Mặt trận phải lắng nghe dân và nói cho dân hiểu
VOV.VN -Việc lắng nghe ý kiến nhân dân, nói cho nhân dân hiểu được xem là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt hệ thống Mặt trận trong những năm gần đây.
Ngày này cách đây 60 năm (ngày 10/9/1955), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra đời với mục đích đoàn kết dân tộc, đấu tranh đánh bại đế quốc Mỹ, xây dựng nước Việt Nam hoà bình thống nhất.
Đến nay Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã trở thành tên chung cho nhiều hình thức tổ chức được thành lập trong những giai đoạn khác nhau của lịch sử 85 năm Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam.
Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân thăm hỏi bà con các dân tộc Tuyên Quang. Ảnh: Hoàng Long. |
Ngày 10/9/1955, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thành lập trên cơ sở kế thừa những thành tựu, đóng góp của Mặt trận Việt Minh và Mặt trận Liên Việt trước đây, là điểm mốc đánh dấu giai đoạn phát triển mới của công cuộc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng: Ngay sau khi thành lập, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát huy tác dụng to lớn của mình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng như trong sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Đồng thời, góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân, ra sức động viên nhân dân tham gia bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, xây dựng chính quyền cách mạng, phát triển sản xuất, xây dựng kinh tế, thực hiện nếp sống mới, xây dựng con người mới.
Ông Phạm Thế Duyệt khẳng định: “Mặt trận Tổ quốc đã đoàn kết được tất cả các tầng lớp, giai cấp, dân tộc và cả kiều bào ta. Cho nên chúng ta có sức mạnh tổng hợp trên mặt trận quân sự chính trị, ngoại giao, nhân dân đồng tình, biết phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, đồng tâm nhất trí, không chịu làm nô lệ nên dứt khoát phải giữ bằng được độc lập nên đã giành được độc lập. Đây là hình thức tập hợp quần chúng sinh động và làm cho nhân dân ai cũng có điều kiện tham gia, bất kể họ là thành phần gì, đó là sáng tạo mà sau này chúng ta phát huy được”.
Lịch sử 60 năm đã khẳng định, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là ngôi nhà chung của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Hiện nay vẫn bản chất đó, vẫn tinh thần đó, vẫn lực lượng đó, khối đại đoàn kết ngày càng được tổ chức rộng rãi và sâu sắc hơn.
Những người làm Mặt trận luôn đề cao vấn đề tập hợp, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân để xây dựng và bảo vệ đất nước. Mặt trận không chỉ là ngôi nhà chung của khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà còn là đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho nhân dân khi trực tiếp tham gia giám sát và phản biện xã hội.
Ông Trần Hậu, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Mặt trận cho rằng, muốn làm được điều này, Mặt trận phải lắng nghe dân nói, nói cho dân hiểu, đồng thời, phải tạo cơ chế để Đảng, Nhà nước cùng lắng nghe dân.
“Mặt trận lắng nghe dân và Mặt trận nói cho dân nghe là cái mới trong phương hướng hoạt động của Mặt trận. Mặt trận không chỉ lắng nghe dân và nói với dân mà còn có trách nhiệm tạo cơ chế để Đảng và Nhà nước cùng lắng nghe dân, theo đúng chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận là giám sát và phản biện xã hội”, ông Hậu nói.
Việc lắng nghe ý kiến nhân dân, nói cho nhân dân hiểu được xem là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt hệ thống Mặt trận trong những năm gần đây và cũng là đòi hỏi, yêu cầu thúc giục Mặt trận phải đổi mới phương pháp, đổi mới mình để làm tròn trách nhiệm với nhân dân.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng: một lo lắng hiện nay là những người trong bộ máy chính quyền chưa thật sự lắng nghe ý kiến người dân, từ vấn đề quy hoạch, môi trường, vấn đề chính sách cũng như các lĩnh vực khác...
Để tiếp tục thực hiện sứ mệnh đại đoàn kết, nhân lên sức mạnh đại đoàn kết, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, thời điểm hiện nay, bên cạnh việc Mặt trận tổ chức thu nhận ý kiến của người dân phản ánh chính quyền các cấp 6 tháng 1 lần có báo cáo trước Quốc hội và Chính phủ về tâm tư nguyện vọng của người dân. Sắp tới, Mặt trận còn chăm lo tạo ra các phong trào cách mạng ở từng khu vực, địa bàn phù hợp với khả năng và điều kiện của nhân dân để người dân thấy Mặt trận nghe dân, cùng nhân dân làm những điều có ích cho đất nước và cho chính nhân dân.
Khi người dân có ý kiến với Đảng, Nhà nước nếu thấy những ý kiến đó chưa được trả lời thỏa đáng thì Mặt trận các cấp là địa chỉ cuối cùng sẵn sàng nghe ý kiến của người dân, phối hợp tổng hợp ý kiến người dân.
Kỷ niệm 60 năm thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng là điểm mốc đánh dấu giai đoạn phát triển mới của công cuộc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng hành cùng những thăng trầm của lịch sử dân tộc, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn làm tròn trách nhiệm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, lắng nghe ý kiến nhân dân, nói cho nhân dân hiểu, đóng góp trí tuệ, công sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại: “Mặt trận Tổ quốc sẽ làm tròn nhiệm vụ vẻ vang là giúp xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”./.