Nắm bắt ý kiến của dân là đòi hỏi ngày càng bức thiết
VOV.VN -Muốn làm tốt công tác giám sát của Mặt trận, cần biết nhân dân đang nghĩ gì, ý kiến của nhân dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Sáng 17/12, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Tọa đàm nâng cao chất lượng công tác nắm bắt, tập hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân đân đối với Đảng, Nhà nước. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện chủ trì tọa đàm.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi tọa đàm. |
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: việc nắm bắt ý kiến của nhân dân là đòi hỏi được Đảng, Nhà nước yêu cầu ngày càng sâu sắc hơn. Để phản ánh kịp thời, chính xác về tình hình đất nước cần có sự thống nhất trong phương pháp thực hiện.
“Chúng ta dự định xây dựng chính sách cần phải biết nhân dân đang suy nghĩ gì, có nhu cầu gì ở lĩnh vực ấy. Chẳng hạn chính sách nông nghiệp, y tế… Việc nắm bắt tinh thần nhân dân đôi lúc phải được chuẩn hóa về điều tra xã hội học. Thông thường, chính sách dành cho đa số, vì vậy cần chú trọng điều tra xem họ suy nghĩ và mong muốn gì để xây dựng hệ thống chính sách cho phù hợp”, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Tọa đàm nâng cao chất lượng công tác nắm bắt, tập hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân đân đối với Đảng, Nhà nước |
Tiến sỹ Đỗ Văn Đương, Phó trưởng Ban Dân nguyện, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, mỗi kỳ họp Quốc hội trung bình có khoảng 2.000 ý kiến, kiến nghị của cử tri. Tuy nhiên tình trạng trở lời kiến nghị của cử tri vẫn nặng về hình thức mà chưa có quan tâm thỏa đáng, thực chất.
Ông Đỗ Văn Đương kiến nghị Chính phủ sớm có quy định về tiêu chí và phân loại việc giải quyết kiến nghị của cử tri theo các nhóm vấn đề đã được giải quyết, đang giải quyết, sẽ giải quyết và các kiến nghị giải trình cung cấp thông tin đến cử tri.
Thạc sỹ Nguyễn Huy Cường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, cho rằng, thời gian tới cần nâng cao năng lực tham mưu giúp cấp ủy trong việc nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội; phản ánh, dự báo đúng, trúng tình hình tâm trạng, tư tưởng và dư luận xã hội của các tầng lớp nhân dân; đổi mới quy trình, phương thức, cách thức tổ chức, lựa chọn nội dung điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội.
Để làm được điều đó, theo Thạc sĩ Nguyễn Huy Cường, cần xây dựng bộ công cụ điều tra, mẫu, phiếu điều tra, đảm bảo độ hiệu lực, độ ổn định của phiếu điều tra. Mặt khác để các cuộc điều tra, các kết quả thu được đảm bảo tính đại diện phụ thuộc rất nhiều vào mẫu điều tra. Nếu mẫu điều tra không đại diện thì kết quả điều tra bị sai lệch.
Các đại biểu cũng cho rằng: cần xác định rõ trách nhiệm chủ trì, phối hợp của các bộ, ngành, chính quyền địa phương trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Hạn chế tối đa tình trạng nợ đọng việc giải quyết. Xác định việc giải quyết, trả lời đầy đủ, đúng thời hạn các kiến nghị của cử tri là một trong những tiêu chí đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của bộ trưởng, trưởng ngành. Đồng thời, đổi mới các hình thức giám sát, đưa các hoạt động giám sát đi vào thực chất, có kiến nghị xác đáng sau giám sát. Giám sát các vụ việc cụ thể mà người dân bức xúc gửi kiến nghị nhiều lần và theo dõi, đeo bám đến cùng việc giải quyết./.
Cử tri đề nghị giám sát chặt việc thực hiện lời hứa của Chính phủ