“Kê khai tài sản nên tập trung vào những cán bộ cao cấp”
VOV.VN - “Để việc kê khai tài sản trong thời gian tới đạt hiệu quả, nên tập trung vào đội ngũ cán bộ cao cấp, từ cấp Cục trưởng, Vụ trưởng trở lên để làm điểm".
Viện Khoa học thanh tra – Thanh tra Chính phủ vừa công bố, tính đến 31/5/2015 có 93 cơ quan, đơn vị gửi báo cáo kết quả minh bạch tài sản thu nhập về Thanh tra Chính phủ. Kết quả có 995.383/999.416 (đạt 99,6%) người đã kê khai; trong đó có 979.296 (đạt 98,4%) bản kê khai tài sản thu nhập đã được công khai. Tuy nhiên, trong tổng số 1.225 người thuộc diện phải xác minh chỉ phát hiện, kết luận 4 người kê khai không trung thực.
Số vụ việc phát hiện tham nhũng hoặc ít nhất là kê khai thiếu trung thực và bị xử lý là rất ít, mỗi năm chỉ vài vụ, chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với số lượng gần 1 triệu bản kê khai tài sản. Năm 2013, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng dưới 10%; năm 2014 là khoảng 22%.
Bà Đỗ Thị Thanh Huyền (giữa) trả lời phỏng vấn tại phòng thu của VOV |
Bên cạnh đó, độ phủ sóng của Nghị định 78 về kê khai tài sản hiện nay là quá lớn. Như báo cáo của Thanh tra Chính phủ có tới gần 1 triệu cán bộ công chức đã thực hiện kê khai tài sản. Song con số này (theo Nghị định 78) mới chiếm khoảng 1/3-1/4 so với tổng lực lượng cán bộ công chức, viên chức hiện nay.
Bà Huyền cũng rất băn khoăn về con số 93 cơ quan, đơn vị này có công khai ở cổng thông tin điện tử của Thanh tra Chính phủ hay ở phương tiện thông tin đại chúng hay không? Vì muốn xóa bỏ tính hình thức của việc kê khai tài sản thì cơ quan phụ trách vấn đề này cũng nên “điểm mặt, chỉ tên” những cơ quan đã thực hiện và những cơ quan nào chưa thực hiện, nhằm thúc đẩy tính khả thi của Nghị định 78 cũng như tính minh bạch về thông tin.
Về kết luận 4 người kê khai tài sản không trung thực trong tổng số hơn 1200 người thuộc diện phải xác minh, có nhiều ý kiến bày tỏ lạc quan về đội ngũ cán bộ công chức hiện nay tương đối trong sạch. Tuy nhiên, cũng không ít người nghi ngờ về tính hiệu quả của hoạt động kê khai tài sản, làm sao công khai, minh bạch hơn để người dân cùng tham gia vào quá trình giám sát thay vì “đóng cửa bảo nhau” như hiện nay.
Kê khai tài sản rồi cất vào tủ thì làm sao “vạch mặt” được quan tham?
Minh bạch tài sản của người có chức vụ, quyền hạn đã được luật hóa và có hiệu lực từ lâu. Tuy nhiên, chỉ đến khi một vị chức sắc nào đó ra hầu tòa thì của nả “chìm nổi” mới đột nhiên lộ ra. Nhiều người cho rằng, chủ trương về minh bạch tài sản của người có chức vụ, quyền hạn là đúng nhưng thực hiện chưa đúng. Việc kê khai và minh bạch tài sản của cán bộ công chức bộc lộ nhiều bất cập là do quá trình thực hiện còn mang nặng tính hình thức, gò ép, chưa hối thúc tinh thần tự nguyện của người có trách nhiệm kê khai.
Một trong những điểm quan trọng khiến nhân dân không tin tưởng vào công tác công khai, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ công chức hiện nay là vì người dân và ngay cả truyền thông chưa tiếp cận được với những tài liệu kê khai nên việc có bằng chứng nhằm chứng minh hành vi gian dối là rất khó khăn.
Làm thế nào để xác minh được việc kê khai tài sản của người cán bộ đó là trung thực, sát với thực tế? Theo bà Huyền, để làm được điều này cần có sự tham gia của các bên chứ không chỉ có cơ quan chủ quản của cán bộ đó. Hơn nữa, cần phải thực hiện tốt vai trò giám sát của xã hội, làm thế nào để người dân ở khu dân cư cùng với cơ quan chủ quản giám sát thì mới phát huy được tác dụng của việc kê khai có trung thực hay không.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Kê khai tài sản có quá nhiều kẽ hở
“Việc đảm bảo tính chính xác hay không, ngoài vấn đề tiền lương của cán bộ công chức đó, chúng ta cũng xem thu nhập ngoài lương của họ là gì”. Thu nhập ngoài lương đó là chính đáng hay không chính đáng; phương tiện đi lại là phương tiện công hay tư; số tài sản là bao nhiêu… đó là những cơ sở để xác định số tài sản mà cán bộ đó kê khai là hợp pháp và chính xác. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhấn mạnh vai trò của kiểm toán độc lập và thanh tra. Nếu có vấn đề nghi vấn về kê khai tài sản thì cần tìm hiểu, thanh tra kỹ hơn”, bà Huyền nói.
Hiện nay, đang có xu hướng thanh toán tiền lương qua tài khoản, hay thanh toán chi tiêu qua thẻ tín dụng. Nếu Việt Nam dần dần áp dụng biện pháp này cũng có thể kiểm soát được vấn đề thu-chi dễ dàng hơn.
Công khai, minh bạch được coi là yếu tố quan trọng trong công tác phòng chống tham nhũng, thế nhưng một khi bệnh hình thức vẫn còn ăn sâu, bám rễ, việc thực hiện chưa quyết liệt thì việc công khai minh bạch vẫn chưa đáp ứng được mong muốn. Theo chuyên gia Đỗ Thị Thanh Huyền, để việc kê khai tài sản trong thời gian tới nâng cao hiệu quả, nên tập trung vào đội ngũ cán bộ cao cấp, cụ thể từ cấp Cục trưởng, Vụ trưởng trở lên để làm điểm.
“Ngoài việc kê khai, chúng ta cũng nên công khai. Vì tiền lương của những cán bộ này đã công khai trên internet thì với bản kê khai được công khai đầy đủ, chỉ nên che những thông tin cá nhân, số chứng minh thư nhân dân cũng như địa chỉ cụ thể. Đây cũng là cách mà các quốc gia Đông Âu khác đang thực hiện, như Argentina có 3,8 triệu cán bộ, viên chức nhưng họ chỉ yêu cầu 36.000 người kê khai tài sản, đó là những người có vị trí cao trong bộ máy chính quyền; Hay như Brazil họ có 11 triệu cán bộ công chức nhưng họ chỉ yêu cầu 100.000 người kê khai tài sản…", chuyên gia Đỗ Thị Thanh Huyền chia sẻ.
Kê khai tài sản: Ai giám sát sự trung thực của cán bộ?
Bên cạnh đó, một trong những biện pháp rất quan trọng đó là đưa các chế tài vào các văn bản luật. Nếu ai, hay tổ chức nào không thực hiện quy định trong luật thì sẽ có các chế tài như phạt hành chính hay hình sự hóa".
Ngoài sự chỉnh sửa, hoàn thiện về mặt pháp luật để kiểm soát chặt chẽ tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, toàn dân phải cùng vào cuộc, giám sát sự trung thực của các đối tượng thuộc diện kê khai. Công việc dẫu sẽ có những khó khăn nhưng khi có sự quyết tâm của cả xã hội thì chắc chắn căn bệnh hình trong kê khai tài sản sẽ sớm được giải quyết./.