Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ

Tại các địa phương diễn ra nhiều hoạt động dâng hương, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.  

Kỷ niệm 63 năm ngày Thương binh- Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2010), sáng 27/7, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt vòng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ; đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam.

Tham dự Lễ tưởng niệm có Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm cùng nhiều đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng,  Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội; các vị lão thành cách mạng.

Vòng hoa của đoàn mang dòng chữ: "Đời đời nhớ ơn các Anh hùng liệt sĩ". Sau khi đặt vòng hoa, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước kính cẩn nghiêng mình trước vong linh các Anh hùng liệt sĩ - những người con ưu tú của dân tộc, đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tự do của tổ quốc, vì cuộc sống bình yên của nhân dân.

Tiếp đó, Đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh dẫn đầu đã tới đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước bày tỏ niềm thành kính, tưởng nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.

Cũng trong sáng 27/7, đoàn đại biểu của các Bộ: Quốc phòng, Công an, Lao động-Thương binh và Xã hội; Thành uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội cùng đông đảo nhân dân Thủ đô đặt vòng hoa tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ; đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

** Kỷ niệm 63 năm Ngày thương binh, liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2010), sau hơn 1 năm xây dựng, ngày 25/7/2010, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Thanh Miện vừa tổ chức trọng thể lễ cắt băng khánh thành Đền liệt sỹ huyện.

Sau khi tái lập huyện năm 1996, Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã thống nhất xây dựng Nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ của huyện. Tuy nhiên, do tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ đô thị hóa ở khu vực thị trấn khá nhanh nên Nhà tưởng niệm có quy mô chưa tương xứng với tầm vóc và ý nghĩa của một công trình văn hóa lớn. Vì vậy, Ban thường vụ, Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã thống nhất di chuyển và xây mới Đền liệt sỹ ra xứ Đồng Cát khu Bất Nạo, thị trấn Thanh Miện với diện tích toàn khuôn viên 21.160m2. Với tổng mức đầu tư 17 tỷ đồng, Đền liệt sỹ là một công trình văn hóa lớn của huyện Thanh Miện, thể hiện sự tri ân công lao to lớn của các anh hùng liệt sỹ, làm vơi đi những mất mát đau thương của thân nhân các gia đình liệt sỹ; đồng thời, là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ của huyện.

Thanh Miện là vùng quê sớm có phong trào cách mạng của tỉnh Hải Dương. Trong các cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của dân tộc, huyện Thanh Miện đã huy động cho tiền tuyến gần chục vạn tấn lương thực, thực phẩm, hàng chục vạn ngày công lao động cùng nhiều nhu yếu phẩm quan trọng. Đặc biệt, đã tiễn đưa hàng vạn thanh niên lên đường cầm súng giết giặc. Toàn huyện có 3.724 liệt sỹ và gần 2.557 thương, bệnh binh, có 145 bà mẹ được Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng, 3 đồng chí được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

**  Kỷ niệm 63 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2010),  tối 26/7, Sở Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Tỉnh Đoàn Đồng Tháp tổ chức lễ Thắp nến tri ân tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh và Nghĩa trang Biên Giới Tam Nông. Đông đảo đoàn viên thanh niên là sinh viên - học sinh đến từ các trường trong và ngoài tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân trong tỉnh tham dự. Sau lễ tưởng niệm và dâng hương, lãnh đạo tỉnh cùng 640 đoàn viên thanh niên tham gia thắp nến và đặt hoa 6.580 mộ liệt sĩ.

Đoàn viên thanh niên tham gia thắp nến tại Nghĩa trang liệt sỉ Đồng Tháp

** Kỷ niệm 63 năm ngày Thương binh Liệt sĩ hơn 300 cựu chiến binh  từng chiến đấu tại Quảng Trị đã tổ chức cuộc " Hành hương Ấm rừng đồng đội" với nhiều hoạt động nghĩa tình. Không chỉ thăm và thắp hương tưởng nhớ đồng đội, tổ chức các hoạt động tri ân đồng bào, chiến sĩ các địa phương ở Quảng Trị đang thay mặt cả nước chăm lo hương khói cho phần mộ và vong linh các liệt sĩ. Các anh còn tổ chức trao học bổng "Lấy quá khứ dưỡng tương lai" cho các trường học, giao lưu với đoàn thanh niên, tổ chức lễ thắp nến Tiếp lửa truyền thống tại các Nghĩa trang liệt sĩ, tổ chức lửa trại "Đêm ấm rừng đồng đội", tổ chức đưa đón Bộ đội về làng cùng ăn, cùng ở với dân. Đặc biệt, lần này các anh mang theo 3 hộp đất từ  3 miền đó là Đất từ Hoàng thành Thăng Long, biểu trưng cho đất thiêng của vùng quê Bắc Bộ, Đất thỉnh từ núi Chung, Nam Đàn, quê hương của Bác Hồ, biểu trưng cho đất thiêng của vùng quê Trung Bộ, đất 18 thôn vườn trầu Bà Điểm, TP HCM, biểu trưng cho đất thiêng của vùng quê Nam Bộ. Cùng với đất là nước của Hồ Gươm, nước sông Lam, nước sông Sài Gòn, Đất và nước thiêng sẽ được hóa vào lư hương và hòa vào dòng sông Thạch Hãn.

** Sáng 27/7, tại nghĩa trang liệt sĩ thành phố Hồ Chí Minh và Đền Bến Nọc, Quận 9, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban Nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh tổ chức trọng thể lễ mít tinh  kỷ niệm 63 năm ngày thương binh liệt sĩ.

Tại Nghĩa trang liệt sĩ thành phố, ông Lê thanh Hải, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh cùng các vị lão thành cách mạng, mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân gia đình liệt sĩ, đại diện các ban ngành đoàn thể cùng đông đảo người dân thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đã dâng hương, đặt vòng hoa tưởng niệm và tri ân các anh hùng, liệt sỹ.

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hàng triệu người con ưu tú của vùng đất thành đồng đã hy sinh, cống hiến một phần xương máu và cuộc đời vì nền độc lập dân tộc, thống nhất tổ quốc. Tiếp tục phát huy bản chất truyền thống cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, những người lính năm xưa không ngừng phấn đấu nỗ lực góp phần xây dựng thành phố Hồ Chí Minh ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Trung tướng Đỗ Xuân Công, Hội Cựu chiến binh thành phố khẳng định: “Các cấp hội luôn luôn là chỗ dự vững chắc, tin tưởng cho các cấp ủy đảng , chính quyền và nhân dân địa phương. Người lính năm xưa, cựu chiến binh ngày nay tuổi tác càng cao sức khỏe ngày càng yếu đi nhưng ý chí cách mạng lòng trung kiên với Đảng, mục tiêu ý tưởng cộng sản không bao giờ thay đổi”.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có hơn 140.000 người được công nhận là người có công với Tổ quốc, hơn 70.000 người được hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên, hơn 5.000 gia đình được hưởng chế độ hỗ trợ về nhà ở và đất ở theo diện gia đình chính sách…với tổng chi phí trung bình hơn 50 tỷ đồng/tháng. Thành phố đã lập và giải quyết chế độ chính sách cho hơn gia đình 45.500 liệt sĩ, quy tập về các nghĩa trang trên 25.200 liệt sĩ. Công tác đền ơn đáp nghĩa được các cấp đặc biệt quan tâm.Trong 6 tháng đầu năm nay, Thành phố đã xây tặng 45 nhà tình nghĩa, 252 nhà tình thương, sữa chữa chống dột cho 215 căn hộ của gia đình chính sách.

Cùng với việc thăm hỏi động viên, tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương cho gia đình chính sách, Uỷ ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh còn vận động xây, tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, tặng sổ tiết kiệm cho bà con các tỉnh, thành đã che chở cán bộ và nhân dân thành phố trong kháng chiến. Thành phố đang phụng dưỡng suốt đời trên 250 Mẹ Việt Nam anh hùng tại các tỉnh: Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cà Mau, Bạc Liêu, Quảng Ngãi, Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước. Đến nay, hơn 50 tỷ đồng của Qũy đền ơn đáp nghĩa từ sự đóng góp các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và nhân dân Thành phố đã góp phần chăm lo cho các gia đình chính sách

Nhân dịp này, lực lượng đoàn viên thanh niên thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực  hướng về ngày thương binh liệt sĩ như: Tổ chức các chuyến thăm hỏi, giao lưu tìm hiểu về các căn cứ cách mạng Địa đạo Củ Chi, địa đạo Phú Thọ Hòa, chiến khu D, chiến khu Rừng Sác… tổ chức những buổi nói chuyện truyền thống để đoàn viên thanh niên nhận thức sâu sắc về lòng yêu nước, sự kiên cường của thế hệ cha ông. 

Anh Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch thường trực Hội liên hiệp thanh niên, Quận đoàn quận 9 cho biết: Tối 27/7 sẽ tổ chức lễ thắp nên tri ân tại hai địa điểm là Đền Bến Nọc- nơi có 700 chiến sĩ đồng bào đã nằm xuống và tại tượng đài cánh nam là nơi tưởng niệm cho 1.600 chiến sĩ. Ngoài ra chúng tôi còn tổ chức các hoạt động như: Nấu cơm, lau bàn thờ giúp các gia đình liệt sĩ tạo tình cảm ấm cúng đẻ họ cảm thấy ấm áp trong ngày thương binh liệt sĩ này.

** Sáng 27/7, tỉnh Sơn La tổ chức viếng nghĩa trang liệt sỹ nhà ngục Sơn La, thắp hương tưởng nhớ công lao vẻ vang của cha anh.

Sau lễ viếng, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã tổ chức đi thăm, tặng quà một số gia đình thương binh, liệt sĩ trên địa bàn thành phố Sơn La bày tỏ lòng tri ân đối với các anh hùng liệt sỹ và thương binh. Dịp này, tỉnh Sơn La đã chuyển trao gần 3 nghìn 800 suất quà của Chủ tịch nước tới các mẹ việt nam Anh hùng, đối tượng hưởng tuất nuôi dưỡng liệt sỹ, thương binh và đại diện thân nhân liệt sỹ. Tỉnh Sơn La cũng dành gần 1,6 tỷ đồng để thăm hỏi, tặng quà gần 4.400 đối tượng chính sách trên địa bàn. Các địa phương, cơ quan, đơn vị, khu dân cư đều có các hoạt động gặp mặt, thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách trên địa bàn thể hiện tấm lòng tri ân với những người có công với đất nước.

Nhân ngày Thương binh Liệt sĩ, sáng 27/7, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ tưởng niệm và cầu siêu bạt độ tưởng niệm anh linh các anh hùng liệt sĩ, nhân sĩ trí thức đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước tại Khu di tích lịch sử Chín Hầm, thành phố Huế. Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy Ban Dân tộc Hoàng Seo Phử và Giáo sư- Tiến sĩ Vũ Văn Hiền Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, cùng lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đến đặt vòng hoa và dự lễ tưởng niệm.

Qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, quân và dân Thừa Thiên Huế vượt qua mọi thử thách anh dũng hy sinh lập nên nhiều chiến công hiển hách. Gần 30.000 cán bộ chiến sĩ đã vĩnh viễn ngã xuống trên chiến trường Thừa Thiên Huế, trong đó có 2/3 liệt sĩ là con em tỉnh nhà. Khu di tích Chín Hầm trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước từng khét tiếng với hung danh “Địa ngục trần gian” do chính quyền tay sai Ngô Đình Cẩn - Ngô Đình Diệm dựng nên để tra tấn, giam cầm những người yêu nước.

Sau Lễ tưởng niệm, Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ cầu siêu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.

** Nhân dịp kỷ niệm 63 năm Ngày thương binh liệt sỹ, chiều 27/7, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh trao tặng Ban Quản lý di tích Côn Đảo hệ thống hỗ trợ tra cứu thông tin cảm ứng điện tử và phần mềm quản lý nghĩa trang và thăm viếng trực tuyến Hàng Dương - Côn Đảo.

Tổng giá trị dự án được trao tặng là 220 triệu đồng, gồm: phần mềm nghĩa trang liệt sỹ trực tuyến trên bản đồ kỹ thuật số 3D, hệ thống hỗ trợ tra cứu thông tin cảm ứng điện tử và website trực tuyến về nghĩa trang Hàng Dương. Qua hệ thống phần mềm này, Ban quản lý di tích Côn Đảo có thể quản lý, tra cứu thông tin liệt sĩ trực tuyến, người dân có thể tham quan ảo trực tuyến trên nền tảng bản đồ kỹ thuật số 3D, tìm thông tin liệt sỹ và tham quan nghĩa trang qua website… Công việc này của Sở nhằm tri ân những anh hùng liệt sỹ đã hy sinh tại Côn Đảo, tạo điều kiện cho những người thân, đồng đội, thế hệ trẻ có thể tìm hiểu, thăm viếng nghĩa trang thường xuyên hơn; đồng thời giúp cơ quan quản lý có một công cụ quản lý thông tin hiệu quả, hỗ trợ tích cực cho việc tìm kiếm và cập nhật hàng ngàn ngôi mộ liệt sỹ còn khuyết danh.

Nghĩa trang Hàng Dương là nghĩa trang lớn nhất tại Côn Đảo. Nơi đây chôn cất hàng vạn chiến sĩ cách mạng và người yêu nước Việt Nam qua nhiều thế hệ bị tù đày, kéo dài từ năm 1862 -1975.

** Nhân kỷ niệm ngày Thương binh-liệt sĩ, ngày 27/7, tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Tiền Giang có hơn 2.000 người đến  viếng, đặt tràng hoa, thắp hương tại các ngôi mộ liệt sĩ; trong đó có nhiều đoàn từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ. Đối với các xã, phường ở huyện Châu Thành và thành phố Mỹ Tho, hôm nay đều tổ chức đoàn đến viếng nghĩa trang trước khi họp mặt kỷ niệm ngày Thương binh-liệt sĩ.

Ban quản lý nghĩa trang liệt tỉnh Tiền Giang cho biết, ngày 27 /7 là dịp mà nhiều người đến nghĩa trang nhất trong năm. Cán bộ, nhân viên đơn vị đã tận tình phục vụ du khách nhất là các gia đình chính sách đến thăm mộ người thân tại đây./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên