vụ”.

Quân đội căng mình trên khắp các “mặt trận” phòng, chống dịch COVID-19

Quân đội căng mình trên khắp các “mặt trận” phòng, chống dịch COVID-19

VOV.VN - Bất cứ ở đâu có điểm "nóng" về dịch COVID-19 là quân đội có mặt, xông pha trên tuyến đầu, không quản ngại khó khăn, gian khổ với tinh thần “vì nhân dân quên mình”, “vì nhân dân phục vụ”.