Kê khai tài sản cán bộ: Gần 1 triệu bản khai chỉ 4 người gian dối
Quy định về kê khai tài sản hiện nay vẫn còn kẽ hở và đã xuất hiện hiện tượng kê khai khống tài sản để dự phòng hợp thức hóa tài sản trong tương lai.
Những hạn chế, bất cập trong thực hiện kê khai tài sản hiện nay vừa được nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học thanh tra - Thanh tra Chính phủ (TTCP) đề cập trong Báo cáo kết quả nghiên cứu, khảo sát về việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, thu hồi tài sản tham nhũng.
Tòa nhà 3 tầng của gia đình bị can Giang Kim Đạt được cho là tài sản tham nhũng mà có. |
Kê khai tài sản còn hình thức
Kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn nhằm phòng ngừa làm giàu bất chính và xung đột lợi ích trong thực thi công vụ là một biện pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả. Tuy nhiên, việc triển khai trên thực tế biện pháp này được cho là nặng tính hình thức và hiệu quả còn hạn chế.
Nhóm khảo sát đã thực hiện nghiên cứu trên, hoạt động khảo sát được tiến hành thực địa tại 5 địa phương, 8 bộ ngành, đồng thời khảo sát thông qua phiếu hỏi được gửi đến 16 bộ, ngành, một số sở, ngành của 58 tỉnh, thành phố với 2 nhóm đối tượng tham gia cuộc khảo sát: cán bộ, công chức và người dân.
Kết quả khảo sát về kê khai tài sản, thu nhập cho thấy: có 17,5% công chức, viên chức cho rằng biện pháp này không có tác dụng; 60,6% chỉ có tác dụng phần nào và 20,1% có tác dụng. Trong khi đó, 21,3% người dân được hỏi ý kiến cho rằng, không có tác dụng; 36,7% ít có tác dụng và 30% có tác dụng.
Nhận định về biện pháp kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, nhiều ý kiến đồng tình với việc kê khai tài sản chưa hiệu quả, mất thời gian, tính trung thực không cao do chúng ta không có đủ điều kiện để kiểm soát tài sản, thu nhập của toàn xã hội.
Bên cạnh đó, vấn đề quản lý thu nhập ở Việt Nam hiện nay rất khó khăn do sử dụng tiền mặt là chủ yếu, vì vậy việc xác định tài sản do tham nhũng bị hạn chế. Những tài sản thực sự của người này mang tên người kia không hiếm, với quy định pháp luật về kê khai tài sản hiện nay vẫn còn kẽ hở và đã xuất hiện hiện tượng kê khai khống tài sản để dự phòng hợp thức hóa tài sản trong tương lai.
Cần có cơ quan quản lý bản kê khai tài sản
Theo đại diện nhóm nghiên cứu, việc kê khai tài sản đã dần đi vào nề nếp, nhưng số vụ việc phát hiện tham nhũng hoặc ít nhất là kê khai thiếu trung thực và bị xử lý rất ít, mỗi năm chỉ một vài vụ - tỷ lệ rất nhỏ so với số lượng gần một triệu bản kê khai tài sản.
Tính đến 31/5/2015 có 93 cơ quan, đơn vị gửi báo cáo kết quả minh bạch tài sản thu nhập về Thanh tra Chính phủ. Kết quả có 995.383/999.416 (đạt 99,6%) người đã kê khai; trong đó có 979.296 (đạt 98,4%) bản kê khai tài sản thu nhập đã được công khai. Tuy nhiên, trong tổng số 1.225 người thuộc diện phải xác minh chỉ phát hiện, kết luận 4 người kê khai không trung thực.
Những giải pháp được nhóm nghiên cứu đưa ra là sửa đổi quy định pháp luật về minh bạch tài sản, thu nhập theo hướng hạn chế đối tượng công khai, phân nhóm mức độ công khai thông tin tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai. Mở rộng quyền tiếp cận thông tin của công chúng (người dân, báo chí) thông qua hình thức công khai khác ngoài quy định pháp luật hiện nay đối với tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai trên cơ sở kiểm soát chặt mục đích sử dụng thông tin về tài sản của người có nghĩa vụ kê khai.
Nhiều đại biểu tham dự tọa đàm cho rằng, điều quan trọng là cần có cơ chế để các bản kê khai tài sản đều được xác minh về tính trung thực. Muốn vậy, cần có cơ quan quản lý tập trung bản kê khai tài sản.
Nguyên nhân hạn chế hiệu quả của biện pháp kê khai tài sản, thu nhập:
- 23,7% công chức, viên chức cho rằng, quy định về việc chỉ kê khai tài sản của người có chức vụ, quyền hạn, vợ (chồng), con chưa thành niên là chưa đầy đủ. Con số này đối với người dân là 28%.
- 32,4% công chức, viên chức và 22,3% người dân đồng ý với nhận định có quá nhiều đối tượng phải kê khai nên khó kiểm soát hiệu quả.
- 39,7% công chức, viên chức cho rằng thông tin của bản kê khai chưa được công khai rộng rãi cho người dân biết./.