“Dư luận nói kê khai thu nhập chỉ là hình thức là có cơ sở”
VOV.VN - “Cả một năm phát hiện được rất ít trường hợp kê khai không trung thực, là không đúng thực tế”, Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng nói
Trả lời câu hỏi của báo chí xung quanh vấn đề kiểm soát thu nhập của cán bộ công chức tại cuộc họp báo quý IV/2015 của Thanh tra Chính phủ ngày 7/1, Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt cho biết xuất phát từ chủ trương, chỉ thị của Đảng liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, Chính phủ đã giao Thanh tra Chính phủ chủ trì lên kế hoạch về tổ chức kê khai và minh bạch tài sản của cán bộ công chức. Hiện Thanh tra Chính phủ, cụ thể là Cục Phòng chống tham nhũng đang thực hiện. Theo kế hoạch này, hàng năm sẽ có đánh giá đối với cán bộ của các ngành, địa phương.
|
Về Đề án kiểm soát thu nhập, ông Đạt cho biết, Chính phủ đã chấp nhận và yêu cầu phải phù hợp với chủ trương của Đảng. Về đối tượng kê khai tài sản sẽ phải gọn lại, hiện nay con số 1 triệu cán bộ, công chức phải kê khai sẽ rất khó quản lý và hình thức đúng như dư luận nhận xét. Bên cạnh đó, một khi đã yêu cầu kê khai thì phải công khai, muốn công khai phải có sự xác minh và thẩm định tính chính xác và trung thực của nội dung kê khai. “Vấn đề này theo tôi tới đây cần phải đưa vào luật mới có thể giải quyết được”, ông Đạt nhấn mạnh.
“Cả một năm mà phát hiện được rất ít trường hợp kê khai không trung thực, còn thực chất là không đúng thực tế. Vì thế dư luận mới nói giải pháp kê khai này chỉ là hình thức là có căn cứ”, ông Đạt chia sẻ.
Ông Phạm Trọng Đạt cũng cho biết, tới đây cùng với việc tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ sẽ tìm ra nguyên nhân và có giải pháp kết hợp với Đề án kiểm soát thu nhập để trình Chính phủ, Quốc hội để nội luật hóa thì chắc chắn sẽ giải quyết được vấn đề tham nhũng.
Về nội dung công khai tài sản, thu nhập, ông Đạt cho biết sẽ có 2 hình thức: công khai ở tại cơ quan, đơn vị theo hình thức dán niêm yết, thông báo trong 30 ngày; và công khai tại cuộc họp ở trong cơ quan, đơn vị.
“Vừa rồi, Trung ương có đề nghị phải công khai tài sản, thu nhập của cán bộ công chức ở nơi cư trú, tuy nhiên Thanh tra Chính phủ đã có kiến nghị với Chính phủ và đề nghị với Trung ương để tiếp tục nghiên cứu hình thức công khai này bởi sẽ phải thực hiện ra sao để kẻ xấu không lợi dụng để làm phức tạp tình hình. Chúng tôi sẽ đề nghị với Trung ương để lựa chọn những đối tượng và thời điểm thích hợp. Chúng tôi hy vọng đến cuối năm 2016 sẽ hoàn thành”, ông Đạt nói.
Tại cuộc họp báo, ông Lê Hồng Lĩnh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính và Tổng hợp thuộc Thanh tra Chính phủ, cho biết năm 2015 đã có 19.179 cơ quan, tổ chức, đơn vị được kiểm tra việc thực hiện các giải pháp công khai minh bạch phòng chống tham nhũng, qua đó phát hiện 415 cơ quan, tổ chức đơn vị vi phạm quy định về công khai minh bạch.
Đối với kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn: năm 2013 có 944.425 người đã kê khai tài sản, thu nhập trên tổng số 952.178 người phải kê khai (đạt 99,2%); 914.245 bản kê khai đã công khai (đạt tỷ lệ 96,8% so với số bản đã kê khai). Năm 2014: Tỷ lệ kê khai tài sản, thu nhập đạt 99,5% (tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước). Số bản kê khai đã công khai đạt tỷ lệ 98,3% (tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước). Có 1.225 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập, trong đó phát hiện 5 người kê khai không trung thực. Đã tiến hành xử lý kỷ luật 2 người.
Các cấp, các ngành đã tiến hành xử lý 212 người đứng đầu do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Trong đó đã xử lý 200 người: 16 người bị xử lý hình sự, 184 người bị xử lý kỷ luật hành chính./.