Lười học tập chỉ thị, nghị quyết... cũng là suy thoái
VOV.VN - Cần kiên quyết đấu tranh với tình trạng “nắm bắt lý luận hời hợt” dẫn đến nhận thức sai lệch.
Nhận thức sai lệch lý luận và học tập lý luận chính trị
Việc học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của đảng viên có vai trò quan trọng nhằm thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII năm 1996, đã chỉ rõ: “Lười học tập, lười suy nghĩ, không thường xuyên tiếp nhận những thông tin mới, cũng là biểu hiện của sự thoái hóa”.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII chỉ ra một trong số biểu hiện để nhận diện sự suy thoái về tư tưởng chính trị trong đội ngũ cán bộ, đảng viên đó là “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước” và thẳng thắn thừa nhận: “Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giảng dạy và học tập nghị quyết của Đảng chưa được coi trọng đúng mức”.
Việc học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nghiên cứu lý luận chính trị là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, rèn luyện về phẩm chất đạo đức, do đó nếu nhận thức lơ là hoặc sai lệch về tầm quan trọng của việc học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nghiên cứu lý luận chính trị dễ dẫn đến tất yếu lười học, ngại học, học đối phó.
Hậu quả trước mắt là không thấu suốt Cương lĩnh, Điều lệ, chủ chương, nghị quyết của Đảng, không có lý luận dẫn đường, chỉ lối để vận động quần chúng, “đi sau, theo đuôi” quần chúng, không thể vận dụng được chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các học thuyết, các nguyên lý cơ bản và chân chính của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tư duy khoa học khách quan.
Đây là vấn đề hệ trọng, ảnh hưởng to lớn, thậm chí từ nó và do nó mà có thể kéo theo hàng loạt những vấn đề phức tạp, hệ trọng khác của suy thoái về đạo đức, lối sống, cách thức làm việc, tiềm ẩn những mối nguy hại đối với Đảng, Nhà nước và toàn bộ hệ thống chính trị.
Đảng ta đã thấy trước sự nguy hại của việc suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống sẽ dẫn tới “tự diễn biến”,“tự chuyển hóa”, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Nếu để xảy ra những hạn chế, khuyết điểm nêu trên, sẽ làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”.
Chuyển biến từ nhận thức đến hành động
Để phòng, chống tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên coi nhẹ việc học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng và cấp ủy các cấp; những biểu hiện sao nhãng, xem nhẹ việc nghiên cứu lý luận chính trị ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp và cán bộ, đảng viên về học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng, lý luận chính trị
Nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, của đội ngũ cán bộ đảng viên là cơ sở hàng đầu có ý nghĩa quyết định đến chất lượng học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nghiên cứu lí luận chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Vì vậy, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng cần tăng cường công tác tuyên truyền miệng, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, bí thư cấp ủy tiếp thu chỉ thị, nghị quyết của Đảng về trực tiếp truyền đạt cho cán bộ, đảng viên cơ quan.
Tránh tình trạng quán triệt, triển khai qua loa, hình thức, đồng thời thường xuyên thông tin, cập nhật những vấn đề thời sự, văn bản mới, kết quả và thành tựu, kết quả nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn với phương pháp thật sự khoa học, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của lý luận chính trị và tư tưởng Hồ Chí Minh, thấy rõ sự cấp thiết phải học tập nâng cao trình độ lý luận đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Hai là, cấp ủy các cấp thực hiện nghiêm quy định, chế độ học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nghiên cứu lý luận chính trị gắn với việc cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng yêu cầu: “Có kế hoạch học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận bắt buộc hằng năm đối với cán bộ, đảng viên, gắn với việc cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới phù hợp từng đối tượng, từng cấp, từng ngành, từng địa phương”.
Theo đó, cấp ủy các cấp cần duy trì và thực hiện đúng các quy định, chế độ về học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nghiên cứu lý luận chính trị; phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu, của cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp, phải coi việc học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nghiên cứu lý luận chính trị là nghĩa vụ bắt buộc đối với mọi cán bộ, đảng viên và phải được quy định thành chế độ để mọi người tự giác thực hiện. Khắc phục triệt để tình trạng lười, ngại học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng; những biểu hiện sao nhãng, xem nhẹ việc nghiên cứu lý luận chính trị của một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Thường xuyên cung cấp thông tin về những quan điểm, chủ trương mới của Đảng, Nhà nước đến cán bộ, đảng viên một cách kịp thời bảo đảm tính trung thực, đầy đủ, chính xác, khách quan, khoa học.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ rõ: “Chủ động định hướng, cung cấp thông tin thường xuyên hoặc đột xuất; chú trọng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những thành quả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt”. Kịp thời ngăn chặn, không để cán bộ, đảng viên hoang mang, dao động trước những thông tin thất thiệt, xuyên tạc, bịa đặt sai sự thật của các thế lực thù địch trên các trang mạng xã hội.
Ba là, phát huy tính tích cực, chủ động của mỗi cán bộ, đảng viên trong tự học tập, tự nghiên cứu Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; nghiên cứu Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để nâng cao trình độ lý luận chính trị
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nghiên cứu lý luận chính trị không chỉ dừng ở phạm vi trường lớp mà phải nêu cao tinh thần tự học, học ở mọi nơi, mọi lúc: “học ở trường, ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân”.
Cần dành thời gian nghiên cứu kỹ các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các nhà tư tưởng, vận dụng vào tình hình thực tiễn. Gắn những tri thức thu được vào thực tiễn cuộc sống, tránh lý luận suông. Không ngừng phấn đấu, tu dưỡng đạo đức cách mạng thông qua con đường học tập.
Trong học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nghiên cứu lý luận chính trị cần phải tránh hai khuynh hướng là giáo điều và kinh nghiệm chủ nghĩa, tiếp thu lý luận một cách máy móc “kinh viện”, không biết vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể; đồng thời phải tránh chủ nghĩa kinh nghiệm, tuyệt đối hóa vai trò của kinh nghiệm, coi nhẹ, phủ nhận vai trò của lý luận.
Mặt khác, phải gắn việc tự học, tự nghiên cứu với tích cực, chủ động đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là đấu tranh trên không gian mạng để làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội và bất mãn chính trị hiện nay.
Để khắc phục nhận thức sai lệch trong nghiên cứu, vận dụng lý luận chính trị và tư tưởng Hồ Chí Minh ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, cần kiên quyết đấu tranh với tình trạng “nắm bắt lý luận hời hợt” dẫn đến nhận thức sai lệch; khắc phục những biểu hiện của bệnh kinh nghiệm chủ nghĩa, giáo điều và nhất là bệnh coi nhẹ lý luận, ngại học lý luận chính trị và các chủ trương, đường lối của Đảng.
Đề cao trách nhiệm của mọi người trong khi đấu tranh với các quan điểm sai trái để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đặc biệt chú ý việc phát huy vai trò của các nhà khoa học, nhà lý luận, các lực lượng chuyên trách công tác ở các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương trong đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng. Cần tạo ra diễn đàn trên các báo, tạp chí, tổ chức các hội thảo khoa học, v.v.. để nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động nghiên cứu, vận dụng lý luận chính trị và tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn.
Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng, lấy kết quả học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nghiên cứu lý luận chính trị làm thước đo phẩm chất, năng lực, phân loại cán bộ, đảng viên
Đây là một khâu quan trọng trong đổi mới phương thức học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng; giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nhằm đối chiếu, so sánh kết quả đã đạt được với mục tiêu, yêu cầu đã xác định. Theo đó, cần tăng cường kiểm tra và quản lý chặt chẽ chất lượng học tập, quán triệt triển khai các nghị quyết của Đảng, hoạt động giáo dục lý luận chính trị phải bảo đảm thực chất, khách quan, hiệu quả thiết thực.
Thường xuyên biểu dương những tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện nghiêm, chấp hành tốt việc học tập, nghiên cứu; mặt khác góp ý, phê bình nghiêm khắc đối với những cán bộ, đảng viên có biểu hiện lơ là, chưa nghiêm túc trong học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nghiên cứu lý luận chính trị. Căn cứ vào ý thức, thái độ, trách nhiệm kết quả học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nghiên cứu lý luận chính trị để đánh giá, nhận xét, xếp loại, phân loại cán bộ, đảng viên và bình xét thi đua khen thưởng hàng năm.
Năm 1947 trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ chí Minh đã nhấn mạnh: “Có kinh nghiệm mà không có lý luận, cũng như một mắt sáng, một mắt mờ”.
Do đó, cần khắc phục tình trạng lười học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng, những biểu hiện sao nhãng, xem nhẹ việc nghiên cứu lý luận chính trị của một bộ phận cán bộ cán bộ, đảng viên, cần giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên nâng cao trình độ lý luận chính trị, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với mục tiêu lý tưởng cách mạng của Đảng, thấm nhuần lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm, chính sách của Đảng, Pháp luật Nhà nước trước tình hình thực tiễn của đất nước; giữ vững nguyên tắc tổ chức, lãnh đạo trong Đảng, phẩm chất, đạo đức, lối sống; kiên quyết đấu tranh và kịp thời nhận diện, phòng ngừa và ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, gắn với triển khai học tập chuyên đề “Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”./.