Đại hội Đảng cấp cơ sở: Những kết quả và hạn chế
VOV.VN - "Có nơi có biểu hiện cục bộ, khép kín, vận động không bầu cho cán bộ được cấp trên điều động, luân chuyển về cơ sở".
Sau chỉ đạo đại hội điểm, thí điểm chủ trương Đại hội Đảng bộ cơ sở trực tiếp bầu Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư tại đại hội ở 1.463 Đảng bộ, chi bộ cơ sở (1.064 đảng bộ, chi bộ đại hội điểm và 399 đại hội thí điểm), các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương và Đảng bộ cấp trên cơ sở đã kịp thời rút kinh nghiệm để chỉ đạo đại hội đại trà.
Tính đến 30/6/2015, đã có 56.317/56.519 đảng bộ, chi bộ cơ sở trong toàn Đảng tiến hành đại hội, đạt tỷ lệ 99,64%. Có 38 tỉnh ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương hoàn thành sớm so với thời gian quy định.
Qua theo dõi và tổng hợp chung có thể khẳng định: Đại hội đảng bộ, chi bộ cơ sở nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã thành công tốt đẹp, thể hiện qua một số kết quả nổi bật sau:
- Các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương đã tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 36 - CT/TW của Bộ Chính trị và các văn bản hướng dẫn của Trung ương; đồng thời, xây dựng kế hoạch thực hiện đại hội đảng các cấp, ban hành các văn bản hướng dẫn phù hợp với điều kiện của địa phương, cơ quan, đơn vị mình và phân công chỉ đạo, theo dõi quá trình đại hội Đảng các cấp, trong đó có đại hội cấp cơ sở.
- Cấp ủy cấp trên cơ sở đã cụ thể hóa chỉ thị, hướng dẫn của Trung ương và kế hoạch của các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương để chỉ đạo ở cấp mình; phân công ủy viên ban thường vụ, cấp ủy viên, thành lập các tổ công tác hướng dẫn, kiểm tra việc chuẩn bị và tiến hành đại hội ở từng cơ sở; rà soát, đánh giá tình hình các Đảng bộ, chi bộ cơ sở xác định những nơi có khó khăn, phức tạp để tập trung chỉ đạo giải quyết; coi trọng đại hội điểm sau đó rút kinh nghiệm để chỉ đạo tốt đại hội đại trà.
- Cấp ủy cơ sở đã tích cực, chủ động làm tốt công tác chuẩn bị các nội dung đại hội, báo cáo chính trị, báo cáo kiểm điểm của ban chấp hành được chuẩn bị kỹ, tranh thủ được nhiều ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên và nhân dân, việc tham gia góp ý vào văn kiện của Trung ương và cấp trên trực tiếp được thực hiện nghiêm túc, có chất lượng. Không khí thảo luận tại đại hội sôi nổi, thẳng thắn, sâu sắc, có tính chiến đấu, thể hiện tinh thần dân chủ, phản ảnh được ý chí, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
- Công tác chuẩn bị nhân sự cấp ủy, Ban Thường vụ, các chức danh chủ chốt, Ủy ban kiểm tra cấp ủy và bầu đại biểu đi dự Đại hội Đảng bộ cấp trên được thực hiện dân chủ, khách quan, đảm bảo nguyên tắc, đúng quy trình hướng dẫn của cấp trên, đại hội bầu cử tập trung, bầu một lần đủ số lượng, đúng dự kiến của cấp ủy đương nhiệm, thực hiện tốt Quy chế bầu cử trong Đảng. Nhiều nơi tiếp tục thực hiện thí điểm chủ trương Đại hội Đảng bộ cơ sở trực tiếp bầu Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư tại đại hội với kết quả tốt, các đồng chí Bí thư cấp ủy đều trúng cử với số phiếu cao, Quảng Ninh là địa phương dẫn đầu cả nước với 79% Đảng bộ cơ sở thực hiện thí điểm chủ trương này.
- Chất lượng cấp ủy được nâng lên so với nhiệm kỳ trước; tỷ lệ cấp ủy viên trẻ tuổi, cấp ủy viên nữ, cấp ủy viên tốt nghiệp trung học phổ thông, cấp ủy viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học, trên đại học, cấp ủy viên tốt nghiệp trung cấp lý luận chính trị trở lên được nâng lên so với nhiệm kỳ trước.
Bên cạnh những ưu điểm nổi bật nêu trên, việc chỉ đạo, tổ chức Đại hội Đảng cấp cơ sở còn một số mặt tồn tại, hạn chế, đó là:
- Báo cáo chính trị của một số cơ sở còn dàn trải, thiếu tính khái quát, không mạnh dạn chỉ ra những tồn tại, hạn chế; việc xác định mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu của nhiệm kỳ tới chưa thật sát, thiếu những giải pháp mang tính đột phá để phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, cơ quan, đơn vị. Việc đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) về xây dựng Đảng, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chưa sâu sắc, toàn diện.
- Báo cáo kiểm điểm của một số cấp ủy có nhiều nội dung trùng lắp với báo cáo chính trị, chưa thẳng thắn tự phê bình và phê bình; chưa thể hiện rõ vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chưa đi sâu phân tích làm rõ ưu điểm, khuyết điểm trong thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; chưa chỉ rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan và trách nhiệm cá nhân đối với những tồn tại, hạn chế; chưa thể hiện rõ sự đổi mới phương pháp, phong cách làm việc của tập thể cấp ủy, các biện pháp cụ thể để khắc phục hạn chế, khuyết điểm đề cập chưa rõ.
- Việc tham gia ý kiến vào dự thảo văn kiện của Trung ương, cấp trên trực tiếp và tiêu chuẩn, cơ cấu cấp ủy cấp trên ở một số nơi chưa cụ thể, sâu sắc. Thời gian dành cho thảo luận và số lượng ý kiến thảo luận các văn kiện của cấp mình ở một số nơi còn ít, nội dung tham luận nặng về báo cáo thành tích, chưa tạo được không khí tranh luận tại đại hội; còn ít ý kiến thảo luận để làm rõ những hạn chế, yếu kém và đề xuất các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của nhiệm kỳ tới.
- Việc ứng cử, đề cử tại đại hội còn ít. Nhiều nơi việc đổi mới cấp ủy chưa đạt yêu cầu; một số nơi tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số thấp hơn nhiệm kỳ trước. Cá biệt, còn một vài nơi, cấp ủy viên và ủy viên ban thường vụ vi phạm Điều 13 Quy chế bầu cử trong Đảng.
Quá trình chuẩn bị nhân sự ở một số nơi chưa mở rộng dân chủ, không nắm chắc tình hình cán bộ, còn gò ép, giới thiệu cả những đồng chí hạn chế về năng lực hoặc tín nhiệm thấp nhưng cấp ủy cấp trên chưa sát sao, chỉ đạo quyết liệt; có nơi có biểu hiện cục bộ, khép kín, vận động không bầu cho cán bộ được cấp trên điều động, luân chuyển về cơ sở; vì vậy, vẫn còn 2.694 đồng chí cấp ủy viên được giới thiệu tái cử nhưng không trúng cử, trong đó có 199 đồng chí Bí thư, 348 đồng chí Phó Bí thư và nhiều đồng chí giữ các vị trí chủ chốt ở cơ sở.
- Ở một số đại hội, công tác điều hành của đoàn chủ tịch chưa được chuẩn bị kỹ, còn bị động, lúng túng; việc thực hiện nhiệm vụ của ban kiểm phiếu làm chưa tốt, vì vậy kéo dài thời gian bầu cử, làm ảnh hưởng đến thời gian tham luận tại đại hội.
Để tổ chức thành công đại hội cấp trên cơ sở và cấp tỉnh, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương cần làm tốt một số công việc sau đây:
Một là, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương cần sớm tổng kết rút kinh nghiệm Đại hội Đảng cấp cơ sở một cách sâu sắc, chỉ ra những ưu điểm, đặc biệt là những tồn tại, hạn chế để rút kinh nghiệm chỉ đạo và tổ chức đại hội cấp trên trực tiếp cơ sở và cấp mình, có giải pháp khắc phục bằng được những tồn tại, hạn chế ở đại hội cấp cơ sở như đã nêu trên.
Hai là, tập trung chỉ đạo thật tốt đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở, nhất là công tác nhân sự; coi trọng chỉ đạo đại hội điểm, rút kinh nghiệm trước khi triển khai đại hội đại trà.
Ba là, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc từ đại hội cấp cơ sở và đại hội điểm cấp trên trực tiếp cơ sở kịp thời phản ánh về Trung ương để có hướng giải quyết.
Bốn là, khẩn trương chuẩn bị và hoàn thiện các văn kiện và công tác nhân sự Đại hội Đảng bộ các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương để báo cáo Bộ Chính trị phê duyệt và tiến hành đại hội vào tháng 9, tháng 10 năm 2015.
Năm là, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy và tổ chức đảng từ Trung ương tới cơ sở; Chuẩn bị thật tốt các điều kiện để đảm bảo chỉ đạo thành công đại hội cấp trên cơ sở và đại hội đảng bộ các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương./.