ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương: Cử tri lo ngại nhất là những lời hứa suông
VOV.VN - ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, cử tri và các đại biểu Quốc hội lo ngại nhất là những lời hứa suông.
Nhiều ý kiến nhìn nhận các phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV lần này là một tín hiệu tốt với cử tri khi các vấn đề được chất vấn không còn bó hẹp trong một nhiệm kỳ. Các đại biểu Quốc hội đòi hỏi dù tư lệnh cũ của ngành đã nghỉ thì tư lệnh mới trong nhiệm kỳ mới phải giải quyết những vấn đề đã nêu từ kỳ họp trước. Các Bộ trưởng cũng đã nhận trách nhiệm về những yếu kém, khiếm khuyết của ngành mình và đưa ra những lời hứa.
Điều quan trọng sau chất vấn được người dân cả nước dõi theo đó là lời hứa của các Bộ trưởng sẽ được thực hiện ra sao và cơ chế giám sát lời hứa như thế nào? Về nội dung này, phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội khóa XIV.
Ông Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội. |
PV: Thưa ông, ông có hài lòng với phần trả lời của các Bộ trưởng về các câu hỏi chất vấn của mình?
Ông Nguyễn Sỹ Cương: Tôi cho rằng đây là kỳ chất vấn rất sôi nổi, cũng là sự cải tiến trong Quốc hội về sự tranh luận. Ngồi trong hội trường mới cảm nhận hết sức nóng của từng vấn đề. Chất vấn làm rõ được nhiều vấn đề và đi vào thực chất.
Điều tôi hài lòng là các thành viên của Chính phủ dù mới nhận nhiệm vụ được 7 tháng, nhưng nói chung các đồng chí Bộ trưởng đều nắm rõ và quán xuyến công việc của Bộ, trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội khá lưu loát, rõ ràng; nhất là dám nhận trách nhiệm trước những vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của mình và đưa ra các giải pháp trong thời gian tới.
Điều băn khoăn là các Bộ trưởng đưa ra giải pháp nhưng quá trình thực hiện trong thực tế sẽ như thế nào là điều đại biểu Quốc hội cũng như cử tri rất quan tâm. Bên cạnh những vấn đề chưa được làm rõ, về bản chất cũng chưa đưa ra được những giải pháp cụ thể.
Một điều nữa là làm sao hạn chế được tiêu cực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước các bộ, ngành. Đó là điều tôi rất băn khoăn.
PV: Tại các phiên chất vấn này, cách hỏi của đại biểu và trả lời của Bộ trưởng không còn theo tư duy nhiệm kỳ và cũng không đổ lỗi cho người tiền nhiệm. Ông có bàn luận gì về cách chất vấn xuyên nhiệm kỳ này?
Ông Nguyễn Sỹ Cương: Trên thực tế còn nhiều vấn đề tồn tại qua nhiều nhiệm kỳ, nhất là từ nhiệm kỳ trước mà tôi cũng là đại biểu Quốc hội. Nhiều đại biểu nêu, vấn đề đã được chất vấn, trong đó nhiều vấn đề được đưa vào Nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội tại phiên chất vấn đó nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được.
Tuy nhiên, có một điều thể hiện rất rõ trong kỳ chất vấn này là không có Bộ trưởng nào đổ lỗi cho nhiệm kỳ trước hoặc cho người tiền nhiệm mà luôn luôn nhận trách nhiệm về mình mặc dù mới nhận nhiệm vụ trong một thời gian ngắn. Ý thức trách nhiệm cao của Bộ trưởng và Thủ tướng rất đáng trân trọng.
PV: Theo dõi phiên chất vấn, cử tri cũng nhận thấy rất nhiều nội dung tồn tại từ lâu được chất vấn đi chất vấn lại qua các kỳ họp. Điều này cho thấy dù có nhiều cố gắng nhưng Chính phủ và các thành viên Chính phủ vẫn chưa làm tròn trách nhiệm của mình. Ông có tán thành với nhận định này?
Ông Nguyễn Sỹ Cương: Thực tế là như vậy. Nhưng cũng có nhiều vấn đề tồn tại không thể giải quyết ngay được trong 1 – 2 năm, thậm chí trong một nhiệm kỳ mà cần có quá trình, giải quyết từng bước. Điều các đại biểu Quốc hội cũng như các cử tri trông đợi là mỗi vấn đề cần có giải pháp, từ đó tạo sự thay đổi theo hướng tốt hơn, tránh tình trạng cứ nêu mãi nhưng không thay đổi thì đáng thất vọng.
Có thay đổi được hay không, điều đó tôi nghĩ phụ thuộc vào ý thức trách nhiệm. Các Bộ hầu hết đa ngành, đa lĩnh vực cho nên cũng có những việc làm tốt, những việc chưa tốt; không nên vì một việc mà cho rằng chưa làm tròn trách nhiệm.
Chất vấn nêu ra vấn đề hoặc một số vấn đề cũng để cùng chung tay giải quyết cho tốt hơn.
“Thủ tướng trả lời chất vấn thể hiện khát vọng thực hiện chức trách”
PV: Liên hệ với câu chuyện thời sự là lời hứa của các Bộ trưởng ở các phiên chất vấn, theo ông, các Bộ trưởng đã hứa mà không thực hiện lời hứa hoặc thực hiện không đến nơi đến chốn thì nên xử lý ra sao?
Ông Nguyễn Sỹ Cương: Cử tri và các đại biểu Quốc hội lo ngại nhất là những lời hứa suông. Vì vậy, cần tăng cường hoạt động giám sát và xử lý trách nhiệm một cách nghiêm khắc để loại bỏ những lời hứa suông đó. Và cần làm rõ hơn cơ chế trách nhiệm trong chỉ đạo điều hành.
Theo tôi, không cần đến những trường hợp sai phạm lớn như vừa qua mà anh làm Bộ trưởng, trưởng ngành nhưng thiếu trách nhiệm hoặc hiệu quả điều hành yếu kém thì có thể bị xử lý trách nhiệm. Tôi nghĩ nếu làm được như vậy mọi việc sẽ đi vào trật tự.
PV: Trong phiên chất vấn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đại biểu Dương Trung Quốc một lần nữa nói về văn hóa từ chức, thưa ông?
Ông Nguyễn Sỹ Cương: Tôi đồng tình với ý kiến của đại biểu Dương Trung Quốc. Nhận thức của chúng ta về chuyện từ chức vẫn trong tình trạng khá nặng nề. Thực tế, từ chức là chuyện hết sức bình thường, thậm chí từ chức, rồi sau này anh có thể ứng cử vào những vị trí khác hoặc được bổ nhiệm vào những vị trí khác cũng là bình thường. Việc từ chức đôi khi chỉ vì một sự việc chứ không hoàn toàn đánh giá bản chất của con người đó.
Tôi nghĩ rằng văn hóa từ chức cần được tăng cường thêm. Bởi trong bối cảnh hiện nay dù sơ suất mà anh không hoàn thành, không quán xuyến, không nắm được, không quản lý được để xảy ra những sự việc lớn thì việc từ chức nên được thực hiện thì tốt hơn.
PV: Xin cảm ơn ông./.