Chống tham nhũng: Người được kê khai tài sản chưa trung thực
VOV.VN - Người đứng đầu Thanh tra Chính phủ thừa nhận việc kê khai tài sản còn hình thức
Vai trò của cộng đồng trong công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua đã có những dấu hiệu tích cực, tuy nhiên do công tác bảo vệ người tố cáo tham nhũng vẫn còn nhiều bất cập nên việc huy động cộng đồng cùng phòng chống tham nhũng còn nhiều hạn chế.
Sẽ nâng mức khen, thưởng người tố cáo tham nhũng
Theo người đứng đầu Thanh tra Chính phủ, nhận thức và sự tham gia của mọi thành phần, khu vực trong xã hội vào công tác phòng chống tham nhũng ngày càng được đẩy mạnh. Phòng chống tham nhũng không còn được coi là nhiệm vụ của riêng Chính phủ. Người dân giờ đây không còn thụ động, e ngại, chỉ ngồi quan sát và bình luận về những gì mà các cơ quan nhà nước đang làm, mà đã thực sự chủ động tham gia tích cực vào những nỗ lực phòng chống tham nhũng chung của cả hệ thống chính trị bằng những hành động rất thiết thực và có tính lan tỏa cao.
Phải có chế tài buộc người kê khai tài sản phải trung thực
Trả lời câu hỏi của báo chí về tổng kết của Thanh tra Chính phủ cho rằng kê khai tài sản – một trong những biện pháp để phòng chống tham nhũng nhưng lại được xếp vào nhóm giải pháp kém hiệu quả, Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng kết quả việc thực hiện kê khai tài sản thời gian qua đã có nhiều tiến bộ, số đối tượng kê khai đã đạt 99%; công khai tài sản đạt hơn 96%. Những kết quả đó có thể coi là kết quả tích cực nhưng cũng còn những khiếm khuyết, hình thức.
Tổng Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra nguyên nhân của những tồn tại hạn chế này là do là việc kê khai tài sản, nhận thức, tính tự giác của người được kê khai chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, vai trò của người lãnh đạo cơ quan, thủ trưởng đơn vị chưa quan tâm đúng mức. Thêm nữa, chế tài chưa đủ mạnh, chưa có biện pháp xử lý kịp thời, đầy đủ đối với việc thiếu trung thực trong kê khai tài sản.
Tư lệnh ngành Thanh tra cho rằng, để buộc người được kê khai tài sản phải trung thực hơn, cần có những giải pháp đầy đủ, kịp thời trong thời gian tới. Cụ thể, phải tiếp tục nâng cao nhận thức, tính tự giác của người được kê khai đồng thời phải có cơ chế kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ; hoàn thiện pháp luật, quy định thật chặt chẽ trên cơ sở Chỉ thị 33 của Bộ Chính trị, Nghị định 78 của Chính phủ; đặc biệt phải xác minh đầy đủ diện kê khai không trung thực để xử lý mạnh; thu hẹp diện kê khai, cả nước hiện có gần 1 triệu đối tượng trong diện phải kê khai, gây khó khăn cho việc xác minh./.