Khiếu nại-tố cáo chỉ dứt điểm khi tôn trọng pháp luật
(VOV)-Cả cơ quan quản lý và người dân vẫn chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về khiếu nại-tố cáo.
Theo Thanh tra Chính phủ, tình hình khiếu nại của công dân trong quý 1 vừa qua tăng so với cùng kỳ năm 2012 cả về số lượt, số đoàn đông người và nội dung khiếu nại vẫn chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai. Đây là vấn đề không mới, bởi khiếu nại-tố cáo đều tăng qua các năm, không tăng về số lượng thì tăng về tính chất, mức độ gay gắt. Giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại-tố cáo dường như là bài toán khó đối với Thanh tra Chính phủ và các ngành chức năng. Nó là biểu hiện rõ nhất của thái độ thực hiện pháp luật, tôn trọng pháp luật của cơ quan quản lý, cơ quan giải quyết khiếu nại-tố cáo và người khiếu nại-tố cáo.
Điển hình của tình trạng khiếu nại-tố cáo phức tạp, kéo dài là 528 vụ việc, trong đó có vụ tồn đọng hơn 30 năm đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo yêu cầu giải quyết dứt điểm trong quý 1 năm nay. Mặc dù hết sức cố gắng, nhưng theo Tổng Thanh tra Chính phủ, cũng chỉ có thể giải quyết được 90% số vụ việc.
Có 4 nguyên nhân chính của thực trạng này đã được đưa ra. Đó là cơ chế, chính sách chưa đầy đủ, một số trường hợp chưa bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân; là do lịch sử để lại; còn có nơi giải quyết chưa dứt điểm, chưa làm rõ khiếu nại của công dân; một số ít trường hợp, công dân chưa hiểu rõ các quy định của pháp luật, về quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại tố cáo.
Người dân đến Sở Tài nguyên-Môi trường Hà Nội khiếu nại về đất đai (ảnh: NLĐ)
|
Cho đến nay, có thể nói, hệ thống văn bản pháp luật về khiếu nại-tố cáo đã khá đầy đủ với Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo được ban hành năm 2011; chưa kể các văn bản quy phạm pháp luật của từng cấp, từng ngành. Trong đó, đề cập rõ ràng trách nhiệm, nghĩa vụ của người khiếu nại-tố cáo; thẩm quyền cơ quan giải quyết khiếu nại-tố cáo… Nhưng dù vậy, số lượng và tính chất, mức độ gay gắt của đơn thư khiếu nại-tố cáo vẫn không ngừng gia tăng qua các năm, gây lo ngại cho cơ quan quản lý, gây bức xúc trong dư luận nhân dân. Thực tế ấy cho thấy, cả cơ quan quản lý và người dân vẫn chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về khiếu nại-tố cáo.
Về phía cơ quan quản lý, việc một số người có thẩm quyền, cơ quan quản lý quan liêu, thờ ơ trước nỗi bức xúc của người dân dường như không còn là “hiện tượng” mà đã trở nên phổ biến. Thậm chí, nhiều trường hợp vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, vì những mối quan hệ không lành mạnh, họ thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của người dân một cách tinh vi. Chính những việc làm đó gây nên sự hoài nghi, không tin tưởng trong dư luận nhân dân về đội ngũ cán bộ, về chủ trương, chính sách, pháp luật. Không những vậy, khi người dân thắc mắc, yêu cầu giải quyết thì họ sẵn sàng đùn đẩy trách nhiệm; hoặc lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp luật của một số người dân để ra các quyết định trái thực tế, sai pháp luật.
Về phía người khiếu nại-tố cáo dường như sự phản ứng tức thì của người dân giờ đây đã trở thành “thói quen” trong mối quan hệ với cơ quan quản lý. Cho dù những vấn đề họ thắc mắc đã được cơ quan, người có chức năng, thẩm quyền giải quyết đúng quy định của pháp luật nhưng trong nhiều trường hợp họ không chấp nhận mà vẫn tiếp tục khiếu nại, gửi đơn nhiều nơi, gửi vượt cấp. Một bộ phận người dân không vì lợi ích chung còn vi phạm pháp luật về khiếu nại tố cáo, đưa những thông tin sai sự thật. Việc làm này, dù vô tình hay hữu ý đã làm phức tạp thêm tình hình, gây hiệu ứng không tốt trong dư luận.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tháng 5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu rà soát lại 528 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng.
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, khoảng 90% vụ việc được giải quyết trong thời điểm này và sẽ tiến hành đối thoại với người dân trong tất cả các vụ việc cần giải quyết. Đó là một động thái rất tích cực từ phía cơ quan giữ vai trò quản lý Nhà nước về công tác giải quyết khiếu nại-tố cáo. Đây cũng là việc làm thể hiện tính minh bạch, rõ ràng về trách nhiệm, về pháp luật và quan trọng là để người dân hiểu rõ vụ việc được giải quyết đã thực sự đúng quy định của pháp luật hay chưa.
Ngoài những tác động mạnh mẽ của nó đối với dư luận xã hội, với công tác quản lý xã hội bằng pháp luật, nó còn đóng góp lớn cho việc sửa đổi, bổ sung những điều còn bất cập của Luật Đất đai-một trong những nguồn cơn gây nên tình trạng khiếu nại-tố cáo nhiều năm qua.
Chúng ta đã có một hành lang pháp lý về khiếu nại-tố cáo, đặc biệt Dự thảo Luật Tiếp công dân đang được xem xét, góp ý để hoàn thiện. Vậy nên, nếu như pháp luật được tôn trọng, nếu như các cơ quan quản lý và mọi công dân đều vì lợi ích chung thì mọi vụ việc dù phức tạp đến đâu cũng có thể giải quyết được. Và lúc đó, khiếu nại-tố cáo không còn là bài toán khó có lời giải của Thanh tra Chính phủ cũng như các bộ, ngành chức năng./.